Chỉ khi hiểu rõ ứng cử viên, cử tri mới lựa chọn đúng

Cập nhật: 07:00 | 09/05/2021 Theo dõi KTCK trên

Cuộc bầu cử đại biểu (ĐB) Quốc hội Khóa XV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đang bước vào giai đoạn nước rút, các ứng cử viên gặp gỡ, tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử.

Trong cuộc trao đổi với phóng viên báo Kinh tế&Đô thị, TS. Bùi Ngọc Thanh - nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, đến thời điểm hiện tại, cuộc bầu cử đã thể hiện được sự dân chủ, công khai, nhưng để chọn ra được những ĐB xứng đáng đại diện cho Nhân dân, vẫn còn nhiều việc cần quan tâm.

Vận động bầu cử cũng là một cuộc “sát hạch”

Trước hết, với tâm thế một người có nhiều năm hoạt động trong Quốc hội, từng tham gia nhiều kỳ bầu cử, trước cuộc bầu cử ĐB Quốc hội Khóa XV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 lần này, cảm xúc của ông ra sao?

- Có thể nói rằng, đến thời điểm hiện tại, tất cả các công việc từ chuẩn bị, ban hành văn bản, hướng dẫn, đến việc triển khai của các cấp cho cuộc bầu cử đều được thực hiện rất bài bản, đúng thời gian. Càng gần đến ngày bầu cử, cảm giác của một người từng gắn bó với Quốc hội như tôi càng chộn rộn, bởi một khóa Quốc hội đã hết và bước sang khóa mới với những kỳ vọng cao hơn. Còn với tâm thế của một công dân, tôi cũng luôn hy vọng, mong muốn nhiệm kỳ sau sẽ tốt hơn nhiệm kỳ trước, và điều này bắt đầu từ việc lựa chọn người ĐB, qua bầu cử sẽ tìm được những người ưng ý nhất về trí tuệ, đạo đức, phẩm chất.

5841-bui-ngoc-thanh
TS. Bùi Ngọc Thanh - nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Theo quy trình, sau khi công bố danh sách người ứng cử chính thức, hiện các ứng cử viên đang tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử. Từ kinh nghiệm của mình, theo ông có những vấn đề gì cần lưu ý để ứng viên giới thiệu chương trình hành động của mình đến cử tri một cách tốt nhất?

- Giai đoạn vận động bầu cử có ý nghĩa hết sức quan trọng để người ứng cử giới thiệu, chứng tỏ với cử tri về năng lực, phẩm chất và khả năng đóng góp của mình nếu được bầu. Nói cách khác, có thể xem đây là cuộc “sát hạch” trực tiếp, trực diện của cử tri đối với người ứng cử. Trong quá trình vận động bầu cử, nhất là với những người ứng cử lần đầu khó tránh khỏi lo lắng, lúng túng. Từ thực tiễn các cuộc bầu cử trước đây cho thấy, trong quá trình tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử, người ứng cử phải thể hiện mình là người thực sự chân thành, luôn cầu thị, sẵn sàng trao đổi ý kiến, học hỏi nơi cử tri và Nhân dân; hiểu thật kỹ vai trò, trách nhiệm của người ĐB dân cử.

Trên thực tế đã có những ứng cử viên trượt bởi chương trình hành động không sát, do đó, một điều đặc biệt quan trọng là phải nắm bắt chắc chắn tình hình cơ bản về kinh tế, xã hội của cả nước nói chung và địa phương nơi mình ứng cử nói riêng, để xây dựng một chương trình hành động ngắn gọn, tương thích, phù hợp với địa bàn nơi ứng cử.

Việc hiểu rõ đặc thù của địa phương, vấn đề cử tri nơi đó quan tâm, vậy chương trình hành động mới sát. Hơn nữa, người ứng cử chỉ nên hứa những gì thiết thực, có đủ điều kiện thực thi đem lại hiệu quả; hứa một, khả năng làm được hai càng tốt; không nên hứa những việc “xa tầm với”, thiếu khả năng thực hiện sẽ bị nói là “hứa suông”.

Bên cạnh chương trình hành động, theo ông, có những thông tin gì cử tri cần phải được cung cấp để nắm bắt, nhận định được chính xác về các ứng cử viên?

- Đây là một vấn đề rất cần quan tâm. Ở một vài cuộc bầu cử trước, không ít cử tri phản ánh chưa biết nhiều về các ứng cử viên ngoài lý lịch trích ngang, chương trình hành động nếu trúng cử. Nguyện vọng, mong muốn thấu hiểu ứng cử viên của cử tri nhằm lựa chọn cho được những người nổi trội nhất là hoàn toàn chính xác và chính đáng.

Có thể nói rằng, qua thực tế các cuộc bầu cử, cử tri mong muốn được biết cụ thể, thực chất “con người bên trong” của ứng cử viên. Như với tiêu chuẩn “có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác”. Cử tri rất muốn biết từng hành vi cụ thể của ứng cử viên trong tiêu chuẩn này. Ứng cử viên có cam đoan và chứng minh được mình hoàn toàn trong sạch, không tham nhũng, bản thân và gia đình không liên quan gì đến tham nhũng không. Cử tri cũng rất muốn biết tường tận uy tín, sự tín nhiệm và quan hệ của ứng cử viên với Nhân dân như thế nào…

Những thông tin mà cử tri muốn biết ấy thực chất cũng đã có trong các loại văn bản và được các cấp có thẩm quyền xác nhận, được bảo đảm. Vấn đề là, cử tri phải được thông báo về các kết luận, kết quả xác nhận đó. Việc nắm bắt, hiểu biết được một cách sâu sắc, cụ thể, tường tận điều ứng cử viên đã thể hiện trong thực tế cuộc sống sẽ giúp cử tri yên tâm lựa chọn chính xác ĐB. Đồng thời, việc này sẽ khắc phục tình trạng ở một số đơn vị bầu cử, cử tri vẫn phải dựa vào các thông tin về vị trí, chức vụ, trình độ học vấn của ứng cử viên để quyết định bỏ phiếu cho ai.

Bản lĩnh người đại biểu rất quan trọng

Chất lượng ĐB là điều kiện cần và đủ để làm nên một cơ quan lập pháp hoạt động thực sự hiệu quả. Việc tăng số lượng ĐB chuyên trách có làm tăng chất lượng hoạt động của Quốc hội, thưa ông?

"Việc nắm bắt, hiểu biết một cách sâu sắc, cụ thể, tường tận điều ứng cử viên đã thể hiện trong thực tế cuộc sống sẽ giúp cử tri yên tâm lựa chọn chính xác ĐB. Đồng thời, việc này sẽ khắc phục tình trạng ở một số đơn vị bầu cử, cử tri vẫn phải dựa vào các thông tin về vị trí, chức vụ, trình độ học vấn của ứng cử viên để quyết định bỏ phiếu cho ai." - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - TS. Bùi Ngọc Thanh

- Về nguyên tắc, ĐB chuyên trách làm việc toàn phần cho Quốc hội, vì thế tăng số lượng sẽ tăng hiệu quả. Các khóa vừa qua, ĐB Quốc hội chuyên trách đều tăng lên, tính từ khóa XI có 23,9%, đến khóa XIV tăng lên 33,8% và cuộc bầu cử lần này đang hướng đến mức tối thiểu 40%. Hiệu quả của việc tăng ĐB chuyên trách thể hiện ở khối lượng công việc mà Quốc hội các khóa gần đây đã giải quyết rất lớn, với nhiều đổi mới, sáng tạo hơn. Nhưng theo tôi, dù kiêm nhiệm hay chuyên trách thì chất lượng ĐB, hiệu quả hoạt động mới là quan trọng. Bởi thế, song song với phẩm chất đạo đức thì trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực, trí tuệ cao là điều kiện tiên quyết để ĐB có thể đóng góp tích cực, có hiệu quả vào các hoạt động của Quốc hội.

Nếu các cơ quan hành pháp và tư pháp, mỗi cơ quan hoạt động trên một lĩnh vực hoặc một nhóm lĩnh vực nhất định, thì riêng Quốc hội phạm vi hoạt động lại bao gồm toàn bộ nền kinh tế - xã hội, với rất nhiều luật chuyên ngành... Điều đó đòi hỏi người ĐB phải có tầm hiểu biết rộng, chiều sâu kiến thức, trong khi đó, các ĐB phần lớn chỉ được đào tạo và hoạt động trong một vài lĩnh vực chuyên ngành. Do đó, ĐB không thể “ngồi yên” mà phải tự đào tạo, truy cập thông tin, cập nhật kiến thức liên tục mới làm tốt được nhiệm vụ ĐB theo luật định.

Hơn thế nữa, có một điều cần nói đến là bản lĩnh của người ĐB. Thực tế không phải không có những ĐB phẩm chất tốt, năng lực, trí tuệ cao nhưng còn nể nang, ngại va chạm, ngại nêu chính kiến trong hoạt động nghị trường. Trọng trách đặt lên "vai" của Quốc hội trong giai đoạn tới là hết sức nặng nề, rất cần những ĐB có bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm, dám đối diện thực tế, dám đề xuất những chính sách pháp luật đột phá với tinh thần trách nhiệm cao nhất, vì lợi ích của Nhân dân. Chính vì thế, phải lãnh đạo, chỉ đạo thật tốt công tác bầu cử, rà thật kỹ để những người thiếu bản lĩnh không thể “lọt vào” Quốc hội.

Ngày 23/5 sẽ là ngày cử tri đi bỏ lá phiếu của mình để chọn ra người ĐB đại diện của dân. Theo ông, làm thế nào để phát huy trách nhiệm của mỗi cử tri trước lá phiếu khi bầu cử?

- Bầu cử vừa thể hiện quyền công dân, vừa thể hiện trách nhiệm của mỗi cử tri. Theo tôi phải tăng cường tuyên truyền, để cử tri hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình với cuộc bầu cử; đề cao trách nhiệm, quyền hạn và sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị phụ trách bầu cử, nhất là trong các nhiệm vụ thẩm định hồ sơ người ứng cử. Qua đó, không chỉ giúp cử tri tự giác, tích cực và chủ động tham gia bầu cử, không đi bầu hộ, bầu thay hay bầu cho xong, mà còn góp phần giúp cử tri chọn lựa được hợp lý và chính xác hơn ĐB khi bầu.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn kinhtedothi.vn

Tin cũ hơn
Xem thêm