17/19 doanh nghiệp thuộc "Siêu Ủy ban" nộp ngân sách vượt 12% so với kế hoạch

Cập nhật: 16:39 | 12/01/2021 Theo dõi KTCK trên

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhận định, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các doanh nghiệp đã góp phần quan trọng vào ổn định và tăng trưởng kinh tế đất nước.

Doanh nghiệp niêm yết lạc quan về triển vọng kinh doanh năm 2021

Lịch chốt quyền cổ tức tuần mới (11/01 - 17/01): Cao nhất 15% tiền mặt

3426-5g
Triển khai thử nghiệm kỹ thuật 5G là thành tích ấn tượng mà Ủy ban đạt được trong năm 2020.

Ngày 11/01/2021, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Ủy ban và 19 Tập đoàn, Tổng công ty thành viên.

Báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của 19 Tập đoàn, Tổng công ty, ông Hồ Sỹ Hùng – Phó Chủ tịch Ủy ban cho biết, năm 2020, dịch Covid-19, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, giá dầu thô giảm sâu kỷ lục và thiên tai bão lũ liên tục dẫn tới hầu hết các doanh nghiệp thuộc Ủy ban phải chịu ảnh hưởng tiêu cực nặng nề; kết quả sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển của tất cả các doanh nghiệp.

Về kết quả thực hiện nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh năm 2020, tổng doanh thu của 19 Tập đoàn, Tổng công ty ước đạt 767.844 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế của 19 doanh nghiệp ước đạt 21.068 tỷ đồng; tổng nộp ngân sách của 17/19 doanh nghiệp ước đạt 56.387 tỷ đồng, bằng 112% so với kế hoạch năm 2020. Tổng tài sản công ty mẹ của 15/19 doanh nghiệp ước đạt 1.543.867 tỷ đồng, tăng 4,59% so với năm 2019.

Một số doanh nghiệp có tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) cao trong năm 2020 như: Tập đoàn Bưu chính viễn thông (7,8%); Tổng công ty Viễn thông Mobifone (20,3%); Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (8,9%); Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (9,9%). Một số doanh nghiệp có tỷ lệ tăng trưởng về lợi nhuận so với năm 2019 cao như: Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (tăng 41,73% so với năm 2019); Tập đoàn Bưu chính viễn thông (tăng 5,3% so với năm 2019); Tập đoàn Công nghiệp cao su (tăng 5,1% so với năm 2019).

Với vai trò là cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ ngành Công Thương, Ủy ban đã có nhiều đề xuất, kiến nghị mới, bước đầu đã đạt được kết quả tích cực. Cụ thể, trên cơ sở tham mưu của Ủy ban, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định đưa 3 dự án, doanh nghiệp ra khỏi danh sách khỏi danh sách 12 dự án yếu kém.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã ghi nhận những kết quả mà Ủy ban và 19 Tập đoàn, Tổng công ty đã đạt được trong năm 2020. Ủy ban và các DN đã nỗ lực phê duyệt và triển khai nhiều dự án đầu tư trọng điểm, các cơ sở hạ tầng thiết yếu, các công trình lớn có ý nghĩa lớn có tính kết nối lan tỏa, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội như dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành và dự án Nhà ga hành khách T3 Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, triển khai thử nghiệm kỹ thuật 5G...

Chỉ đạo định hướng công tác của Ủy ban và các doanh nghiệp trong năm 2021, Phó Thủ tướng đề nghị, Ủy ban cần thực hiện tốt chức năng đại diện chủ sở hữu tại 19 Tập đoàn, Tổng công ty, với mục tiêu bảo toàn, phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp; chú trọng công tác đầu tư, phát triển doanh nghiệp nhà nước...

Bên cạnh đó, Ủy ban cần thực hiện tốt vai trò chủ sở hữu, không can thiệp vào công việc thuộc thẩm quyền của doanh nghiệp; Doanh nghiệp tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác theo quy định của pháp luật.

“Các Tập đoàn, Tổng công ty phải làm ăn có lãi và lãi lớn, đủ sức cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác, thực sự trở thành những tập đoàn kinh tế mạnh, những ‘quả đấm’ lớn của kinh tế Nhà nước. Đặc biệt, trong điều kiện dịch bệnh, yêu cầu đặt ra với Ủy ban và các doanh nghiệp là phải bảo toàn và phát triển vốn của Nhà nước” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Lâm Tuyền