Điện Gia Lai (GEG) bị ngành thuế ‘tuýt còi’, mỗi ngày trả 2,68 tỷ đồng tiền lãi

Cập nhật: 11:16 | 06/06/2024 Theo dõi KTCK trên

Công ty CP Điện Gia Lai (HOSE: GEG) vừa nhận án phạt từ cục thuế địa phương với tổng số tiền phải khắc phục hơn 155,6 triệu đồng. Gánh nợ của 'ông lớn' năng lượng tái tạo này vẫn ở con số "khủng" 10.250 tỷ đồng.

Cục Thuế tỉnh Gia Lai vừa ban hành Quyết định số 1341/QĐ-CTGLA-KG về việc xử phạt hành chính đối với Điện Gia Lai. Theo quyết định này, GEG đã có hành vi khai sai dẫn đến làm thiếu số tiền thuế phải nộp trong niên độ kế toán từ 2022 đến 2023.

Với vi phạm này, Cục Thuế Gia Lai buộc GEG phải nộp tổng số tiền 155.680.728 đồng. Trong đó gồm hơn 121,2 tỷ đồng thuy thu thuế GTGT và thuế TNDN; 34,4 triệu đồng tiền chậm nộp và xử phạt hành chính.

Được biết, hiện nay Điện Gia Lai đã nộp đủ số tiền này về Kho bạc Nhà nước theo yêu cầu của cơ quan thuế.

Trước đó, Điện Gia Lai cùng từng bị ngành thuế xử phạt, buộc nộp đủ số tiền hơn 215,6 triệu đồng cũng với hành vi khai sai, dẫn đến làm thiếu số tiền thuế phải nộp trong niên độ 2020 – 2021.

Điện Gia Lai bị ngành thuế xử phạt
Điện Gia Lai bị ngành thuế xử phạt

Công ty CP Điện Gia Lai thành lập trên cơ sở cổ phần hóa Công ty Điện Gia Lai vào năm 2010, hiện được xem là ‘ông trùm’ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, thành viên của hệ sinh thái Thành Thành Công.

Cổ phiếu GEG của Điện Gia Lai niêm yết trên sàn HOSE từ ngày 28/8/2019.

Hiện tại, cổ đông ngoại Jera Asia Vietnam Holdings Pte. Ltd đang nắm hơn 119,7 triệu cổ phiếu GEG (35,1% cổ phần). Công ty CP Đầu tư Thành Thành Công nắm 16,79% cổ phần; Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa nắm 10,99%; Công ty CP Khu công nghiệp Thành Thành Công và Công ty TNHH MTV Thành Thành Công – Gia Lai lần lượt nắm 3,62% và 2,74% cổ phần GEG.

Quý 1/2024, doanh thu hợp nhất Điện Gia Lai đạt 739,2 tỷ đồng, tăng 34,8%; lãi gộp ở mức 418 tỷ đồng, tăng 33,9% so với cùng kỳ. Chi phí bán hàng rất nhỏ, chỉ hơn 135 triệu đồng, tuy vậy chi phí quản lý doanh nghiệp tăng hơn 10 tỷ đồng so với cùng kỳ, lên hơn 43 tỷ đồng. Đặc biệt, chi phí tài chính tăng hơn 29,2%, lên 245,5 tỷ đồng trong quý 1/2024, riêng chi phí lãi vay ngốn của GEG hơn 241,7 tỷ đồng. Nghĩa là trong 3 tháng đầu năm 2024, mỗi ngày Điện Gia Lai phải đóng 2,68 tỷ đồng tiền lãi.

Khấu trừ các khoản phí và thuế, Điện Gia Lai ghi nhận lãi ròng 126,2 tỷ đồng trong quý đầu năm 2024, tăng 22,3% so với cùng kỳ.

Gánh nợ hơn 10.250 tỷ đồng

Đến hết 31/3/2024, quy mô tài sản của Điện Gia Lai vượt mức 16.152 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm, trong đó tài sản dài hạn chiếm 89,5%. Tài sản ngắn hạn của Công ty tăng thêm 230 tỷ đồng sau 3 tháng đầu năm, chủ yếu do các khoản phải thu tăng mạnh, lên hơn 1.078 tỷ đồng, chiếm 63,7% tài sản ngắn hạn.

Trong khi đó, nợ phải trả của GEG dù giảm nhẹ nhưng vẫn đang hơn 10.259,6 tỷ đồng, gấp 1,74 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, nợ vay chiếm 9.935,9 tỷ đồng, với hơn 8.564,5 tỷ đồng vay dài hạn.

Đáng chú ý, nợ ngắn hạn của GEG đã vượt quá tài sản ngắn hạn, cùng với việc giá trị các khoản phải thu ngắn hạn tăng cao, cho thấy Công ty đang chịu sức ép khá lớn về tài chính. Trong đó, Công ty có hơn 1.285 tỷ đồng nợ dài hạn sắp đến hạn trả, chiếm phần lớn là trái phiếu.

Theo diễn giải tại báo cáo tài chính quý 1/2024, GEG có 300 trái phiếu (mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu) thuộc hợp đồng đặt mua giữa Điện Gia Lai và Ngân hàng TMCP Ngoại thương – Chi nhánh Gia Lai vào ngày 20/6/2018, nhằm đầu tư vào dự án điện mặt trời Phong Điền và Krông Pa.

Vietcombank tích cực tài trợ vốn cho Điện Gia Lai cả trong ngắn hạn và dài hạn
Vietcombank tích cực tài trợ vốn cho Điện Gia Lai cả trong ngắn hạn và dài hạn

Ngoài ra, ngày 11/10/2021, GEG phát hành 7.000.000 trái phiếu (mệnh giá 100.000đ/trái phiếu), nhằm thanh toán trước hạn gốc trái phiếu 200 tỷ đồng được phát hành tháng 9/2020, và thanh toán trước hạn gốc trái phiếu 500 tỷ đồng phát hành tháng 4/2021.

GEG còn có hợp đồng phát hành ngày 23/8/2021 với 3.000.000 trái phiếu, mệnh giá 100.000đ/trái phiếu, nhằm tăng quy mô vốn hoạt động và phục vụ đầu tư các dự án.

Cả trong ngắn hạn và dài hạn, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (nhiều chi nhánh) là nhà băng cấp vốn nhiều nhất cho Điện Gia Lai. Ở dài hạn, Chi nhánh Gia Lai của ngân hàng này đang cho Điện Gia Lai vay hơn 7.323 tỷ đồng để thực hiện loạt dự án năng lượng tái tạo như các dự án điện mặt trời Krông Pa, Hàm Phú 2, hay các dự án điện gió Ia Bang, VPL, Tân Phú Đông 1, Tân Phú Đông 2.

Ngoài ra, Chi nhánh TPHCM của Vietcombank cũng đang cho GEG vay dài hạn 320,4 tỷ đồng.

Cao Thái