Thị trường tiến triển tốt, doanh nghiệp niêm yết đua nhau phát hành cổ phần tăng vốn

Cập nhật: 09:53 | 09/06/2021 Theo dõi KTCK trên

Thị trường chứng khoán vượt đỉnh với thanh khoản tăng vọt cũng là lúc chứng kiến các doanh nghiệp niêm yết lũ lượt trình cổ đông kế hoạch phát hành cổ phần mới.

Vinatex lên kế hoạch lãi trước thuế 700 tỷ đồng, dự kiến trả cổ tức 6% năm 2021

Nghịch lý doanh nghiệp thua lỗ triền miên, cổ phiếu vẫn “tung tăng nhảy múa”

Doanh nghiệp niêm yết gia tăng huy động vốn qua phát hành cổ phần
Thị trường tiến triển tốt, doanh nghiệp niêm yết đua nhau triển khai phương án tăng vốn. (Đồ họa: Alex Chu)

Doanh nghiệp niêm yết gia tăng huy động vốn qua phát hành cổ phần

Theo thống kê từ FiinGroup, 147 doanh nghiệp niêm yết dự kiến tăng quy mô vốn chủ sở hữu thêm 3,8%, tương đương 102,6 nghìn tỷ đồng thông qua phát hành cổ phần trong năm 2021. Đây là động thái nhằm đáp ứng nhu cầu vốn mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh nền kinh tế đang dần hồi phục.

Dữ liệu cập nhật đến ngày 27/5/2021 cho thấy lượng vốn cổ phần mà các doanh nghiệp có kế hoạch phát hành từ nay đến cuối năm 2021 là 82.300 tỷ đồng, tương ứng 7,6 tỷ cổ phiếu. Kể từ đầu năm, lượng vốn cổ phần đã phát hành thành công khoảng 20.300 tỷ đồng.

Nếu các doanh nghiệp thực hiện thành công kế hoạch phát hành, năm 2021 sẽ là năm kỷ lục về lượng vốn huy động qua phát hành cổ phần của các doanh nghiệp niêm yết.

Theo FiinGroup, hình thức huy động vốn cổ phần được các doanh nghiệp ưa chuộng nhất là chào bán cho cổ đông hiện hữu và phát hành riêng lẻ. Tổng giá trị phát hành dự kiến trong năm 2021 của hai hình thức này lần lượt là 54.100 tỷ đồng và 47.800 tỷ đồng.

Ngân hàng và Bất động sản là hai nhóm ngành dự kiến sẽ phát hành tăng vốn nhiều nhất, lần lượt 21.900 tỷ đồng và 15.800 tỷ đồng. Các ngân hàng cần đẩy mạnh cho vay khách hàng và tăng vốn để đáp ứng tiêu chuẩn Basel II, trong khi doanh nghiệp bất động sản cần nâng cao năng lực tài chính để phát triển các dự án quy mô lớn.

Ngoài ra, nhóm dịch vụ tài chính (các công ty chứng khoán) cũng có kế hoạch phát hành 14.800 tỷ đồng nhằm mở rộng quy mô hoạt động, bao gồm cho vay margin.

Doanh nghiệp niêm yết gia tăng huy động vốn qua phát hành cổ phần
Các doanh nghiệp có kế hoạch tăng vốn 2021.

Cẩn trọng khi theo “sóng” tăng vốn

Chỉ số VN-Index đã tăng gần 20% kể từ đầu năm với thanh khoản tỷ USD. Sự tham gia ồ ạt của các nhà đầu tư mới cùng với dòng tiền mạnh giúp chứng khoán Việt Nam nằm trong nhóm tăng trưởng tốt nhất châu Á, bất chấp việc khối ngoại bán ròng vẫn tiếp diễn.

Việc cho phép huy động vốn khi được Đại hội đồng cổ đông thông qua là bước đi thích hợp giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước mắt hay tái cấu trúc hoạt động của mình.

Tuy nhiên, vấn đề chúng ta cần phải quan tâm là đánh giá xem liệu công ty sử dụng vốn tăng lên như thế nào? Nếu vốn tăng thêm được sử dụng để mang lại mức sinh lợi cao hơn chi phí vốn thì giá cổ phiếu được kỳ vọng sẽ tăng lên. Ngược lại, nếu công ty sử dụng vốn không hiệu quả hay mang lại mức sinh lợi thấp hơn chi phí vốn thì công ty đó không những không làm gia tăng giá trị cho cổ đông của mình mà còn làm suy giảm giá trị của cổ đông.

Thực tế hiện nay, rất nhiều công ty đua nhau phát hành cổ phiếu thu tiền vốn từ cổ đông nhưng mục đích sử dụng vốn, hiệu quả và thời hạn mà hiệu quả đó có thể được duy trì lại không được tường minh. Nhà đầu tư quyết định mua cổ phiếu phát hành thêm vì nghĩ rằng phát hành ưu đãi sẽ kích thích tăng giá mà chưa đánh giá kỹ càng hiệu quả sử dụng vốn tăng thêm của công ty.

Đáng lưu ý, việc một số cổ đông lớn nắm giữ lượng lớn cổ phiếu, có tính chi phối nên họ dễ dàng thông qua tờ trình/phương án huy động vốn. Hay cũng có những cổ đông biểu quyết thông qua phương án tăng vốn nhằm mục đích vực hay đỡ giá cổ phiếu, sau đó tìm cách bán lượng đang nắm giữ. Điều đó có thể gây rủi ro cho nhà đầu tư đến sau.

Hồng Giang