Sau kết luận thanh tra từ Bộ LĐ-TB&XH, Phân bón Bình Điền (BFC) bị phạt và truy thu hàng tỷ đồng do vi phạm về thuế

Cập nhật: 12:33 | 13/06/2024 Theo dõi KTCK trên

Phân bón Bình Điền (BFC) bị phạt do khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp với tổng số tiền phạt và truy thu thuế gần 2,7 tỷ đồng. Trước đó, Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã có Kết luận thanh tra chỉ ra loạt vi phạm trong chấp hành quy định pháp luật về lao động tại doanh nghiệp phân bón này.

Mới đây, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 1817QĐ/CT đối với Công ty CP Phân bón Bình Điền (HOSE: BFC), địa chỉ trụ sở chính: C12/21 Quốc lộ 1A, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP.Hồ Chí Minh, do Tổng Giám đốc Ngô Văn Đông là người đại diện pháp luật.

Sau kết luận thanh tra từ Bộ LĐ-TB&XH, Phân bón Bình Điền (BFC) bị phạt và truy thu hàng tỷ đồng do vi phạm về thuế
Công ty CP Phân bón Bình Điền (HOSE: BFC).

Phân bón Bình Điền đã có hành vi vi phạm hành chính là khai sai, dẫn đến thiếu số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp quy định tại Khoản 1, Điều 142, Luật Quản lý thuế. Theo Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh, hành vi này được quy định tại Khoản 1, Điều 16, Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hoá đơn.

Theo đó, Phân bón Bình Điền bị phạt hơn 444,5 triệu đồng và bị truy thu thuế gần 2,22 tỷ đồng. Tổng cộng, số tiền phạt và truy thu thuế là gần 2,66 tỷ đồng.

Trong vòng 10 ngày kể từ khi nhận được quyết định xử phạt về thuế, ông Ngô Văn Đông - Tổng Giám đốc Công ty Phân bón Bình Điền phải thực hiện quyết định, đồng thời nộp số tiền phạt và truy thu thuế vào tài khoản Cục Thuế TP.HCM.

Phân bón Bình Điền chỉ thực hiện được 89% mục tiêu lợi nhuận trong năm 2023

Về tình hình hoạt động kinh doanh, trong quý đầu năm 2024, Phân bón Bình Điền ghi nhận doanh thu thuần tăng tới 44%, đạt 1.940 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 73,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 39,6 tỷ đồng.

Năm 2024, Phân bón Bình Điền đặt mục tiêu sản lượng sản xuất đạt 568.000 tấn; sản lượng tiêu thụ 568.000 tấn; doanh thu mục tiêu 7.137 tỷ đồng (giảm 18% so với kết quả đạt được 2023). Dù doanh thu giảm nhưng Bình Điền đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm nay tăng 7%, đạt 210 tỷ đồng. Cổ tức dự kiến ở mức 25%.

Trước đó, trong năm 2023, Phân bón Bình Điền ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 148 tỷ đồng, giảm 1% so với năm 2022. Biên lợi nhuận gộp tăng nhẹ từ 10,3% lên 10,6%. Với kết quả trên, Phân bón Bình Điền vượt 15% chỉ tiêu doanh thu và thực hiện được 89% mục tiêu lãi trước thuế của cả năm.

Trong báo cáo phân tích được phát hành hồi tháng 3/2024, Công ty Chứng khoán ABS cho rằng hoạt động kinh doanh năm 2023 của Phân bón Bình Điền mặc dù đi ngang nhưng tương đối tích cực so với các doanh nghiệp cùng ngành.

Ngoại trừ quý 1/2023 bị thua lỗ, các quý sau đó BFC đều đạt kết quả tích cực. Tổng doanh thu cả năm 2023 đạt 8.588 tỷ đồng, đi ngang so với năm 2022 nhưng vẫn vượt 15% chỉ tiêu đề ra. Lợi nhuận sau thuế đạt 148 tỷ đồng, giảm -1% so với cùng kỳ và thực hiện được 89% chỉ tiêu cả năm. Biên lợi nhuận gộp tăng nhẹ từ 10,3% lên 10,6%.

ABS đánh giá: Đây là kết quả tương đối khả quan của BFC trong bối cảnh giá phân bón hạ nhiệt, ngành phân bón đối mặt với nhiều khó khăn trong năm 2023. Một phần nguyên nhân đến từ việc BFC chủ yếu tập trung vào phân bón NPK, mà giá của NPK ổn định hơn so với Ure nên kết quả kinh doanh của BFC ổn định hơn so với các doanh nghiệp phân bón đầu ngành khác là DPM và DCM (2 doanh nghiệp này tập trung vào Ure). Hệ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 13,8%.

Mặc dù vậy, Chứng khoán ABS cũng chỉ ra điểm cần lưu ý về tình hình tài chính của Phân bón Bình Điền là chỉ số Nợ vay ở mức cao. Tổng nợ vay của BFC tại 31/12/2023 là 1.494 tỷ đồng, giảm -28% so với năm 2022. Trong đó chủ yếu là nợ vay ngắn hạn, chiếm 99% tổng nợ. Hệ số D/E giảm từ mức 1,5x xuống 1,2x và cao hơn nhiều so với trung bình ngành phân bón hóa chất là 0,6x.

“Tuy nhiên, nợ vay đang có xu hướng giảm, trong đó chủ yếu là nợ vay ngắn hạn nhằm phục vụ nhu cầu vốn lưu động của công ty, chúng tôi cho rằng cơ cấu nguồn vốn của BFC vẫn ở mức an toàn”, Báo cáo của ABS nhận định.

Công ty chứng khoán ABS cho rằng triển vọng kinh doanh năm 2024 của BFC ở mức trung lập do những yếu tố: Giá phân bón trong năm 2024 được dự báo tiếp tục suy yếu khi nguồn cung phục hồi và có thể tăng 5% theo dự báo tích cực của Rabobank. Xuất khẩu phân bón tại Trung Quốc và Nga được dự báo sẽ tăng trở lại mức năm 2021 với điều kiện duy trì mức sử dụng công suất hiện tại.

Ở diễn biến liên quan, Phân bón Bình Điền mới đây đã chốt danh sách cổ đông để thanh toán cổ tức đợt cuối năm 2023 bằng tiền với tỷ lệ 20% (tương ứng mỗi cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được nhận 2.000 đồng); Ngày thanh toán là ngày 28/6 và ngày đăng ký cuối cùng là ngày 14/6.

Trước đó, vào giữa tháng 1/2024, công ty đã tạm ứng cổ tức đợt 1/2023 bằng tiền với tỷ lệ 5%. Qua đó, tổng mức chia cổ tức năm 2023 của BFC là 25% bằng tiền mặt. Như vậy, đây là tỷ lệ chi trả cổ tức cao nhất trong 6 năm qua, trong khi đó từ năm 2018-2022, BFC đều trả cổ tức với tỷ lệ 20%.

Trên thị trường chứng khoán, tính đến thời điểm chốt phiên 13/6, cổ phiếu BFC đứng tham chiếu tại mốc 37.000 đồng/cp. Tuy nhiên, so với thời điểm đầu năm, cổ phiếu của Phân bón Bình Điền đã tăng tới gần 50%.

Loạt vi phạm trong chấp hành quy định pháp luật về lao động tại Phân bón Bình điền

Hồi tháng 4 vừa qua, Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Kết luận thanh tra về việc chấp hành các quy định của pháp luật về lao động tại Phân bón Bình Điền. Qua đó phát hiện hàng loạt vi phạm trong việc thực hiện chấp hành các quy định của pháp luật về lao động.

Theo Kết luận thanh tra, ngoài những nội dung đã thực hiện được, kết luận thanh tra còn chỉ ra những quy định của pháp luật về lao động chưa được Phân bón Bình Điền thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ.

Trong đó, Phân bón Bình Điền chưa xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động hằng năm; Hợp đồng thử việc đã giao kết với người thử việc chưa thỏa thuận nội dung về trang bị bảo hộ lao động là chưa đúng quy định tại khoản 2 Điều 24 Bộ luật Lao động.

Kết luận thanh tra chỉ rõ, nội dung hợp đồng lao động đã giao kết với 5 người lao động, mục công việc phải làm ghi “làm những công việc được quy định cụ thể theo phân công của Tổ trưởng và Ban điều hành nhà máy” là chưa đúng quy định tại Điều 21 Bộ luật Lao động; Thông tư số 10/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12/11/2020 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về nội dung của hợp đồng lao động, hội đồng thương lượng tập thể và nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản, nuôi con.

Hồ sơ thỏa ước lao động tập thể của doanh nghiệp không có thông báo bằng văn bản về những nội dung dự kiến tiến hành thương lượng tập thể của đại diện tập thể người lao động hoặc của người sử dụng lao động, không có biên bản cuộc họp thương lượng.

Bên cạnh đó, quy chế trả lương đối với người lao động quy định “người lao động làm thêm theo yêu cầu của Lãnh đạo, phụ trách trực tiếp" là chưa đúng quy định.

Ngoài ra, công ty này chưa xây dựng quy chế trả lương, thù lao đối với người quản lý theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Thông tư 28/2016/TT-BLĐTBXH ngày 01/9/2016 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện quy định về lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với Công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước.

Doanh nghiệp đã chi tiền ăn ca cho người lao động với mức bình quân 1.163.425 đồng/người/tháng của năm 2022 và 1.452.715 đồng/người/tháng của năm 2023 là vượt quá mức chỉ tối đa.

“Khoản 2 và khoản 3 Điều 35 nội quy lao động quy định “người lao động bị xử lý kỷ luật lao động bằng hình thức sa thải khi tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động”, nhưng nội quy lao động không có quy định cụ thể danh mục các thông tin tài liệu thuộc bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, sở hữu trí tuệ là chưa đúng quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 69 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ” Kết luận thanh tra nêu rõ.

Ngoài ra, Kết luận thanh tra còn chỉ ra một số vi pham khác như: Chưa gửi bản nội quy lao động đã đăng ký với Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh đến cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi đặt trụ sở của nhà máy trực thuộc.

Chưa thực hiện việc giúp đỡ, hỗ trợ xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo cho người lao động

Số trang cấp, theo dõi việc trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân chưa có chữ ký xác nhận của người lao động hoặc người đại diện bộ phận kỹ thuật, lò hơi và kho bao bì nơi người lao động làm việc là chưa đúng quy định.

Chưa lập biên bản cuộc họp công bố biên bản điều tra tai nạn lao động; Biên bản điều tra vụ tai nạn lao động chưa kết luận về những người có lỗi, đề nghị hình thức xử lý theo mẫu quy định.

Được biết, Phân bón Bình Điền thành lập năm 1973, tiền thân là Công ty Phân bón Thành Tài (Thataco). Công ty hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất và thương mại hóa chất nông nghiệp, trong đó, sản phẩm chính là phân bón "Đầu Trâu".

Vi phạm về thuế nhiều lần và quy mô lớn, Chứng khoán Dầu khí (PSI) bị phạt và truy thu gần 2,6 tỷ đồng

Ngày 20/5, Cục thuế TP Hà Nội ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế và hóa đơn đối với Công ty ...

Truy thu gần 3.000 tỷ đồng từ hơn 22.000 vụ vi phạm thuế thương mại điện tử và livestream bán hàng

Đây là thông tin được Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi chia sẻ tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5 ...

Thùy Chi

Tin cũ hơn
Xem thêm