Thông điệp của Thủ tướng: Kịp thời, đúng hướng để xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội bền vững

Cập nhật: 19:36 | 20/08/2022 Theo dõi KTCK trên

Những nội dung từ thông điệp "4 ổn định, 3 tăng cường, 2 đẩy mạnh, 1 tiết giảm và 1 kiên quyết không" (Thông điệp) của Thủ tướng Chính phủ đã định hướng phát triển kinh tế cho toàn xã hội và đặt ra những vấn đề cực kỳ cần thiết cần phải thực thi.

Giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% còn nhiều khó khăn sau 3 tháng triển khai

Kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô là những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ trong thời điểm hiện nay

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Định hướng tập trung phát triển kinh tế, ổn định xã hội toàn diện

Chia sẻ với phóng viên, chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Ngô Trí Long cho biết: Tại phiên họp Chính phủ vừa qua, Thủ tướng đã gửi gắm Thông điệp với nội dung về 4 ổn định, 3 tăng cường, 2 đẩy mạnh, 1 tiết giảm và 1 kiên quyết không.

Cụ thể, "4 ổn định": Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững; ổn định các loại thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ; ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; "3 tăng cường": Tăng cường nắm tình hình, phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt, hiệu quả; tăng cường bảo đảm an sinh xã hội và công tác y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng, tiêm phòng vaccine COVID-19; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nhất là trong hệ thống hành chính nhà nước; "2 đẩy mạnh": Đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp và tạo công ăn việc làm; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư, nhất là đầu tư công và công tác quy hoạch; "1 tiết giảm" tiết kiệm triệt để, giảm mọi khoản chi tiêu không cần thiết; và "1 kiên quyết không": Không điều hành giật cục, chuyển trạng thái đột ngột mà phải luôn chủ động, linh hoạt, sáng tạo, khoa học, hiệu quả và chắc chắn.

Theo PGS.TS. Ngô Trí Long, để cùng nhau thực hiện, xây dựng, phát triển một nền kinh tế Việt Nam thực sự có hiệu quả, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, thì phải thực hiện "4 ổn định".

Về nội dung "3 tăng cường", Thủ tướng Chính phủ đã đề cập đến những vấn đề thời sự cấp bách hiện nay, đòi hỏi phải thực thi để đạt đến mục tiêu xây dựng phát triển nền kinh tế-xã hội ổn định, lành mạnh và phát triển có hiệu quả.

Đối với "2 đẩy mạnh", theo PGS.TS. Ngô Trí Long, đây chính là hai tiền đề, hai hạt nhân, hai động lực cực kỳ quan trọng để nền kinh tế phát triển ổn định và bền vững.

Cũng theo PGS.TS. Ngô Trí Long, trong bối cảnh nguồn lực của chúng ta còn có hạn thì "1 tiết giảm" thực chất cũng là tạo ra nguồn để tăng thu nhập quốc dân, tăng nguồn lực cho xã hội phát triển và tái sản xuất.

Với nội dung cuối cùng "1 kiên quyết không", PGS.TS. Ngô Trí Long phân tích, để cho nền kinh tế phát triển hiệu quả bền vững, ổn định cũng như để các doanh nghiệp có điều kiện thích ứng với cơ chế chính sách mới thì việc kiên quyết không điều hành giật cục mà điều hành một cách khoa học, linh hoạt sáng tạo, chắc chắn là hoàn toàn chính xác và phù hợp. Chỉ có điều hành theo Thông điệp này mới bảo đảm được hạt nhân của nền kinh tế, mới bảo đảm cho xã hội phát triển một cách bền vững, ổn định và linh hoạt, thích ứng nhanh nhạy với bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế.

"Những thông điệp của Thủ tướng đưa ra đã định hướng cho toàn xã hội tập trung vào những vấn đề phát triển kinh tế, ổn định xã hội một cách toàn diện. Đồng thời đặt ra những vấn đề cực kỳ cần thiết cần phải thực thi. Bên cạnh đó, việc đưa ra Thông điệp nhằm để cả xã hội hưởng ứng, đồng lòng, tạo một hướng đi đúng đắn, có sự cộng hưởng để chúng ta cùng nhau đưa kinh tế đất nước phát triển một cách tốt nhất", PGS.TS. Ngô Trí Long nhấn mạnh.

Hiện nền kinh tế thế giới đang suy giảm và tác động rất lớn đến kinh tế trong nước. Tuy nhiên, bằng sự điều hành, cơ chế chính sách phù hợp, kịp thời, chúng ta đã làm chủ được tình hình, thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng, phát triển vào loại cao so với thế giới hiện nay. Biểu hiện rõ nhất là trong quý II/2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam rất cao. Theo Tổng cục Thống kê, GDP quý II năm 2022 ước tính tăng 7,72% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý II các năm trong giai đoạn 2011-2021. GDP 6 tháng đầu năm 2022 tăng 6,42%, cao hơn tốc độ tăng 2,04% của 6 tháng đầu năm 2020.

Với những kết quả đạt được như hiện nay cùng với những định hướng phát triển kinh tế linh động, phù hợp với thực tế, trong thời gian tới chắc chắn nền kinh tế của nước ta sẽ vượt chỉ tiêu do Quốc hội đề ra.

PGS.TS. Ngô Trí Long cho biết, trước sự bất ổn của kinh tế thế giới, chúng ta đạt được kết quả kinh tế như vậy là một thành tựu vô cùng đáng tự hào và khâm phục. Chúng ta vẫn đang làm chủ được tình hình và thúc đẩy được nền kinh tế phát triển nhanh, mạnh.

Thông điệp có ý nghĩa chiến lược lâu dài

Tuy nhiên, theo PGS.TS. Ngô Trí Long, việc đề ra chính sách, chỉ đạo tuy rất quan trọng nhưng việc thực thi, thanh tra, kiểm tra, giám sát phải chặt chẽ mới mang lại hiệu quả. Chính sách đề ra có đúng bao nhiêu đi chăng nữa nhưng quá trình tổ chức thực hiện, thanh kiểm tra giám sát không chặt chẽ thì chính sách đó sẽ không có hiệu quả.

Thông điệp của Thủ tướng Chính phủ không chỉ có ý nghĩa trước mắt mà còn có ý nghĩa chiến lược dài hạn. Chủ trương xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ của Đảng và Nhà nước ta là hoàn toàn chính xác. Có độc lập, tự chủ mới phát triển được kinh tế vững mạnh, nhưng muốn kinh tế vững mạnh cần phải thực hiện hiệu quả chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Thông điệp cũng thể hiện rõ ý nghĩa phải có độc lập, tự chủ thì mới có hội nhập, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển kinh tế bền vững và lâu dài.

Có thể thấy, Thông điệp của Thủ tướng Chính phủ đã phản ánh không những ở hiện tại mà ở cả tương lai, là một cái nhìn xuyên suốt, thấu đáo và mang tính chiến lược cho phát triển kinh tế và ổn định xã hội.

Theo baochinhphu.vn

Tin cũ hơn
Xem thêm