Thị trường chứng khoán ngày 7/11/2023: Thông tin trước giờ mở cửa

Cập nhật: 05:25 | 07/11/2023 Theo dõi KTCK trên

Hưởng lợi từ chứng khoán thế giới, VN-Index duy trì đà tăng; Chứng khoán APG bị phạt do vi phạm quy định ủy thác quản lý; Khối ngoại bất ngờ mua ròng cổ phiếu 1 doanh nghiệp do Bộ Xây dựng sở hữu;... là những thông tin chính được Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam gửi đến quý độc giả trước giờ giao dịch ngày 7/11/2023.

Hưởng lợi từ chứng khoán thế giới, VN-Index duy trì đà tăng: Đóng cửa phiên giao dịch ngày 6/11, VN-Index tăng 12,88 điểm (+1,2%), lên mức 1.089,66 điểm; HNX-Index tăng 1,84 điểm (+0,85%), chạm mốc 219,59 điểm. Độ rộng toàn thị trường nghiêng về bên mua với 242 mã giảm và 460 mã tăng. Sắc xanh tiếp tục chiếm ưu thế trong rổ VN30 với 24 mã tăng, 2 mã đứng giá và 4 mã giảm giá. Thanh khoản thị trường sụt giảm với khối lượng giao dịch của VN-Index đạt hơn 692 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị đạt hơn mức 14 nghìn tỷ đồng; HNX-Index đạt hơn 78 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị gần 1,36 nghìn tỷ đồng.

VPB (+5,1%), SSB (+4,1%) và SAB (+3,6%) là những mã ảnh hưởng tích cực nhất đến chỉ số. HNX-Index cũng có diễn biến tương tự, trong đó chỉ số được tác động tích cực từ các mã SHS (+4,6%), VIG (+4,5%), DVM (+2,2%), TVD (+1,7%)…Kết phiên, chỉ có ngành bán lẻ còn chật vật trong sắc đỏ còn lại đều nhuộm sắc xanh. Đặc biệt, các ngành phụ có mức tăng khá ấn tượng như sản xuất thiết bị và máy móc (+2,79%), dịch vụ tư vấn, hỗ trợ (+2,4%), sản xuất phụ trợ (1,78%). Trong đó, nhiều mã tăng kịch trần như NHH, VCM, TV2 (+3,94%)…. Nhìn tổng thể toàn thị trường, dòng tiền lan tỏa đều tất cả cổ phiếu trong phiên hôm nay.

Thị trường chứng khoán ngày 7/11/2023: Thông tin trước giờ mở cửa

Thanh khoản trên sàn UPCoM giảm mạnh trong tháng 10: Theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), thị trường UPCoM tháng 10/2023 có diễn biến giao dịch kém sôi động so với tháng trước. UPCoM-Index có xu hướng giảm điểm, đóng cửa tại mức 82,29 điểm, giảm 6,95% so với cuối tháng 9/2023. Thanh khoản thị trường cũng giảm mạnh, khối lượng giao dịch bình quân giảm gần 36%, đạt xấp xỉ 44,43 triệu cp/phiên; giá trị giao dịch bình quân giảm 38% so với tháng 9/2023, đạt hơn 652 tỷ đồng/phiên. Tổng giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trong tháng 10/2023 đạt xấp xỉ 632 tỷ đồng, giảm hơn 30% so với tháng trước. Trong đó, giá trị mua vào đạt 365 tỷ đồng và bán ra 266 tỷ đồng, tính chung trong tháng 10/2023, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng xấp xỉ 99 tỷ đồng. UPCoM trong tháng 10 đón nhận thêm 3 doanh nghiệp đăng ký giao dịch mới và có 2 doanh nghiệp hủy đăng ký giao dịch. Tại thời điểm cuối tháng 10/2023, tổng số doanh nghiệp đăng ký giao dịch trên thị trường đạt 860 doanh nghiệp, giá trị đăng ký giao dịch đạt hơn 420 nghìn tỷ đồng. Giá trị vốn hóa thị trường tại ngày 31/10/2023 đạt hơn 1 triệu tỷ đồng.

Chứng khoán APG bị phạt do vi phạm quy định ủy thác quản lý: Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ngày 02/11 ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty CP Chứng khoán APG (HOSE: APG). Quyết định xử phạt nêu rõ Chứng khoán APG bị phạt 85 triệu đồng do vi phạm quy định về ủy thác quản lý tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân. Cụ thể, trong nội dung hợp đồng ủy thác quản lý tài khoản giao dịch chứng khoán giữa công ty và nhà đầu tư chưa chỉ định người hành nghề chứng khoán thực hiện quản lý tài khoản giao dịch ủy thác. Tháng 8/2023 vừa qua, UBCKNN cũng xử phạt hành chính đối với Chứng khoán APG số tiền 60 triệu đồng do không báo cáo khi có thay đổi về tỷ lệ sở hữu cổ phiếu PSG của CTCP Đầu Tư và Xây lắp Dầu khí Sài Gòn qua các ngưỡng 1% số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết. Trước đó, năm 2022, Chứng khoán APG còn bị xử phạt gần 1 tỷ đồng do hàng loạt vi phạm trong lập hồ sơ chứng khoán, cho khách hàng vay tiền, tài liệu phát hành trái phiếu.

Khối ngoại bất ngờ mua ròng cổ phiếu 1 doanh nghiệp do Bộ Xây dựng sở hữu: Cổ phiếu VGV của Tổng Công ty CP Tư vấn Xây dựng Việt Nam (UPCoM) là 1 trong 3 mã được khối ngoại mua ròng mạnh nhất về khối lượng (xét trên toàn thị trường) trong phiên sáng 6/11. Khối lượng mua là gần 1,8 triệu đơn vị (toàn bộ theo phương thức giao dịch thỏa thuận). Được biết room ngoại tối đa tại cổ phiếu VGV hiện là 49%. Tuy nhiên, đây mới là lần đầu tiên mã ghi nhận sự xuất hiện của dòng tiền ngoại quốc. Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thầu xây dựng có quy mô vốn điều lệ hơn 357 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông cô đặc khi 87,32% vốn (tương đương hơn 31,2 triệu cổ phiếu) được nắm giữ bởi Bộ Xây dựng nên thanh khoản cổ phiếu VGV chủ yếu biến động dưới mức 200.000 đơn vị/phiên. Tuy nhiên, tính từ đầu năm tới nay, mã đã tăng tới 153% (thuộc top đầu nhóm xây dựng). 9 tháng năm 2023, VGV đạt 400 tỷ đồng doanh thu thuần và 22,4 tỷ lãi sau thuế, đều giảm nhẹ so với cùng kỳ. Tuy nhiên, công ty đã vượt xa kế hoạch kinh doanh cả năm (chỉ 210 tỷ đồng doanh thu và 16 tỷ lãi sau thuế).

GMD chuẩn bị thoái vốn thêm tại cảng Nam Hải: HĐQT Công ty CP Gemadept (GMD) thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ vốn tại Cảng Nam Hải. Trong quý II/2023, GMD cũng đã hoàn tất chuyển nhượng cảng Nam Hải Đình Vũ và ghi nhận lợi nhuận đột biến. Cụ thể, HĐQT Gemadept thông qua chủ trương chuyển nhượng toàn bộ 999.800 cổ phần tại Công ty CP Cảng Nam Hải, tương ứng 99,98% vốn. Được biết, cảng Nam Hải đưa vào khai thác từ tháng 2/2009, là công ty liên kết, liên doanh của GMD (tổng vốn đầu tư gần 27,6 tỷ đồng, tương ứng 30% vốn). Năm 2010, GMD nâng sở hữu tại Cảng Nam Hải lên 99,98%. Đến nay, Cảng Nam Hải có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, tỷ lệ sở hữu của GMD không thay đổi. Cảng Nam Hải là mắt xích quan trọng trong mạng lưới cảng tại miền Bắc của GMD, đi theo sau đó GMD đã phát triển các cảng khác tại Hải Phòng như Cảng Nam Hải Đình Vũ (thoái toàn bộ vốn trong quý II/2023), cụm cảng Nam Đình Vũ và Nam Hải ICD.

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam sắp trả cổ tức bằng tiền: Công ty CP Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (HOSE: GVR) thông báo ngày 17/11 tới sẽ chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức bằng tiền năm 2022 tỷ lệ 3,5% (1 cổ phiếu được nhận 350 đồng). Ngày thanh toán là 8/12/2023. Với 4 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, số tiền ông lớn ngành cao su cần chi cho đợt cổ tức này là 1.400 tỷ đồng. Được biết Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp hiện đang nắm giữ 96,77% vốn GVR. Năm 2022, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 25.426 tỷ đồng - giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước; lãi sau thuế giảm 11% YoY còn 4.753 tỷ đồng. Như vậy, số tiền dự chi cổ tức lần này bằng 29,3% lợi nhuận năm 2022. Sang năm 2023, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đặt kế hoạch hơn 27.500 tỷ đồng doanh thu thuần và 4.264 tỷ lợi nhuận sau thuế. Sau 9 tháng, công ty thực hiện được 46% kế hoạch lợi nhuận và 53% chỉ tiêu doanh thu cả năm. Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu GVR giảm mạnh hàng chục % cùng với nhịp điều chỉnh của VN-Index (có thời điểm thủng mốc 17.000 đồng). Kết phiên sáng 6/11, mã đứng tham chiếu 18.500 đồng/cp; khối lượng giao dịch giảm mạnh còn chưa đến 500.000 đơn vị.

Phiên giao dịch ngày 7/11/2023: Những cổ phiếu cần lưu ý

Các công ty chứng khoán vừa đưa ra báo cáo phân tích đối với một số cổ phiếu cần lưu ý cho phiên giao dịch ...

Nhận định chứng khoán ngày 7/11: Xuất hiện áp lực chốt lời

Thanh khoản mua chủ động được duy trì tốt xuyên suốt phiên 6/11 đã giúp VN-Index có phiên phục hồi tăng lên khu vực 1.085 ...

Xu hướng thị trường phái sinh ngày 7/11/2023

Các chuyên gia phân tích và công ty chứng khoán đưa ra nhận định về thị trường phái sinh cho ngày giao dịch 7/11/2023. Tạp ...

Nguyên Nam

Tin liên quan