Xử lí tài sản công thông qua hình thức đấu giá

Cập nhật: 06:22 | 04/10/2018 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Theo quy định hiện hành về xử lý tài sản công được bán thông qua hình thức đấu giá, trừ những tài sản có giá trị nhỏ được bán theo hình thức niêm yết giá hoặc bán chỉ định.

Ưu điểm của hình thức xử lý tài sản công thông qua hình thức đấu giá là công khai, minh bạch, tối đa hóa giá trị tài sản, đảm bảo tránh thất thoát tài sản công.

Việc công khai thông tin về đấu giá tài sản và chế tài xử lý trong trường hợp không công khai đối với tài sản công sẽ thực hiện theo Luật Đấu giá tài sản, Nghị định số 62/2017/NĐ-CP ngày 16/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu giá tài sản và các quy định pháp luật về xử lý vi phạm trong lĩnh vực đấu giá tài sản.

Tài sản công là một trong những loại tài sản bắt buộc phải bán thông qua đấu giá. Thực tiễn tài sản công đấu giá tại Việt Nam chủ yếu là quyền sử dụng đất, trụ sở, tài sản nhà nước trong doanh nghiệp nhà nước,…

Riêng quản lý chuyên ngành về tài sản công, Nghị định 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có quy định nhằm công khai việc xử lý tài sản công.

Theo đó, tài sản công khi bán, chuyển nhượng phải được đấu giá, trừ những tài sản có giá trị nhỏ được bán theo hình thức niêm yết giá hoặc bán chỉ định. Trong đó, niêm yết giá vẫn phải thực hiện công khai như đấu giá; Hình thức bán chỉ định chỉ áp dụng những tài sản công dưới 10 triệu đồng. Việc bán đấu giá và niêm yết công khai đối với tài sản phải được đăng tải trên trang thông tin điện tử về tài sản công.

Một số nội dung cơ bản trong đấu giá tài sản công là phải niêm yết các thông tin đấu giá tài sản, tổ chức đăng ký tham gia đấu giá, công bố tỷ lệ tiền đặt cọc; thủ tục mua hồ sơ, đăng ký tham gia đấu giá; quản lý khoản tiền đặt cọc;…

Ưu điểm của hình thức xử lý tài sản công thông qua hình thức đấu giá là công khai, minh bạch, tối đa hóa giá trị tài sản, đảm bảo tránh thất thoát tài sản công.

Nguyên tắc đấu giá tài sản công trước hết là phải tuân thủ quy định pháp luật, bảo đảm tính độc lập, trung thực, công khai, minh bạch, công bằng, khách quan. Bảo vệ lợi ích hợp pháp của người có tà sản đấu giá, người tham gia đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản, đấu giá viên.

Theo quy định, trình tự, thủ tục đấu giá tài sản công phải tuân thủ rất nhiều quy định, nhiều thủ tục, trình tự gồm:

Quy định về bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá; Giá khởi điểm tài sản đấu giá phải được công bố trước khi ký kết hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản hoặc trước khi thành lập Hội đồng đấu giá tài sản;

Tiêu chí, cách thức lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản; Người có tài sản ký kết hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản với tổ chức đấu giá tài sản; Thời gian niêm yết việc đấu giá chậm nhất 07 ngày làm việc đối với động sản, 15 ngày đối với bất động sản;

Thông báo công khai việc đấu giá, đối với tài sản đấu giá là động sản có giá khởi điểm từ 50 triệu đồng trở lên. Đối với bất động sản, phải niêm yết và thông báo công khai ít nhất 02 lần tại báo viết hoặc báo hình của Trung ương hoặc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có tài sản đấu giá và trang thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá tài sản;

Về tiền đặt trước và xử lý tiền đặt trước, Luật Đấu giá tài sản quy định tối thiểu là 5% và tối đa là 20% so với giá khởi điểm. Tiền đặt trước được gửi vào một tài khoản thanh toán riêng của tổ chức đấu giá tài sản; nộp tiền đặt trước bằng bảo lãnh ngân hàng. Chỉ được thu tiền đặt trước trong thời gian tối đa là 03 ngày trước ngày mở cuộc đấu giá, trừ thỏa thuận; trách nhiệm trả lại trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc cuộc đấu giá;…

B.A

Tin liên quan