Bí quyết thi tốt nghiệp THPT 2023 đạt điểm khá trở lên: Tránh "bút sa gà chết"

Cập nhật: 14:33 | 26/06/2023 Theo dõi KTCK trên

Ngày 28,29/6 là 2 ngày cực kỳ quan trọng đối với các sĩ tử 2k5 - đây là ngày được xem là cột mốc, đánh dấu bước ngoặt cũng như là ngày giúp các em bước sang trang mới, cuộc đời mới. Đó là ngày thi THPT quốc gia 2023. Thời điểm này, thí sinh cần lưu ý gì để làm bài đạt điểm cao ở các môn thi?

Nhiều trường Đại học công bố kết quả xét tuyển sớm năm học 2023-2024

Lịch thi THPT 2023: Thời gian và những lưu ý thí sinh cần quan tâm

Ngữ văn: Quy ước "bàn tay phải"

Cô Nguyễn Kim Anh (Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội) cho hay, các em cần nắm kiến thức cơ bản về viết đoạn văn nghị luận xã hội, nghị luận văn học, dạng bài đọc hiểu. Các tác phẩm văn học trong chương trình nằm trong phạm vi ra đề thi đã được các thầy, cô ôn tập ở trường. Trong giai đoạn ôn tập, các em có thể lập bảng ghi tóm tắt các thông tin về tác giả, tác phẩm, bối cảnh sáng tác, giá trị cốt lõi của tác phẩm, phong cách, bút pháp của tác giả.

'Bí quyết' làm bài đạt điểm cao (Nguồn ảnh: Internet)
"Bí quyết" làm bài đạt điểm cao (Nguồn ảnh: Internet)

Các em cũng có thể lập sơ đồ tư duy. Dựa vào bảng/sơ đồ, các em rà soát lại lần nữa nội dung cốt lõi của các tác phẩm. Trong đó lưu ý đến bối cảnh lịch sử tác động đến nội dung, nhân sinh quan của tác giả để hiểu hơn giá trị tác phẩm. Các em cần bám sát đề thi tham khảo để nắm cấu trúc đề thi. Theo đó, sẽ có ba phần cơ bản: phần đọc hiểu, phần nghị luận xã hội và phần nghị luận văn học. Mỗi phần các em nắm chắc các bước, có thể tổng kết lại theo công thức.

Các em có thể tham khảo quy ước "bàn tay phải". Bàn tay có năm ngón thì ta quy ước mỗi ngón ứng với một bước trong phần viết đoạn. Ngón cái là nêu vấn đề/hiện tượng đời sống. Ngón trỏ là giải thích vấn đề/hiện tượng được đề nêu ra. Ngón giữa là bàn luận vấn đề hoặc trình bày về tính phổ biến của hiện tượng trong đời sống. Ngón áp út là lật lại vấn đề/phản đề đưa ra các mặt ngược lại với vấn đề được nêu ra hoặc chỉ ra nguyên nhân, ảnh hưởng của hiện tượng đời sống đến bản thân và giới trẻ nói chung. Ngón út là rút ra bài học, giá trị cần hướng tới.

Toán: Tránh lặp lỗi sai hay mắc phải

Theo thầy Lê Văn Cường (Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội), thí sinh cần rà lại kiến thức cơ bản trong chương trình lớp 12 và một số nội dung trong chương trình lớp 11. Các em có thể căn cứ vào đề thi tham khảo do Bộ GD&ĐT đã công bố và nắm các dạng bài trong đề thi, ôn lại các dạng mình còn chưa chắc.

Trong khi chốt kiến thức trọng tâm, các em cần ghi lại những nội dung mình dễ nhầm lẫn, đã từng xảy ra nhiều lần trong khi luyện đề để tránh sai sót khi thi. Bài thi toán trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ theo hình thức trắc nghiệm. Học sinh cần nắm kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm để tránh bị mất điểm vì các lỗi kỹ thuật.

Các em ưu tiên các câu mình làm chắc chắn đúng, sau đó làm những câu dễ và câu khó để cuối cùng. Tránh sa đà vào một số câu khó, mất nhiều thời gian, đến khi hết giờ không làm được những câu dễ.

Vật lý: Cẩn thận với các đơn vị đo, tránh nhầm lẫn và quên quy đổi về cùng đơn vị

Theo thầy Nguyễn Tấn Danh (giáo viên môn vật lý Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3, TP.HCM), những năm gần đây, đề thi môn Vật lý thiên về những câu cơ bản và vận dụng thấp khá nhiều. Việc đầu tiên là các thí sinh cần cố gắng làm tốt những câu này bởi những câu khó và dễ bằng điểm nhau nên thí sinh đừng quá sa đà vào những câu vận dụng cao. Trong quá trình làm bài, các em cần đọc đầy đủ các đáp án, không nên đọc lướt một đáp án, thấy đúng mà chọn ngay có thể nhầm; cẩn thận với những câu trắc nghiệm dạng phủ định có chữ sai và không đúng.

Ngoài ra, bài thi môn lý do máy chấm nên phải tô vào ô trả lời thật cẩn thận, đậm, rõ và tô kín ô. Đặc biệt, phải tô đậm đủ 40 câu, không nên bỏ câu nào. Một vấn đề nữa là các thí sinh hết sức cẩn thận với đơn vị, nhiều em bị nhầm giữa mili và mega, khối lượng tính bằng u và khối lượng tính bằng kg. Phần điện xoay chiều cần chú ý đến hiệu dụng và cực đại. Có thể kết hợp giản đồ vectơ và số phức để kiểm tra lại đáp án bài điện.

Hóa học: Tránh những sai sót đáng tiếc

Theo thầy Trịnh Quốc Hùng (giáo viên môn hóa Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM), đề môn hóa thường rải khắp chương trình lớp 12, chỉ có một số ý nhỏ thuộc chương trình lớp 10, 11. Về cấu trúc thì các câu hỏi thường được sắp xếp từ dễ đến khó.

Thí sinh nên tranh thủ thời gian làm các câu dễ trước. Thí sinh cần lấy trọn điểm của 30 câu hỏi đầu tiên vì đây là những câu thuộc dạng cơ bản và vận dụng thấp. Làm xong cần xem để tránh những sai sót, nhầm lẫn đáng tiếc. Với những em thi hóa để lấy điểm xét tuyển vào ĐH chắc chắn sẽ dốc sức cho 10 câu hỏi cuối của đề.

Nguồn ảnh: Internet
Nguồn ảnh: Internet

Sinh học: Tránh nhầm của mỗi đáp án

Theo thầy Nguyễn Quang Minh (giáo viên môn sinh Trường THPT Nguyễn Công Trứ, quận Gò Vấp, TP.HCM), thí sinh thường bị mất điểm do không đọc kỹ câu hỏi hoặc bị nhầm từ ý này sang nội dung khác. Nhất là những câu hỏi trắc nghiệm thuộc dạng đúng - sai.

Khi gặp một câu hỏi mà thí sinh cảm thấy mình hơi lơ mơ, không chắc chắn thì tốt nhất là chuyển sang làm câu khác ngay. Tránh mất quá nhiều thời gian vào một câu hỏi trong thời gian đầu khi làm bài. Chỉ khi nào làm hết các câu thuộc sở trường của mình rồi, hãy quay lại với các câu thuộc dạng sở đoản.

Lịch sử: Công thức 4W - 1 How

Theo cô Ngô Thị Thành (phó hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội), thời điểm này, học sinh không thể học lan man được mà cần chốt kiến thức cơ bản. Để tránh quên, bỏ sót, các em nên ghi nhớ công thức 4W - 1 How. Trong đó 4W là What (sự kiện gì xảy ra?), When (sự kiện xảy ra khi nào?), Who (sự kiện gắn liền với chủ thể nào: nhân vật lịch sử, giai cấp, tổ chức...?), Where (sự kiện gắn với địa điểm, không gian nào?) và How (sự kiện đó diễn ra như thế nào?).

Giáo dục công dân: Ghi nhớ bằng các từ khóa

Theo cô Trương Thị Thanh Vân (giáo viên Trường THPT Ngô Quyền, Hải Phòng), các em có thể rà lại kiến thức trong chương trình và ghi nhớ bằng các từ khóa. Mỗi phần kiến thức sẽ có các từ khóa khác nhau, khi hiểu về từ khóa sẽ hiểu về bản chất nội dung kiến thức.

Cách ghi nhớ theo từ khóa giúp các em ghi nhớ kiến thức theo logic, không bị quên, bỏ sót và cũng nắm chắc kiến thức để khi gặp phương án nhiễu không bị mất thời gian để phân biệt. Đề thi sẽ có những câu hỏi yêu cầu thí sinh vận dụng pháp luật vào các tình huống trong cuộc sống hằng ngày. Vì thế các em lưu ý ở mỗi tình huống cụ thể trong đề, phải nhận diện được các kiến thức pháp luật liên quan để căn cứ vào đó xác định phương án xử lý đúng.

Những lưu ý quan trọng cho thí sinh

Theo lịch thi, đúng 14 giờ chiều mai, thí sinh sẽ đến phòng thi, làm thủ tục đăng ký dự thi, nghe phổ biến quy chế thi, lịch thi. Mặc dù kỳ thi được tổ chức tại các địa phương, việc bố trí phòng thi, điểm thi tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh để các em không phải di chuyển xa. Tuy nhiên, việc đến điểm thi trong ngày làm thủ tục dự thi vô cùng quan trọng.

Theo quy định, trong các ngày thi, thí sinh phải có mặt tại phòng thi đúng thời gian ghi trong giấy báo dự thi để làm thủ tục. Thí sinh xuất trình giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân.

Mỗi buổi thi, thí sinh đến chậm quá 15 phút sau khi có hiệu lệnh tính giờ làm bài sẽ không được vào điểm thi để dự thi. Trong phòng thi, thí sinh được hướng dẫn ngồi đúng vị trí có ghi số báo danh trên bàn.

Trước khi làm bài thi, phải ghi đầy đủ số báo danh và thông tin của thí sinh vào đề thi, giấy thi, phiếu trả lời trắc nghiệm, giấy nháp. Khi nhận đề thi, phải kiểm tra kỹ số trang và chất lượng các trang in. Nếu phát hiện thấy đề thiếu trang hoặc rách, hỏng, nhòe, mờ phải báo cáo ngay với cán bộ trong phòng thi để được xử lý.

Quy chế cũng quy định, thí sinh không được trao đổi, chép bài của người khác, sử dụng tài liệu trái phép để làm bài thi hoặc có những cử chỉ, hành động gian lận, làm mất trật tự phòng thi, không được đánh dấu hoặc làm ký hiệu riêng, không được viết bằng bút chì, trừ tô các ô trên phiếu trả lời trắc nghiệm. Trong bài thi, thí sinh chỉ được viết bằng một màu mực, không được dùng mực màu đỏ.

Linh Linh (T/H)