Xe năng lượng mới: Sức ép từ Mỹ Âu và sự phản kháng của Trung Quốc

Cập nhật: 14:11 | 01/04/2024 Theo dõi KTCK trên

Ngày 26/3, Bộ Thương mại Trung Quốc thông tin, nước này đã đệ đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về các khoản trợ cấp của Mỹ dành cho xe năng lượng mới.

Khiếu nại được Trung Quốc đưa ra để bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp sản xuất xe năng lượng mới của quốc gia Đông Bắc Á, cũng như để duy trì môi trường cạnh tranh công bằng trong lĩnh vực này trên toàn cầu, sau khi Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) của Mỹ có nội dung về thúc đẩy năng lượng xanh được thông qua. Theo IRA, người tiêu dùng quan tâm đến việc mua một số loại xe xanh nhất định sẽ được giảm thuế liên bang lên tới 7.500 USD (khoảng 183 triệu đồng). Khoản trợ cấp này là một phần trong nỗ lực của Nhà Trắng nhằm làm cho các phương tiện chạy điện (lượng khí thải thấp) trở nên hấp dẫn hơn đối với người mua. Tuy nhiên, để đủ điều kiện nhận ưu đãi, chiếc xe điện được đề cập phải đáp ứng một số yêu cầu nhất định, bao gồm việc được lắp ráp ở Mỹ và có phần lớn các bộ phận pin có nguồn gốc từ Mỹ hoặc một trong các đồng minh của Mỹ.

Xe năng lượng mới: Sức ép từ Mỹ Âu và sự phản kháng của Trung Quốc
Tổ chức Thương mại Thế giới đã trở thành nơi diễn ra cuộc đấu Mỹ - Trung (Ảnh: VOA)

Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng, việc Mỹ thông qua Đạo luật Giảm lạm phát và các quy định thực thi kèm theo dưới danh nghĩa “đối phó với biến đổi khí hậu”, “carbon thấp và bảo vệ môi trường”, cũng như hoạch định các chính sách trợ cấp “mang tính phân biệt đối xử” đối với xe điện, nhằm loại trừ các sản phẩm của Trung Quốc và các thành viên WTO khác.

Lĩnh vực xe điện đang bị cuốn vào những căng thẳng về thương mại và địa chính trị trong bối cảnh thế giới chuyển dần khỏi động cơ đốt trong. Sau khi Đạo luật Giảm lạm phát được thực hiện đã đẩy nhanh tốc độ Mỹ ngăn cản đà bành chướng của Trung Quốc.

Lợi thế giúp Trung Quốc vẽ lại bản đồ công nghiệp xe

Từ nguy cơ vỡ "bong bóng", hàng loạt doanh nghiệp Trung Quốc nhanh chóng chuyển hướng kinh doanh xe điện ra nước ngoài để giảm phụ thuộc vào thị trường nội địa. Cùng với sự hậu thuẫn từ chính sách, trong một thập kỷ qua, chính phủ Trung Quốc đã hỗ trợ rất nhiều cho ngành công nghiệp ô tô điện trong nước thông qua Kế hoạch Phát triển ngành xe năng lượng mới giai đoạn 2021-2035, với tổng mức trợ cấp tương đương 57 tỷ USD trong thời gian từ năm 2016 đến 2022. Những chính sách này đã tạo điều kiện thuận lợi cho ngành công nghiệp xe năng lượng mới phát triển nhanh chóng, mở đường cho Trung Quốc trở thành nước xuất khẩu xe lớn nhất toàn cầu, vượt qua cả Đức và Nhật Bản. Đồng thời, người tiêu dùng Trung Quốc cũng được giảm thuế rất nhiều khi mua ô tô điện của các hãng xe trong nước nên các hãng xe của nước ngoài khó có thể phát triển tại đây. 

Trong năm 2023, Trung Quốc đã vượt Nhật Bản trở thành nước xuất khẩu xe lớn nhất thế giới, với số liệu cho thấy nước này xuất khẩu 5,2 triệu chiếc, trong đó 1/3 là xe hoàn toàn chạy điện. Xe năng lượng mới là một trong những lĩnh vực mà Chính phủ Trung Quốc đã chọn làm động lực cho sự bùng nổ xuất khẩu sản xuất lớn. Bộ trưởng Thương mại Wang Wentao đã mô tả chúng là “ba ngành công nghiệp mới” của Trung Quốc, đóng vai trò quan trọng “nâng đỡ” cho sự tăng trưởng ổn định của nền công nghiệp của nước này. 

Xe năng lượng mới: Sức ép từ Mỹ Âu và sự phản kháng của Trung Quốc
Trung Quốc có khả năng cung cấp một lượng lớn pin cho xe điện nhờ nắm trong tay công nghệ pin

Không chỉ giá thiết bị điện tử rẻ và lượng thép dồi dào, ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc còn được hưởng lợi từ chuỗi cung ứng pin xe điện hàng đầu thế giới. Hai công ty pin hàng đầu là CATL và BYD cung cấp hơn 50% cụm pin lắp cho xe điện trên toàn thế giới. Chi phí nhân công dành cho việc sản xuất xe điện khá thấp so với với Mỹ, Nhật và EU. Với ưu thế là phân khúc xe giá rẻ đã giúp cho xe điện Trung Quốc trở thành một trong những đối thủ đáng gờm trong lĩnh vực xe điện. Một số nhân sự cấp cao tại Toyota Bắc Mỹ cho rằng xe Trung Quốc có ưu thế giá tốt hơn từ khoảng 25% đến 30% so với các đối thủ ngoài Trung Quốc. Con số đó thừa sức vượt qua mức thuế do Mỹ đặt ra.

Hơn hết, các nhà sản xuất Trung Quốc luôn đầu tư đến các tính năng hiện đại và cao cấp mà chỉ có trên xe sang như: ghế bọc da thật chỉnh điện, các màn hình cảm ứng độ phân giải cao cỡ lớn, cổng phát Wifi, khả năng kết nối các ứng dụng... giờ là trang bị tiêu chuẩn trên các mẫu xe điện của Trung Quốc có giá 100.000 nhân dân tệ (khoảng 340 triệu đồng). Bên cạnh đó, kết hợp với công suất và việc đầu tư vào chất lượng xe đã tăng sự cạnh tranh của nước này với các thị trường khác. Họ có các mẫu xe điện 200-300 mã lực với giá trung bình chỉ hơn 30.500 euro. Mẫu BYD Seal là một ví dụ. Đó là một mẫu sedan cỡ trung sở hữu động cơ công suất 201 mã lực và có giá tương đương 24.106 euro ở Trung Quốc với phiên bản Elite. Mức giá này tương đương một chiếc xe đô thị thuần điện cỡ nhỏ Renault Twingo Equilibre ở châu Âu.

Những ưu thế trên đã trở thành tiền đề cho sự bành trướng của xe điện Trung Quốc trên bản đồ xe điện thế giới. Trước bối cảnh đó, Mỹ Và Châu Âu đã có những động thái khác nhau để bảo ngành công nghiệp xe nội địa.

Cuộc chiến thượng mại giữa Trung Quốc và Mỹ Âu

Sau khi thực hiện Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) và gặp sự phản đối của Trung Quốc, đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai bảo vệ IRA cho rằng, đây là công cụ để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu và đầu tư vào năng lực cạnh tranh của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Bà nhấn mạnh: "Các chính sách và các hành động của Bắc Kinh là không công bằng, phi thị trường, làm xói mòn cạnh tranh công bằng và tăng cường vị thế kiểm soát của các nhà sản xuất của nước này trên toàn cầu". Hai nền kinh tế lớn đang đối đầu với nhau tạo nên căng thẳng toàn cầu.

Ông Brad Setser, một cựu quan chức của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ cho rằng, vụ kiện của Trung Quốc khó có thể khiến Mỹ phải thay đổi chính sách. Trong một chủ đề trên mạng xã hội X, ông Setser dự đoán, vụ kiện của Bắc Kinh sẽ “bị kháng cáo thành vô hiệu”. Một quan chức của WTO xác nhận đã nhận được yêu cầu tham vấn tranh chấp về vấn đề tố tụng từ Trung Quốc nhưng không cung cấp thông tin chi tiết. Những tranh chấp như thế này được cho là phải mất sáu tháng để giải quyết khi hội đồng xét xử được thành lập, nhưng quá trình này có thể mất nhiều thời gian hơn. Nếu WTO phán quyết có lợi cho Trung Quốc, Mỹ có thể sẽ kháng cáo quyết định này, điều này sẽ đẩy quyết định này vào tình trạng vô hiệu về mặt pháp lý, vì hội đồng kháng cáo của cơ quan quốc tế đã không hoạt động kể từ năm 2019, khi Mỹ phản đối việc bổ nhiệm thẩm phán của mình.

Về phía Liên minh châu Âu (EU) được cho là có thể áp dụng thuế quan bổ sung đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc trên cơ sở các cáo buộc trợ cấp không công bằng, trong khi các hãng sản xuất pin xe điện hàng đầu thế giới của Trung Quốc cũng đang vấp phải sự phản đối từ Washington.

Mặc dù, Trung Quốc đã có vị thế trong lĩnh vực xe điện toàn cầu nhưng trước những hành động Mỹ và EU đã gây trở ngại cho Trung Quốc trong sự chiếm lĩnh thị trường xe điện thế giới. Kết hợp với những quy định trong khuôn khổ IRA, buộc nước này phải có những động thái để bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp sản xuất xe năng lượng mới. Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang trở nên gay cấn khi Trung Quốc khởi xướng các thủ tục giải quyết tranh chấp tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Lĩnh vực xe điện ngày càng bị cuốn vào những căng thẳng về thương mại và địa chính trị trong bối cảnh thế giới chuyển dần khỏi động cơ đốt trong.

Toyota Wigo có gì khi tái xuất thị trường Việt?

Trở lại thị truờng Việt Nam sau hơn nửa năm vắng bóng, mẫu ô tô Toyota Wigo nhận được sự "lột xác" toàn diện và ...

Xe bán tải điện Tesla Cybertruck sắp ra mắt Thái Lan, tương lai có thể về Việt Nam

Mới đây, trên trang mạng xã hội của Tesla bất ngờ đăng một dòng thông báo hé lộ việc sẽ giới thiệu mẫu bán tải ...

Hyundai Stargazer X: Mẫu ô tô gia đình "giá rẻ", liệu có "đấu lại" Xpander Cross?

Sở hữu ngoại hình đậm chất thể thao cùng sự vượt trội về trang bị cùng giá bán lý tưởng, mẫu ô tô Hyundai Stargazer ...

Minh Hạnh

Tin liên quan