Tổng nợ của Bamboo Capital (BCG) vượt mốc 15.000 tỷ đồng sau quý I, “thần tốc” tăng vốn để giảm hệ số nợ vay/vốn điều lệ?

Cập nhật: 13:03 | 27/05/2022 Theo dõi KTCK trên

Việc cơ quan chức năng kiểm soát chặt dòng vốn chảy vào lĩnh vực bất động sản, gồm kênh tín dụng ngân hàng và phát hành trái phiếu khiến bài toán huy động vốn để đảm bảo tiến độ kinh doanh đang khiến nhiều doanh nghiệp đau đầu. Do đó, việc phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ được xem là giải pháp huy động vốn khả dĩ.

CTCP Bamboo Capital hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, năng lượng và tài chính với hệ sinh thái lên tới hàng chục đơn vị thành viên. Tính đến cuối quý I/2022, Bamboo Capital có tổng nợ hơn 15.100 tỷ đồng, tăng khoảng 12% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ từ phát hành trái phiếu của doanh nghiệp này hơn 9.097 tỷ đồng.

Để giảm hệ số nợ vay/vốn điều lệ, Bamboo Capital liên tục tăng vốn. Từ đầu năm đến nay, Bamboo Capital đã có 2 lần tăng vốn điều lệ, từ 2.975 tỷ đồng ở cuối năm 2021 lên 5.033 tỷ đồng ở ngày 5/5.

Chưa kể trong năm 2022, Bamboo Capital sẽ tăng vốn gấp đôi bằng phương án phát hành thêm cổ phiếu.

Cụ thể, doanh nghiệp này sẽ phát hành hơn 266 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, bán đấu giá 250 triệu cổ phần ra công chúng, 25 triệu cổ phiếu trả 5% cổ tức 2021 và 5 triệu cổ phiếu ESOP. Tổng giá trị cổ phiếu phát hành trong năm 2022 tính theo mệnh giá là 5.183 tỷ đồng. Sau khi hoàn tất các đợt phát hành, vốn điều lệ của Bamboo Capital sẽ tăng từ 5.033 tỷ đồng lên khoảng 10.500 tỷ đồng.

Một thành viên trong hệ sinh thái của Bamboo Capital là CTCP Tập đoàn R&H. Doanh nghiệp này được thành lập tháng 8/2019 với vốn điều lệ 1.450 tỷ đồng. Thời gian qua, doanh nghiệp liên tục phát hành 7 lô trái phiếu với tổng giá trị lên tới 8.150 tỷ đồng. Mục đích huy động trái phiếu dùng cho việc phát triển các dự án bất động sản nhưng không nêu rõ tên dự án.

Trong giai đoạn 2022-2026, Bamboo Capital cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ một cách thần tốc. Dự kiến vốn chủ sở hữu trong năm 2023 sẽ là 29.000 tỷ đồng, 2024 sẽ là 40.000 tỷ đồng, 2025 là 47.000 tỷ đồng và 2026 là 56.000 tỷ đồng. Để thực hiện việc này, Bamboo Capital sẽ giữ lại lợi nhuận để thực hiện sản xuất kinh doanh chứ không chia cổ tức bằng tiền.

Huy động 500 tỷ đồng trái phiếu bổ sung vốn lưu động, tài trợ dự án điện mặt trời, điện áp mái…

Ngày 12/5 vừa qua, CTCP Bamboo Capital (HOSE - Mã: BCG) đã công bố thông tin về tình hình sử dụng vốn thu được từ đợt phát hành trái phiếu ra công chúng từ ngày 24/1 - 22/4.

Theo đó, khoảng 1/1 - 20/1, BCG đã thực hiện chào bán lô trái phiếu trị giá 500 tỷ đồng với kỳ hạn 5 năm. Lãi suất cho hai kỳ tính lãi đầu tiên là 11,5%/năm, các kỳ tiếp theo lãi suất thả nổi, trả lãi định kỳ 6 tháng/lần.

Về mục đích phát hành, BCG dùng để bổ sung vốn lưu động, tài trợ cho các dự án điện mặt trời, điện áp mái, dự án bất động sản, đáp ứng nhu cầu vốn ngắn hạn và nhu cầu vốn thực hiện mua bán sáp nhập và thực hiện hợp tác đầu tư, phát triển dự án.

Cụ thể, BCG dự kiến giải ngân 247 tỷ đồng cho Công ty TNHH Điện Gió Đông Thành 2 vay; 253 tỷ đồng cho CTCP BCG Wind Sóc Trăng vay. Thời gian giải ngân trong quý I/2022.

Trong đợt phát hành nói trên, BCG thu ròng gần 496,5 tỷ đồng sau khi trừ 3,5 tỷ đồng chi phí đăng ký chào bán và chi phí đăng ký đại lý phân phối trái phiếu.

Báo cáo kết quả sử dụng vốn trái phiếu, BCG cho biết tính đến ngày 22/4, doanh nghiệp đã giải ngân toàn bộ số tiền thu được theo đúng mục đích được duyệt.

Cụ thể, trong các ngày 6/4, 7/4, 8/4 và 22/4, BCG đã giải ngân 247 tỷ đồng cho Công ty Đông Thành 2. Ngày 22/4, BCD đã giải ngân 253 tỷ đồng cho BCG Wind Sóc Trăng vay.

Bamboo Capital làm cách nào để 'cơ cấu tài chính lý tưởng'?

Theo VTC News, diễn biến Đại hội cổ đông thường niên 2022 của BCG cho thấy, khối nợ trái phiếu của tập đoàn này đã lớn tới mức đáng ngại đối với nhiều cổ đông. Từng tham gia tái cơ cấu nợ cho HAGL, ban lãnh đạo BCG - đứng đầu là Chủ tịch Nguyễn Hồ Nam giờ đây phải tìm cách đưa tập đoàn này về "cơ cấu tài chính lý tưởng".

Kết thúc quý 1/2022, quy mô tổng tài sản của CTCP Bamboo Capital (HOSE: BCG) lên tới 41.504,7 tỷ đồng, cao gấp 9 lần so với cách đây 5 năm. Đó cũng là khoảng thời gian BCG ghi nhận những bước tăng trưởng thần tốc, từ việc mạnh tay rót vốn vào năng lượng tái tạo, bất động sản, đến những khoản đầu tư đáng chú ý trong lĩnh vực tài chính.

Năm ngoái, BCG đã mua lại 20% cổ phần CTCP Chứng khoán Thủ Đô (CASC), hoàn tất thâu tóm chi phối công ty Bảo hiểm AAA từ IAG Group.

Cùng với công ty con CTCP Đầu tư Phát triển Công nghiệp và Vận tải (Tracodi, HOSE: TCD), nhóm BCG đã mua vào 30 triệu cổ phần phát hành riêng lẻ của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank).

Hay ở một thương vụ đáng chú ý khác, tập đoàn của ông Nguyễn Hồ Nam cũng đánh dấu sự hiện diện ở Eximbank khi có một "ghế" trong HĐQT và BKS nhiệm kỳ mới của nhà băng này.

Kể từ khi rời Chứng khoán Sacombank để gây dựng BCG, ông Nguyễn Hồ Nam và các cộng sự có lẽ cũng khó có thể hình dung được những bước phát triển thần tốc của tập đoàn trong ít năm vừa qua.

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cho thấy, BCG càng đẩy mạnh hoạt động M&A, dòng tiền chi ra đầu tư góp vốn vào đơn vị khác của tập đoàn này càng lớn. Nhưng trong bối cảnh dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm, BCG ngày càng phụ thuộc vào dòng tiền từ hoạt động tài chính.

5724-bamboo-capital-1

Năm 2021, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của BCG âm tới 9.012 tỷ đồng, cao gấp 4 lần so với năm 2020. Cùng với đó, lưu chuyển hoạt động đầu tư của tập đoàn này âm tới 971 tỷ đồng (năm 2020 âm tới 613,7 tỷ đồng). Ở hướng ngược lại, BCG ‘huy động’ tới 10.123,5 tỷ đồng từ hoạt động tài chính.

Trong quý đầu năm 2022, BCG tiếp tục ghi nhận tình trạng âm dòng tiền từ hoạt động kinh doanh và hoạt động đầu tư. Ngược lại, BCG "hút ròng" 4.110,6 tỷ đồng từ hoạt động tài chính, chủ yếu đến từ tiền thu từ phát hành cổ phiếu, nhận vốn góp cảu chủ sở hữu (2.907,5 tỷ đồng), tiền thu từ đi vay (4.028,6 tỷ đồng).

Ở góc độ nào đó, có thể cho rằng nguồn lực dồi dào để BCG thực hiện những thương vụ M&A đáng nể như đã nêu đến từ dòng tiền tài chính, cụ thể là hoạt động vay nợ.

Tính đến ngày 31/3/2022, nợ phải trả của BCG đạt 30.354,3 tỷ đồng, chiếm tới 73% tổng nguồn vốn và cao gấp 2,7 lần vốn chủ sở hữu.

Trong đó, dư nợ vay (bao gồm cả trái phiếu chuyển đổi) của BCG lên tới 15.564,2 tỷ đồng. Đáng chú ý, chiếm phần lớn trong số đó là dư nợ trái phiếu, lên tới 9.097,2 tỷ đồng. Cũng cần lưu ý rằng, CTCP Tập đoàn R&H (R&H Group) - một doanh nghiệp có mối liên hệ với nhóm BCG đã huy động tới 6.150 tỷ đồng qua kênh trái phiếu từ tháng 9/2021 - 2/2022.

5817-bamboo-capital-2

Tại AGM 2022, ông Nguyễn Hồ Nam cho biết sẽ đưa tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu trong năm nay giảm về dưới 2 và trong tương lai gần sẽ về dưới 1. Đây sẽ là "cơ cấu tài chính lý tưởng" cho BCG, một lãnh đạo khác của tập đoàn này cho biết.

Với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, ông Nguyễn Hồ Nam chắc hẳn cũng không xa lạ gì với việc tái cơ cấu nợ. Ít ai để ý, BCG và đối tác gắn bó của họ - Doji Group cũng từng là những "tay chơi" tích cực tham gia tái cơ cấu nợ cho Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HAG).

Cụ thể, năm 2016, HAGL Land khi đó là công ty con của HAG đã phát hành thêm 56 triệu cổ phiếu đến bán cho Tracodi. Số tiền thu về 1.680 tỷ đồng được HAG dùng để thanh toán nợ cho Eximbank.

Trong khi đó, Doji Group là tập đoàn đứng sau Công ty TNHH Blue Hope (Blue Hope) - doanh nghiệp đã nhận chuyển giao 1.100 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi do HAG phát hành từ đối tác ngoại vào ngày 11/5/2017. Số trái phiếu này sau đó được chuyển nhượng cho 6 cá nhân, rồi chuyển đổi thành 137,5 triệu cổ phiếu HAG.

Khá trùng hợp, trong giai đoạn 2016 - 2017, dư nợ của HAG với TPBank - ngân hàng do nhà sáng lập Doji Group Đỗ Minh Phú làm Chủ tịch HĐQT cũng có chiều hướng giảm.

TPBank là nhà băng đồng hành tích cực với BCG trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, cụ thể là thoả thuận hợp tác về việc tài trợ 11.000 tỷ đồng cho các dự án năng lượng tái tạo của BCG được ký kết vào năm 2020.

Ngược lại, trong năm 2021, BCG và TCD đã mua vào tổng cộng 30 triệu cổ phiếu TPB trong đợt phát hành riêng lẻ của TPBank.

Mặt khác, CTCP Chứng khoán Tiên Phong (HOSE: ORS) tham gia mua vào 12 triệu cổ phiếu phát hành riêng lẻ của BCG. ORS và Quỹ Việt Cát còn đăng ký mua vào 14 triệu cổ phiếu phát hành riêng lẻ của TCD.

Cổ phiếu TCD (Tracodi) “lao dốc” mạnh sau động thái thoái sạch vốn của người nhà “sếp lớn”

Cổ phiếu TDC của CTCP Đầu tư Phát triển Công nghiệp và Vận tải (Tracodi, sàn HOSE) sau thời gian tăng mạnh đã quay đầu ...

Bamboo Capital (BCG) rót gần 800 tỷ đồng vào BCG Energy

Công ty cổ phần Bamboo Capital (HoSE - Mã: BCG) vừa công bố thông tin về việc góp vốn bổ sung vào Công ty ...

Chủ tịch Bamboo Capital Nguyễn Hồ Nam trở thành cổ đông lớn tại Vinahud (VHD)

Mới đây, CTCP Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị Vinahud (Mã: VHD) đã có thêm 4 cổ đông lớn mới, trong đó có ...

Nguyễn Thanh (t/h)