Đất công và chuyện đưa đất công lên sàn

Cập nhật: 16:33 | 23/08/2018 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Quản lý và sử dụng đất công sao cho minh bạch, hiệu quả? đưa đất công lên sàn có là giải pháp ngăn chặn vấn nạn "chảy máu" đất công?

Đất công được hiểu là loại đất do nhà nước quản lý như đường, sông, rạch ... và các thửa đất do tổ chức nhà nước các cấp quản lý sử dụng (xã, huyện, tỉnh), đôi khi do một vài doanh nghiệp nhà nước sử dụng.

Ở nước ta, chủ yếu đất công giao cho các doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần vốn là doanh nghiệp nhà nước, các lâm trường, hợp tác xã nông nghiệp...

Đất công là tài sản toàn dân do nhà nước quản lý, ủy quyền cho các tổ chức sử dụng. Ở bất cứ quốc gia nào, nguồn lực từ đất là vô cùng lớn, là đòn bẩy để Nhà nước thực hiện các mục tiêu quy hoạch phát triển kinh tế xã hội.

Hiện, còn bao nhiêu triệu m2 đất công đang nằm trong tay các tổ chức? Con số này cần được công khai từng vị trí, diện tích, tiềm năng, lợi thế địa tô... để cộng đồng nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp cận, có phương án đầu tư.

Đương nhiên, đất đai không thể là "bầu sữa' vô cùng vô tận. Đất công hẳn không thể quản lý, điều hành theo cung cách "xin - cho", ban phát từ quyền lực của một số cán bộ công quyền nào đó!

dat cong va chuyen dua dat cong len san
Tổng công ty nông nghiệp Sài Gòn quản lý 6.300 ha đất công

Những năm gần đây, nổi lên nhiều vụ việc sai phạm liên quan đến quản lý, sử dụng đất công. Nhức nhối nhất là việc không qua đấu giá mà giao trực tiếp cho một vài doanh nghiệp thực hiện dự án bất động sản để bán kiếm lời. Đương nhiên, lợi ích từ các dự án được đặc cách giao đất công rơi vào tay một số ít người chứ không phải rơi vào ngân sách nhà nước cũng như lợi ích xã hội.

Rồi đến việc doanh nghiệp nhà nước được giao đất công tự ý bán đất công cho doanh nghiệp tư nhân với giá bèo bọt. Nhiều vụ việc chỉ phát lộ khi báo chí, dư luận lên tiếng. Ở đây, về mặt nào đó đất công như là "quà tặng" người ta ban phát cho nhau.

Nhưng, đất công cũng không thể "án binh bất động" mà cần đưa vào thị trường theo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để tăng nguồn thu, nguồn lực cho nhà nước và xã hội. Trong quá trình đô thị hóa, hàng nghìn nhà máy, xí nghiệp, kênh rạch... gây ô nhiễm, ùn tắc trong nội đô cần phải di dời và đương nhiên hàng triệu m2 đất công để lại cần đầu tư phát triển giúp các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh khang trang, hiện đại, văn minh hơn.

Những chủ đầu tư tham gia phát triển các dự án này phải được nhìn nhận là người có công đóng góp vào sự phát triển của các thành phố. Và cũng là lẽ đương nhiên, họ được hưởng lợi nhuận từ dự án đó.

Dư luận, xã hội chỉ yêu cầu tạo môi trường công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng đất công. Do đó, bài toán đưa đất công lên sàn đấu giá rộng rãi được nhắc tới. Mọi nhà đầu tư sẽ bình đẳng, sẽ không còn đất sống cho những doanh nghiệp "cánh hẩu", "sân sau". Doanh nghiệp nào "khỏe", làm ăn nghiêm túc, đấu giá thành công thì được giao đất công. Ngân sách nhà nước vì thế cũng thu về được một nguồn đáng kể từ đấu giá đất công. Và quan trọng hơn, sẽ xóa bỏ được những tiêu cực, nhũng nhiễu, bất công liên quan tới đất công.

Tới đây, TP. Hồ Chí Minh sẽ tiến hành đấu giá nhiều thửa đất. Hy vọng, điều đó sẽ là xung lực mới cho thị trường bất động sản. Nhưng để làm được điều này, trước tiên quy trình đầu giá phải chuẩn, phải bịt được những kẻ hở giúp ai đó "làm bài" khi đấu giá. Giá khởi điểm khi đấu giá cần phải được tính toán kỹ càng. Điều kiện tham gia đấu giá cũng cần xây dựng theo hướng càng nhiều doanh nghiệp có thể tham gia đấu giá càng tốt.

Cuối cùng, đất công đâu chỉ lên sàn? Hiện vẫn còn hàng trăm công ty cổ phần mà nhà nước chi phối đang chiếm giữ nguồn đất công khổng lồ. Không cần đấu giá, chỉ bằng thao tác đơn giản là bán cổ phần doanh nghiệp ra ngoài cho cổ đông chiến lược là một số cá nhân thì hàng trăm ha, hàng nghìn ha đất công cũng đã nằm trong tay tư nhân rồi.

Vấn đề này ngẫm ra cũng đang nhức nhối, phức tạp hơn cả vấn nạn giao đất công cho doanh nghiệp tư nhân không qua đấu giá!

Nguyễn Thạch Trí Vĩnh