"Vàng mắt" không tìm đủ bằng chứng, kiểm toán "lắc đầu" với BCTC của Dầu khí Nghệ An (PXA)

Cập nhật: 15:23 | 05/04/2024 Theo dõi KTCK trên

Năm thứ hai liên tiếp, báo cáo tài chính của Công ty CP Đầu tư và Thương mại Dầu khí Nghệ An bị tổ chức kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến bởi rất nhiều lý do.

Từ chối ý kiến, nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục

Công ty TNHH Hãng kiểm toán AASC mới đây đã hoàn tất kiểm toán đối với báo cáo tài chính 2023 của Công ty CP Đầu tư và Thương mại Dầu khí Nghệ An (Dầu khí Nghệ An; UPCoM: PXA). Đáng chú ý, tổ chức này tiếp tục từ chối đưa ra ý kiến kiểm toán, sau khi đã từng từ chối đối với báo cáo tài chính năm 2022 của Công ty.

Cụ thể AASC cho biết, một năm trước, hãng cũng đã kiểm toán cho báo cáo tài chính 2022 của Dầu khí Nghệ An và cũng đã từ chối đưa ra ý kiến do tồn tại các sai sót trong báo cáo tài chính, và hạn chế về bằng chứng kiểm toán mang tính lan tỏa. Tại cuộc kiểm toán năm nay, hãng tiếp tục không thể thu thập được các bằng chứng bổ sung liên quan đến việc từ chối đưa ra ý kiến trong năm trước.

Hãng AASC đã liệt kê hàng loạt các nội dung kiểm toán không thu thập được bằng chứng. Trong đó, Dầu khí Nghệ An không tiến hành kiểm kê đối với số dư tiền mặt tại các xí nghiệp, hàng tồn kho, tài sản cố định và bất động sản đầu tư tại thời điểm 31/12/2023 (Tiền mặt: 59,5 triệu đồng; Hàng tồn kho: 72,6 tỷ đồng; Nguyên giá tài sản cố định hữu hình: 20 tỷ đồng; Nguyên giá bất động sản đầu tư: 8,98 tỷ đồng).

‘Vàng mắt’ không tìm đủ bằng chứng, kiểm toán lắc đầu với BCTC của Dầu khí Nghệ An (PXA)
Toà nhà dầu khí Nghệ An

Tại 31/12/2023, Dầu khí Nghệ An chưa thực hiện đánh giạ lại dự phòng nợ phải thu khó đòi đối với các khoản nợ tồn đọng, khiến kiểm toán không đánh giá được giá trị dự phòng nợ phải thu cần trích lập; đặc biệt là khoản phải thu tạm ứng và ứng vốn thi công công trình hơn 34,7 tỷ đồng.

Tại Dự án Tòa nhà Dầu khí Nghệ An, phần giá trị đầu tư phân bổ cho tầng 15 đến tầng 22 trình bày tại mục hàng tồn kho trong báo cáo tài chính là 72,56 tỷ đồng; phân bổ cho tầng 10 (đang cho thuê) mục bất động sản đầu tư với nguyên giá 8,98 tỷ đồng. Tuy nhiên hãng kiểm toán đã không thể thu thập bằng chứng để đánh giá các khoản mục vừa nêu.

Tại Dự án Khu đô thị Hưng Lộc, số tiền Dầu khí Nghệ An nhận được từ việc thu tiền khách hàng theo tiến độ là hơn 130 tỷ đồng. Năm 2022, Công ty ghi nhận giảm doanh thu bất động sản với giá trị 24,6 tỷ đồng. Công ty không tách riêng hoạt động kinh doanh bất động sản với hoạt động khác, chưa ghi nhận đầy đủ chi phí bán hàng phải phân chia cho đối tác kinh doanh là Công ty Landcom. Hãng kiểm toán cho hay chưa thu thập được bằng chứng về các khoản mục tại dự án này.

Ngoài ra, tại 31/12/2023, Dầu khí Nghệ An đang lỗ lũy kế hơn 122 tỷ đồng. Công ty cũng chưa có kế hoạch trả các khoản nợ đến hạn. Kiểm toán nhận định, những sự kiện này cho thấy sự tồn tại của các yếu tố không chắc chắn, dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Công ty.

Giải trình của Dầu khí Nghệ An

Mới đây, TGĐ Dầu khí Nghệ An - ông Trần Lương Sơn đã ký công văn giải trình việc tổ chức kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến cho báo cáo tài chính 2023. Theo ông Sơn, Công ty đang phải gánh chịu những khoản chi phí lớn như lãi vay cao khiến chi phí lãi vay phát sinh lớn. Bên cạnh đó, Công ty đã trích lập dự phòng công nợ phải thu do đó làm chi phí các năm này tăng cao kéo theo lợi nhuận sau thuế thấp.

Ông Sơn diễn giải trong công văn, năm 2023, doanh thu Công ty tăng thêm 32,6 tỷ đồng so với cùng kỳ; tuy vậy giá vốn bán hàng tăng hơn 28,4 tỷ; các chi phí khác cũng đồng loạt tăng khiến lợi nhuận sau thuế giảm mạnh so với 2022. Ông cho biết do kinh tế khó khăn, các chi phí cao, mặt bằng kinh doanh (tại Tòa nhà Dầu khí Nghệ An – PV) không khai thác hết được nên Công ty đang thua lỗ, nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn. Đây cũng là lý do tổ chức kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến và nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục.

Giải trình của Dầu khí Nghệ An
Giải trình của Dầu khí Nghệ An

Về phương án khắc phục, Dầu khí Nghệ An khẳng định sẽ duy trì sản xuất kinh doanh, thúc đẩy bán hàng để tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận. Bên cạnh đó, Công ty đang triển khai thủ tục để xin một số dự án mới, triển khai thu hồi công nợ.

Đề ra phương án là vậy nhưng Công ty có thực hiện được hay không lại là chuyện khác. Nhất là khi áp lực tài chính đang rất lớn, doanh nghiệp này đang lỗ chồng lỗ. Năm 2023, dù ghi nhận tăng trưởng về doanh thu, nhưng cũng chỉ đạt khoảng 61,3 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu từ việc bán bất động sản chiếm đa số với hơn 52,7 tỷ đông, doanh thu quản lý cho thuê bất động sản chiếm 8,5 tỷ đồng. Đáng chú ý trong cả năm 2023, hoạt động xây lắp không đóng góp được đồng nào vào tổng doanh thu của Dầu khí Nghệ An.

Đến 31/12/2023, nợ phải trả của Dầu khí Nghệ An ở mức 154,3 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần vốn chủ sở hữu và chủ yếu tập trung trong ngắn hạn.

Phú Tài (PTB) phải trích lập 70% khoản phải thu đối với Noble House

Hãng kiểm toán AASC cho rằng, Phú Tài cần trích lập gần 43 tỷ đồng đối với khoản phải thu trị giá 61 tỷ đồng ...

Loạt cổ phiếu "lĩnh án" sau mùa kiểm toán

Cổ phiếu QBS, POM cùng một loạt cổ phiếu khác vừa nhận án phạt từ HoSE sau mùa kiểm toán năm 2023...

Licogi Quảng Ngãi (LQN) thua lỗ chồng chất, kiểm toán lại đưa ra ý kiến ngoại trừ

Tình trạng kinh doanh ảm đạm đang tiếp diễn tại Công ty CP Licogi Quảng Ngãi (UPCoM: LQN). Mới đây, một lần nữa tổ chức ...

Cao Thái