Doanh nghiệp niêm yết lạc quan về triển vọng kinh doanh năm 2021

Cập nhật: 19:00 | 11/01/2021 Theo dõi KTCK trên

2021 là một năm đặc biệt, biến số COVID-19 khiến việc dự báo triển vọng kinh doanh gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên kết quả khảo sát của một số tổ chức uy tín và đánh giá của doanh nghiệp ở một số ngành nghề quan trọng đều cho thấy có nhiều tín hiệu khả quan.

Điểm tên loạt doanh nghiệp nợ thuế, trốn thuế, gian lận thuế

Lịch chốt quyền cổ tức tuần mới (11/01 - 17/01): Cao nhất 15% tiền mặt

0322-lyc-quan

Doanh nghiệp niêm yết lạc quan về triển vọng kinh doanh năm 2021.

(Ảnh minh họa)

Theo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên năm 2021, ban lãnh đạo Tập đoàn Hoa Sen (HOSE – Mã: HSG) nhận định ngành thép năm nay sẽ khởi sắc. Trong niên độ mới (từ 1/10/2020 đến 30/9/2021), Tập đoàn Hoa Sen đặt kế hoạch tiêu thụ 1,8 triệu tấn sản phẩm, doanh thu thuần ước đạt 33.000 tỷ đồng, tăng trưởng tương ứng 11% và 20% so với thực hiện trong niên độ trước. Lợi nhuận sau thuế ước đạt 1.500 tỷ đồng, tăng 30% so niên độ trước và xấp xỉ mức cao nhất từng đạt cách đây 5 năm.

Phía Tập đoàn Hoa Sen cho biết, nhiệm vụ chính trong năm 2021 là phát triển hệ thống siêu thị vật liệu xây dựng từ Quảng Bình trở vào bằng hình thức nâng cấp cửa hàng truyền thống và mở mới. Hoa Sen sẽ hợp tác với các nhà cung cấp trong lĩnh vực vật liệu xây dựng để hình thành 4 nhóm sẩn phẩm chủ lực gồm vật liệu xây dựng cơ bản, sắt thép, công cụ dụng cụ và nội thất.

Với quyết tâm thâu tóm bằng được Viglacera trước quý II/2021, theo đó kế hoạch tài chính trong năm 2021 của Tổng Công ty Cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (GELEX – Mã: GEX) sẽ hợp nhất kết quả kinh doanh của Viglacera. Ban lãnh đạo GELEX dự kiến đạt tổng doanh thu 32.000-33.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 1.700-1.900 tỷ đồng; gấp đôi so với ước 2020.

Năm vừa qua, doanh nghiệp ước tính doanh thu thuần đạt 17.500 tỷ đồng, tăng 14% so với 2019 và hoàn thành kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 985 tỷ đồng, vượt 33% kế hoạch không hợp nhất Viglacera.

CTCP Cao su Sao Vàng (HOSE - Mã: SRC) công bố Nghị quyết HĐQT thông qua kế hoạch năm 2021 với doanh thu 2.200 tỷ đồng, tăng 63% so với thực hiện 2020. Trong đó, doanh thu sản xuất công nghiệp đạt 1.200 tỷ đồng và doanh thu thương mại 1.000 tỷ đồng. Lãi trước thuế kế hoạch 2021 đạt 100 tỷ đồng, tăng 20% so với ước thực hiện năm 2020.

Theo lãnh đạo CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (UPCOM - Mã: BSR), năm 2020 là năm có nhiều khó khăn khi 4 tháng đầu chứng kiến nhu cầu tiêu thụ giảm, cung thừa dẫn đến tồn kho cao. Giá dầu lao dốc khiến BSR chịu tổn thất giảm giá hàng tồn kho nặng nề. Giá sản phẩm giảm mạnh, crack margin bất lợi cho hoạt động lọc dầu, có nhiều tháng giá sản phẩm bán ra thấp hơn giá dầu thô mua vào, đặc biệt là sản phẩm Jet-A1 (xăng máy bay) khiến hiệu quả sản xuất kinh doanh của công ty giảm sút mạnh. Trong 3 tháng cuối năm, nhiều cơn bão đổ bộ vào Quảng Ngãi đã gây trở ngại rất lớn đến hoạt động của nhà máy…

BSR cho biết doanh thu năm 2020 đạt 58.283 tỷ đồng, giảm 43,7% so với thực hiện năm 2019. Doanh nghiệp chưa tiết lộ con số lợi nhuận nhưng 9 tháng ghi nhận lỗ gần 4.100 tỷ đồng.

Kế hoạch năm 2021, BSR đặt mục tiêu sản lượng khoảng 6,497 triệu tấn; doanh thu 70.661 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế khoảng 864 tỷ đồng. Như vậy, kế hoạch doanh thu năm 2021 dự kiến tăng 21%.

Tổng CTCP Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (Petrosetco – Mã: PET) lên kế hoạch năm 2021 gồm doanh thu hợp nhất 14.000 tỷ đồng, tăng 13%; lãi trước thuế 280 tỷ đồng, tăng 36% so với ước thực hiện năm 2020.

Để đạt mục tiêu này, doanh nghiệp sẽ tiếp tục phát triển mảng phân phối điện thoại, IT, thiết bị y tế,… để mở rộng thị trường, tìm kiếm thêm sản phẩm mới. Cùng với đó, Petrosetco tiếp tục thực hiện tái cơ cấu bộ máy, ngành hàng và rà soát các khoản chi phí, sử dụng một cách hợp lý nhằm mang lại hiệu quả kinh doanh một cách cao nhất.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản cũng đang lên kế hoạch tăng trưởng tối thiểu 10% so với năm 2020. Đơn cử, Tổng CTCP Đầu tư phát triển Xây dựng (HOSE – Mã: DIG) dự kiến trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm nay với doanh thu hợp nhất 2.750 tỷ đồng, tăng trưởng 6% so với ước thực hiện 2020; lợi nhuận trước thuế hợp nhất 1.550 tỷ đồng, tăng trưởng 115,27% so với con số ước tính 2020 và dự kiến trả cổ tức ở mức 20%.

Bên cạnh đó, còn có Nhà Khang Điền (Mã: KDH), Đất Xanh (Mã: DXG), Nam Long (Mã: NLG), Phát Đạt (Mã: PDR) có doanh số bán hàng tăng mạnh, tạo cơ sở ghi nhận doanh thu cao trong năm 2021 nếu tiến độ bàn giao đúng kế hoạch.

Theo Fiin Group, đối với ngành bất động sản, yếu tố tích cực cơ bản nhận thấy là lượng tiền người mua nhà trả trước của khách hàng tại cuối quý III/2020 ở nhiều doanh nghiệp tăng cao ở mức kỷ lục trong vòng 5 năm qua, cho thấy những doanh nghiệp này có cơ sở ghi nhận doanh thu cao trong năm 2021.

Ngoài ra, Nghị quyết 164/NQ-CP được kỳ vọng tháo gỡ “nút thắt” pháp lý liên quan đến thủ tục chấp thuận đầu tư dự án bất động sản, giúp tái khởi động nhiều dự án bị tạm dừng trong thời gian vừa qua.

Dự kiến trong năm 2021, riêng Công ty cổ phần Vinhomes (HOSE – Mã: VHM) sẽ đóng góp 28,4% doanh thu và 66,5% lợi nhuận của nhóm bất động sản nhà ở. Động lực tăng trưởng của Vinhomes sẽ đến từ việc tiếp tục bàn giao tại 3 đại dự án Vinhomes Ocean Park, Vinhomes Smart City và Vinhomes Grand.

CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HOSE – Mã: HBC) nhận định, lĩnh vực xây dựng có thể phục hồi từ năm 2022, hoặc sớm hơn là nửa cuối năm 2021 do Chính phủ có các chính sách hỗ trợ thị trường nhà ở.

Công ty ước tính lợi nhuận cả năm 2020 đạt 60 tỷ đồng, chỉ hoàn thành 48% kế hoạch đặt ra do tăng chi phí trích lập dự phòng khoản phải thu. Tuy nhiên, năm 2021, Ban lãnh đạo Công ty đặt mục tiêu doanh thu 13.500 tỷ đồng, tăng 8% và lợi nhuận sau thuế khoảng 270 - 300 tỷ đồng.

Đối với nhóm ngân hàng, triển vọng kinh doanh được dự báo sẽ sáng sủa trong năm 2021. Theo Công ty cổ phần Quản lý Quỹ Dragon Capital, nền kinh tế Việt Nam đang dần hồi phục sau khi kiểm soát tốt dịch COVID-19.

Hoàng Hà

Tin liên quan
Tin cũ hơn
Xem thêm