Chủ đầu tư Summit Building thế chấp dự án vay 800 tỷ

Cập nhật: 06:00 | 19/10/2018 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Dự án Summit Building có tổng mức đầu tư dự kiến là 791,8 tỷ đồng, trong đó vốn vay tổ chức tín dụng và huy động hợp pháp khác là 633,5 tỷ đồng.   

Dự án Summit Building có chủ đầu tư là liên danh Công ty TNHH Hoa Phượng Thăng Long Hà Nội và Công ty TNHH Thương mại Đầu tư Bất động sản 216. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết, khi dự án này hình thành thì liên danh CĐT trên còn chưa “sinh” ra. Vậy “cha đẻ” thực sự của dự án này là ai? Và có liên quan như thế nào với liên danh chủ đầu tư này?

Công ty TNHH Hoa Phượng Thăng Long Hà Nội chiếm 90% cổ phần trong liên danh và được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội cấp đăng ký kinh doanh ngày 27/05/2014, do ông Phạm Hoành Sơn làm đại diện. Còn Công ty TNHH Thương mại Đầu tư Bất động sản 216 chiếm 10% cổ phần trong liên danh và được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội cấp đăng ký kinh doanh ngày 01/10/2015, do bà Nguyễn Thị Hồng Nga làm đại diện pháp luật.

du an summit building tiem luc chu dau tu
Quyết định chủ trương đầu tư của UBND TP Hà Nội đối với dự án Summit Building.

Dự án Summit Building được UBND TP Hà Nội phê duyệt Quyết định chủ trương đầu tư số 01/QĐ-UBND ngày 03/01/2017. Mục tiêu của dự án này là: Xây dựng công trình hỗn hợp cao tầng (cao 35 tầng, 01 tum, 04 tầng hầm, 01 sàn lửng hầm) có chức năng nhà ở với kết hợp văn phòng dịch vụ thương mại đáp ứng nhu cầu nhà ở, địa điểm văn phòng kinh doanh, dịch vụ thương mại cho người dân thành phố... Tổng số căn hộ là 288 căn, quy mô dân số 1.066 người và mật độ xây dựng dự án là 50%.

Tuy nhiên, một cái tên khác có vai trò không nhỏ trong trong việc hình thành dự án này, đó là Công ty TNHH Hoa Phượng Thăng Long. Công ty này được cấp đăng ký kinh doanh ngày 30/07/1993, do ông Phạm Đức Thắng làm đại diện và có cùng địa chỉ tại số 216 đường Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội. Trước khi Công ty TNHH Hoa Phượng Thăng Long Hà Nội ra đời, toàn bộ dự án này thuộc chủ đầu tư là Công ty TNHH Hoa Phượng Thăng Long.

du an summit building tiem luc chu dau tu
Văn bản của Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội xác nhận Quy hoạch tổng mặt bằng và phương án sơ bộ khu đất tại số 216 đường Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy.

Cụ thể, ngày 15/04/2011, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội có Văn bản số 1078 xác nhận Quy hoạch tổng mặt bằng và phương án sơ bộ khu đất tại số 216 đường Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy. Theo văn bản này, thì số tầng dự án này là 25 tầng, 03 tầng hầm, số lượng căn hộ là 140 căn, mật độ xây dựng là 39,3%, chiều cao công trình là 95,3m.

Như vậy, so với chủ đầu tư cũ là Công ty TNHH Hoa Phượng Thăng Long thì Công ty TNHH Hoa Phượng Thăng Long Hà Nội đã thay đổi khá nhiều các tiêu chí về số căn hộ, chiều cao công trình, mật độ xây dựng.

Thế chấp dự án, vay ngân hàng 800 tỷ

Khác với nhiều dự án khác vướng vào các “lùm xùm” không đáng có, như bán nhà khi chưa xong móng, hay dùng nhiều “chiêu trò” giữ chỗ, đặt cọc... để huy động vốn của khách hàng và nhà đầu tư. Tuy nhiên, với chủ đầu tư dự án Summit Building thì hoàn toàn khác. Mặc dù, chủ đầu tư đã hoàn thành cơ bản về xây dựng thô toàn bộ dự án nhưng vẫn chưa tiến hành mở bán.

Theo Giấy chứng nhận đầu tư của dự án, thì dự án này có tổng mức đầu tư dự kiến là 791,8 tỷ đồng, trong đó vốn vay tổ chức tín dụng và huy động hợp pháp khác là 633,5 tỷ đồng.

Không chọn cách huy động vốn từ nhà đầu tư và khách hàng, mà chủ đầu tư dự án Summit Building lại chọn cách vay ngân hàng hoàn toàn. Ngân hàng mà chủ đầu tư này chọn vay là Ngân Hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam, số tiền vay là 800 tỷ đồng, theo Hợp đồng số 12/2017/HĐBĐ-PVB UPPER SME ngày 13/01/2017.

Theo đó, chủ đầu tư đã thế chấp: Toàn bộ các quyền và lợi ích của Bên Bảo Đảm phát sinh từ hoặc có liên quan tới dự án “Nhà ở cao tầng kết hợp dịch vụ thương mại – Summit Building” tại thửa B, khu đất số 216 đường Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội. Trong đó bao gồm nhưng không giới hạn bởi các tài sản sau: Quyền hưởng hoa lợi, lợi tức; quyền hưởng các khoản tiền bồi thường; quyền nhận bảo hiểm; Tất cả các các máy móc, thiết bị thuộc dự án; Tất cả các quyền sở hữu trí tuệ đối với máy móc, thiết bị thuộc sở hữu của Bên Thế Chấp; Tất cả các nguồn thu, lợi ích, các khoản bồi hoàn và các khoản thanh toán khác mà Bên Bảo Đảm nhận được hoặc sẽ nhận được để thay thế, trao đổi cho bất kỳ các quyền tài sản và tài sản nêu trên.

Gần đây, Ngân Hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam có thông tin đã thu giữ tài sản là dự án Tokyo Tower (tòa nhà cao thứ 3 tại Hà Nội) để xử lý nợ. Theo thông báo mới đây gửi tới các khách hàng mua nhà, PVcomBank cho biết, ngày 25/9 đã thu giữ tài sản là dự án Tokyo Tower để xử lý nợ theo quy định. Việc thu giữ đã được tiến hành với sự chứng kiến của chính quyền, cơ quan công an và một số khách hàng mua nhà.

Theo PVcomBank, ngân hàng này đã thu giữ toàn bộ tài sản là quyền tài sản phát sinh từ các hợp đồng mua bán căn hộ chung cư thuộc dự án Tòa nhà hỗ hợp đa năng và Chung cư cao cấp Vinafor tại địa chỉ số 55 đường 430, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông (Hà Nội) giữa Công ty Thương mại Hoàng Vương. Về quyền lợi người mua nhà, và nhà đầu tư vẫn đang bỏ ngỏ. Đây có thể là lý do khách hàng nên thận trọng trước khi mua những dự án thế chấp tại PVcomBank nếu như chủ đầu tư không đủ năng lực.

Lê Hằng - Hữu Hậu