Cơ hội để doanh nghiệp bứt phá khi người lao động được tiêm vắc xin COVID-19

Cập nhật: 13:14 | 07/09/2021 Theo dõi KTCK trên

Trước những khó khăn do dịch bệnh diễn biến phức tạp, các chuyên gia cho rằng tiêm vắc xin COVID-19 sẽ là giải pháp duy nhất, là điều kiện tiên quyết giúp doanh nghiệp tồn tại và bảo vệ chính mình. Khi các doanh nghiệp đạt tiêm 2 mũi vắc xin thường sẽ tìm ra cơ hội để tháo gỡ khó khăn, đảm bảo hoạt động ổn định.

2348-tiem-vacxin-cuu-doanh-nghiep-1
Trưa 6/9 đã có 22,075,731 liều vắc xin COVID-19 được tiêm chủng trên cả nước.

Doanh nghiệp lao đao vì dịch

Các doanh nghiệp hiện khó khăn trăm bề với việc tiếp cận với khách hàng, đứt gãy chuỗi cung ứng, nhiều lao động phải nghỉ việc, doanh thu đều giảm từ 50% đến 90% so với thời điểm trước dịch. Trong đó, các lĩnh vực như du lịch, bất động sản, dệt may, sản xuất thiết bị điện, xe có động cơ, bán lẻ,... bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về những khó khăn trong phòng chống dịch COVID-19, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), cho biết VASEP có 270 doanh nghiệp thành viên, tập trung chủ yếu ở Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh Nam Trung bộ. Nhưng chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp đảm bảo được điều kiện “3 tại chỗ”, tức có khoảng 70% doanh nghiệp ngành thuỷ sản buộc phải tạm dừng sản xuất. “Với những doanh nghiệp sản xuất “3 tại chỗ”, công suất hoạt động trung bình cũng chỉ đạt 40-50%. Họ cũng chỉ có khả năng duy trì 2-3 tuần, hoặc nhiều hơn là 4-5 tuần với những doanh nghiệp lớn”, ông Hòe nhấn mạnh.

Với thị trường bất động sản, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM Lê Hoàng Châu cho hay, đại dịch COVID-19 khiến nhiều cổ phiếu bất động sản bị giảm sàn, nằm sàn, tất cả các doanh nghiệp bất động sản đều bị tác động rõ rệt, các sự kiện đông người như quảng bá tiếp thị bán hàng đều bị hủy bỏ. Trong đó, thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng và thị trường bất động sản cho thuê bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là tình trạng các mặt bằng cho thuê tại khối đế các tòa nhà cao tầng và nhiều mặt bằng nhà phố cho thuê bị nhiều khách thuê trả lại.

Gần 2 năm du lịch lay lắt, hệ sinh thái du lịch tê liệt là hệ quả tất yếu, song, các doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực thực phẩm, lương thực thiết yếu cũng không tránh khỏi kiệt quệ sau kỳ ngủ đông kinh tế quá dài tại TP.HCM.

Không đáp ứng nổi "3 tại chỗ", Công ty TNHH thương mại quốc tế T-Farm đã phải ngưng hoạt động từ ngày 16.7. Chia sẻ với báo chí chiều 3.9, ông Lương Nguyên Tâm - Giám đốc T-Farm cho biết đang mong mỏi từng ngày thành phố nới lỏng những quy định để doanh nghiệp có thể mở máy, sản xuất trở lại. Xưởng sản xuất nằm trong thành phố, không có đủ không gian để triển khai "3 tại chỗ" cho công nhân nên công ty vẫn chưa thể hoạt động dù đến nay đã có hơn 90% số công nhân của T-Farm tiêm đủ 2 mũi vắc xin chống Covid-19.

Nhà máy đóng cửa, doanh thu không có, mỗi tháng, ông Tâm vẫn phải chi đều vài trăm triệu đồng tiền thuê mặt bằng nhà xưởng, tiền bảo hiểm xã hội và tiền lương để duy trì cuộc sống cho người lao động. Đáng nói, hàng loạt đơn hàng cà phê, bánh tráng, bánh gạo, hạt điều... từ các siêu thị đang réo gọi; khách hàng nước ngoài từ Mỹ, Nhật Bản, Hồng Kông... cũng liên tục thúc giục nhanh trả các đơn hàng mà doanh nghiệp xin trì hoãn từ gần 2 tháng trước.

"Lúc đầu tôi nghĩ các biện pháp giãn cách cứng sẽ chỉ kéo dài khoảng nửa tháng nên cũng nói khó để xin trì hoãn với đối tác. Do yếu tố khách quan là dịch bệnh, họ đồng ý, nhưng đến nay đã trễ hẹn quá lâu rồi. Điều tôi lo sợ nhất không phải hết tiền mà là mất đơn hàng. Nếu bảo cầm cự, chắc doanh nghiệp có thể cầm cự được khoảng 2 - 3 tháng nữa nhưng đến lúc đó, các đơn hàng của tôi chắc đã về tay đối tác Trung Quốc hết rồi. Mất 6 - 7 năm để gầy dựng mối quan hệ với các đối tác lớn, giờ chỉ đành ngồi nhìn họ bỏ mình, mà cũng chẳng trách được vì làm ăn, sao có thể chờ đợi quá lâu. Quan trọng, đó đều là các khách hàng lớn, họ ký hợp đồng dài hạn nên sau vài ba tháng nữa, có mở cửa thì mình cũng chẳng còn cơ hội kéo họ lại. Tiền hết có thể đi vay mượn, có thể cầm cố, bán tài sản chứ khách hàng mất thì coi như xong." - ông Tâm thở dài.

2351-tiem-vacxin-cuu-doanh-nghiep-2
Công nhân được tiêm vắc xin sẽ yên tâm sản xuất. (Ảnh: Lao Động).

Tiêm vắc xin giúp doanh nghiệp có cơ hội bứt phá?

Trước những khó khăn do dịch bệnh diễn biến phức tạp, các chuyên gia cho rằng tiêm vắc xin COVID-19 sẽ là giải pháp duy nhất, là điều kiện tiên quyết giúp doanh nghiệp tồn tại và bảo vệ chính mình. Khi các doanh nghiệp đạt tiêm 2 mũi vắc xin thường sẽ tìm ra cơ hội để tháo gỡ khó khăn, đảm bảo hoạt động ổn định.

Tiến sĩ Nguyễn Huy Nga, chuyên gia dịch tễ, nguyên Cục Trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhấn mạnh trong điều kiện Nhà nước có đủ vắc xin để doanh nghiệp tổ chức tiêm 2 mũi cho nhân lực sẽ rất tốt. Như vậy, công nhân được tiêm vắc xin sẽ yên tâm sản xuất, doanh nghiệp không cần phải thực hiện “3 tại chỗ”, không bị đứt gãy chuỗi sản xuất.

“Công nhân đã đạt 2 mũi tiêm vắc xin hoàn toàn có thể đi lao động, sản xuất tại công ty. Người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin có nguy cơ mắc COVID-19 thấp hơn nhiều lần so với người chưa tiêm, nếu có mắc thì tải lượng virus cũng thấp hơn và tình trạng lâm sàng cũng nhẹ hơn, nguy cơ làm lây lan cho người khác cũng thấp hơn”, Tiến sĩ Nguyễn Huy Nga chia sẻ.

Tuy vậy, Tiến sĩ Nguyễn Huy Nga cũng lưu ý những trường hợp công nhân khi đã được tiêm đủ vắc xin vẫn cần thực hiện biện pháp “5k”, vì khi di chuyển trên đường vẫn có nguy cơ lây nhiễm. Nguy hiểm hơn, số người này có thể lây sang cho người nhà, rồi nguy cơ lây lan ra cộng đồng.

“Doanh nghiệp hoàn toàn có thể tiếp tục sản xuất kinh doanh, thậm chí là bứt phá khi họ đã đảm bảo an toàn phòng chống dịch, tiêm đủ 2 mũi vắc xin”, Tiến sĩ Nguyễn Huy Nga chia sẻ.

Cũng đề xuất gỡ khó "3 tại chỗ", ông Lương Nguyên Tâm - Giám đốc T-Farm cho rằng đối với các doanh nghiệp có tỷ lệ bao phủ mũi tiêm vắc xin thứ 2 lớn như T-Farm, nếu vẫn tiếp tục siết yêu cầu "3 tại chỗ", khiến nhà máy không thể sản xuất, công nhân không thể đi làm thì việc đẩy nhanh tiêm vắc xin sẽ trở nên vô nghĩa. "Mở cửa không đồng nghĩa với bất chấp tính mạng. Không có doanh nghiệp nào muốn mạo hiểm tính mạng của bản thân, gia đình và người lao động vì họ là nguồn lực của mình. Cần tạo ra hành lang xanh với những người đã tiêm đủ 2 liều vắc xin chống Covid-19. Chỉ cần thành phố quyết định nới lỏng, yêu cầu tuân thủ những điều kiện về tiêm vắc xin thì doanh nghiệp và người lao động sẽ tự lo nhanh chóng đảm bảo đúng quy định, bảo vệ cuộc sống của mình để có thể chung sống an toàn cùng dịch bệnh" - Giám đốc T-Farm kiến nghị.

Trong khi đó, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cũng cho biết, khi tiêm đủ vắc xin ngừa COVID-19 sẽ tạo ra được miễn dịch để bảo vệ cá nhân, khi bị nhiễm sẽ không biểu hiện lâm sàng, tức là không bị bệnh hoặc không có biểu hiện nặng, tỷ lệ tử vong thấp.

Theo thống kê trên cổng thông tin tiêm chủng vắc xin COVID-19, đến trưa 6/9 đã có 22,075,731 liều vắc xin COVID-19 được tiêm chủng trên cả nước. Đến nay, Việt Nam đã tiếp cận khoảng 33 triệu liều vắc xin COVID-19 từ các nguồn khác nhau.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Thịnh Anh

Tin cũ hơn
Xem thêm