Cổ phiếu ngành than tăng phi mã bất chấp kết quả kinh doanh không mấy sáng sủa

Cập nhật: 08:08 | 26/08/2021 Theo dõi KTCK trên

Trong phiên giao dịch 25/8, cổ phiếu ngành than đồng loạt tăng kịch trần. Trước đó, các mã ngành này đã nổi sóng tăng mạnh theo đà tăng của giá than thế giới.

Phiên giao dịch ngày 26/8/2021: Những cổ phiếu cần lưu ý

Nhóm cổ phiếu ngân hàng "vùng lên" mạnh mẽ cuối phiên giao dịch

Trải qua ba phiên giảm mạnh, thị trường lấy lại tín hiệu tích cực hơn sau 14h và bất ngờ đóng cửa trong sắc xanh. VN-Index tăng 10,81 điểm (0,83%) lên 1.309,55 điểm, HNX-Index và UPCoM cũng tăng lần lượt 1,27% và 0,44%.

Theo quan sát, cổ phiếu 'bank, chứng, thép' là một trong những nhóm dẫn dắt giúp chỉ số lấy lại phong độ, từ đó lan rộng sang hầu hết các nhóm ngành. Trong diễn biến tích cực của thị trường, cổ phiếu ngành than được quan tâm với việc đồng loạt tăng kịch trần.

Cổ phiếu ngành than đồng loạt tăng giá

Thống kê cụ thể phiên 25/8, có tới 9/10 cổ phiếu nhóm này ghi nhận mức tăng trần như NBC của CTCP Than Núi Béo, CST của CTCP Than Cao Sơn, TVD của CTCP Than Vàng Danh, THT của CTCP Than Hà Tu... Duy nhất mã TMB của Than Miền Bắc tăng nhẹ 0,67% nối tiếp đà tăng trong phiên liền trước.

0656-co-phieu-than
Cổ phiếu ngành than đồng loạt tăng trần trong phiên 25/8.

Theo quan sát, không chỉ trong những phiên gần đây, nhìn chung cổ phiếu than đã ghi nhận mức tăng mạnh trong suốt 8 tháng vừa qua.

Thống kê từ đầu năm 2021, cổ phiếu NBC đã tăng đến 160% từ mức 6.400 đồng/cp ở phiên giao dịch đầu năm. Có phần khiêm tốn hơn, cổ phiếu TC6 cũng tăng hơn 42% lên mức 7.000 đồng. Trong tháng 4 và tháng 6, cổ phiếu của Than Cọc Sáu cũng ghi nhận hai nhịp tăng mạnh.

Diễn biến tương tự, TVD đã tăng 26% từ vùng giá 8.000 đồng lên 10.100 đồng/cp; THT tuy đã giảm khá mạnh trong nhịp điều chỉnh tháng 7 của thị trường nhưng vẫn tăng hơn 23%...

Nguyên nhân đến từ giá than quốc tế liên tục tăng nóng?

Một trong những nguyên nhân của việc cổ phiếu ngành than đồng loạt tăng giá được cho là đến từ biến động của giá than trên các sàn giao dịch hàng hóa quốc tế. Kể từ đầu năm, giá than đã liên tiếp phá vỡ những kỷ lục cũ để đạt những đỉnh cao mới.

Theo báo cáo của Argus, giá than nhiệt Australia tại cảng Newcastle - loại than tiêu chuẩn cho thị trường châu Á hiện đã tăng vọt 106% lên hơn 166 USD/tấn kể từ đầu năm. Giá than trung bình hàng tuần tại Nam Phi cũng trong xu hướng tăng mạnh.

0717-co-phieu-than-2
Một bãi chứa than tại cảng Newcastle, Australia. (Ảnh: Getty Images).

Giá than giao dịch trên sàn Đại Liên (Trung Quốc) đã tăng khoảng 6% trong phiên 24/8, kéo dài chuỗi tăng giá suốt từ cuối quý 3/2020. Giá than cốc và than luyện cốc ở mức 3.150,5 CNY/tấn và 2.465 CNY/tấn, là mức cao kỷ lục lịch sử và tăng tiếp 6,5% so với phiên liền trước.

Các nhà phân tích năng lượng đã chỉ ra một số lý do cho sự phục hồi chóng mặt của than nhiệt. Đó là nhờ nhu cầu điện năng bùng nổ ở Trung Quốc; lệnh cấm không chính thức của Bắc Kinh đối với than nhập khẩu từ Australia; gián đoạn nguồn cung ở Australia, Nam Phi và Colombia; và giá khí đốt toàn cầu tăng.

Theo dự báo, xu hướng giá than tăng sẽ còn tiếp diễn ít nhất là trong năm 2021 do nhu cầu mạnh từ các nhà sản xuất thép Trung Quốc và nhiều quốc gia khác sau đại dịch. Điều này đã hỗ trợ cho nhóm cổ phiếu than có đà tăng trưởng tích cực trong 6 tháng đầu năm 2021.

Kết quả kinh doanh ngành than không mấy sáng sủa

Tuy vậy, theo nhận định của các chuyên gia, triển vọng chung của ngành khai khoáng vẫn được nhận định ở mức trung bình trong năm 2021. Lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam cũng đưa ra dự báo nhu cầu than năm nay không có sự tăng trưởng, chỉ ở mức tương đương năm ngoái.

Điều đáng nói, mặc dù tăng giá nóng, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành không mấy sáng sủa. Chi phí lãi vay ở mức cao bào mòn lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành than, thậm chí nhiều doanh nghiệp vẫn đang lỗ lũy kế.

Trong nửa đầu năm 2021, doanh thu thuần của Than Núi Béo (Mã: NBC) tăng gần 20% đạt 1.081 tỷ đồng, lãi ròng sau thuế là 16,9 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức lỗ 144,3 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

Kế hoạch kinh doanh Than Núi Béo đề ra trong năm nay là 2.200 tỷ đồng doanh thu, tương đương cùng kỳ. Tuy vậy kế hoạch lãi ròng chỉ còn 25,4 tỷ đồng, giảm gần 50% so với thực hiện năm trước.

Tình hình sản xuất than gặp khó khăn do dịch COVID-19 khiến doanh thu thuần của Than Hà Tu giảm khoảng 118 tỷ đồng, đạt 1.290 tỷ đồng, lãi ròng vẫn tăng hơn 18% lên mức 19,1 tỷ đồng nhờ thực hiện tiết giảm chi phí.

Dù duy trì doanh thu tương đương, hầu hết doanh nghiệp báo cáo mức lãi ròng giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Than Vàng Danh báo lãi ròng 6 tháng đạt 21,6 tỷ đồng, chỉ bằng 68,6% kết quả năm 2020 do việc tiêu thụ than gặp khó khăn và phải chi cho công tác phòng chống dịch.

Lãi sau thuế của Than Cọc Sáu giảm đến 80% chỉ còn hơn 3 tỷ đồng. Nguyên nhân doanh nghiệp đưa ra là do sản lượng tiêu thụ chỉ đạt 41% so với kế hoạch, dẫn tới doanh thu giảm 25%. Mặt khác, chi phí tài chính tăng 44% khiến lợi nhuận giảm hơn 13 tỷ đồng. Chịu ảnh hưởng tương tự, lãi ròng của Than Miền Bắc giảm khoảng 35%, Than Đèo Nai cũng giảm khoảng 17%...

Phiên giao dịch ngày 26/8/2021: Những cổ phiếu cần lưu ý

Các công ty chứng khoán vừa đưa ra báo cáo phân tích đối với một số cổ phiếu tâm điểm cho phiên giao dịch 26/8/2021, ...

Tin tức chứng khoán mới nhất 17h00’ hôm nay 25/8/2021

Thông tin giao dịch khối lượng lớn cổ phiếu như RIC, SMT, EVS, SRA, CET, VGS, SIC… được Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng ...

Nhóm cổ phiếu ngân hàng "vùng lên" mạnh mẽ cuối phiên giao dịch

Phiên giao dịch ngày 25/8, cổ phiên ngân hàng đồng loạt "khởi nghĩa" cuối phiên với 25/27 mã tăng điểm, chỉ 1 mã duy nhất ...

Thảo Bùi