Thị trường chứng khoán 2023: Biến động lớn, bài học không nhỏ

Cập nhật: 08:03 | 11/02/2024 Theo dõi KTCK trên

Thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK Việt Nam) năm 2023 đã kết thúc với diễn biến không như mong đợi của các nhà đầu tư (NĐT): Nhiều cú sụt giảm bất ngờ, điểm số gần như “đứng im” so với đầu năm, không ít phân tích, dự báo bị “chệch”. Từ những diễn biến đó, mỗi NĐT có thể rút ra bài học kinh nghiệm cho mình.

Những cú sốc bất ngờ

TTCK Việt Nam năm 2023 đã để lại rất nhiều cảm xúc cho nhà đầu tư. Mở đầu năm với chỉ số VN-Index ở vùng 1.000 điểm và đóng cửa năm ở vùng 1.150 điểm. Nếu chỉ nhìn vào điểm số, có cảm giác thị trường tăng trưởng ổn định. Nhưng trong năm vừa qua rất nhiều NĐT có cảm giác đã bị “giày vò” và chịu đựng những thử thách lớn. Vậy đâu là những điểm nhấn thể hiện những diễn biến thất thường, những cú sụt giảm mạnh bất ngờ?

So với các nước trong khu vực, mức định giá hiện nay của TTCK Việt Nam vẫn hấp dẫn.
So với các nước trong khu vực, mức định giá hiện nay của TTCK Việt Nam vẫn hấp dẫn.

Xét các yếu tố cấu thành nên TTCK như vĩ mô, định giá, dòng tiền, nhìn chung đều đạt được sự đồng thuận tích cực.

Về vĩ mô thế giới, xu hướng của Fed đã tương đối rõ ràng: Quá trình thắt chặt tiền tệ đã kết thúc, thời điểm giảm lãi suất, nới lỏng tiền tệ chỉ còn là vấn đề thời gian. Tình hình vĩ mô trong nước cũng khá thuận lợi khi nền kinh tế tạo đáy vào quý 1/2023. Các chính sách theo hướng nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ sản xuất kinh doanh được Chính phủ đưa ra từ đầu quý 2/2023 và tiếp tục giữ vững các chính sách này cho đến hiện nay.

Về mặt định giá, hiện nay TTCK Việt Nam đang ở mức P/E khoảng 14 lần, P/B khoảng 1.5. Mặc dù đây không phải là mức định giá rẻ nhất của mọi thời kì nhưng với tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết thì mức định giá này sẽ còn thấp hơn nữa vào năm 2024. Nếu so sánh với các nước trong khu vực, mức định giá hiện nay của TTCK Việt Nam vẫn đạt được sự hấp dẫn.

Về yếu tố dòng tiền, hiện nay các kênh đầu tư phổ thông như bất động sản đang đóng băng. Còn những kênh như vàng, ngoại tệ, tiền số đều ẩn chứa những rủi ro khó lường.

Tổng hợp lại, cả 3 đại lượng cốt lõi đều hướng tới và ủng hộ cho TTCK.

Với những yếu tố thuận lợi như vậy, vì sao chứng khoán Việt Nam vẫn không thoát hẳn ra vùng 1.100 điểm. Thậm chí có nhiều giai đoạn thị trường rơi vào downtrend. Chúng ta hãy cùng điểm ra những “thủ phạm” gây ra câu chuyện này.

1. Khối ngoại bán ròng

Năm 2023 là một trong những năm khối ngoại bán ròng với giá trị kỷ lục. Tính đến 31/12/2023, khối ngoại đã bán ròng hơn 1 tỷ USD, xóa toàn bộ thành quả mua ròng trong các năm 2021 - 2022. Dù cho khối ngoại chỉ chiếm 10% giao dịch trên toàn thị trường nhưng lại tác động vào tâm lý chung của thị trường. Rất nhiều NĐT cá nhân coi đây là kim chỉ nam cho hành động của mình. Lý giải cho việc bán ròng của khối ngoại là việc một số NĐT Thái Lan rút vốn về nước do những chính sách của họ. Ngoài ra, có một số NĐT và tổ chức nước ngoài cũng rút vốn để tìm kiếm sự hấp dẫn của các thị trường khác như Mỹ, Ấn Độ. Những thời điểm khối ngoại bán ròng đều gây ra cho thị trường sự sụt giảm khá mạnh.

Tuy nhiên, việc bán ròng với số lượng lớn trong năm 2023 chỉ là hành vi mang tính thời điểm. Rất có thể trong năm 2024 sẽ có sự đảo chiều.

2. Tỷ giá

Trong thời gian từ tháng 7/2023 cho đến tháng 10/2023, vấn đề tỷ giá làm nóng lên các câu chuyện của TTCK. Do sự lệch pha về chính sách tiền tệ giữa Việt Nam và Mỹ, cũng như do chỉ số đồng đô la Mỹ (DXY) tăng cao, đã gây ra áp lực lên VND .

Việc thay đổi tỷ giá đã gây tác động tiêu cực lên TTCK trong khoảng thời gian từ tháng 7/2023 đến tháng 10/2023. NHNN đã áp dụng các giải pháp mang tính nghiệp vụ như phát hành tín phiếu với kỳ hạn 28 ngày. Đây là một giải pháp có tác dụng tốt để đưa lãi suất liên ngân hàng lên mặt bằng giá hợp lý. Qua đó cũng đã chống được sự đầu cơ ngoại hối và tỷ giá của một số ngân hàng thương mại.

Giai đoạn tỷ giá “nóng sốt” cũng làm cho NĐT khốn khổ khi thị trường rơi vào downtrend, giảm từ mức 1.250 điểm về đến vùng đáy 1.020 điểm. Hiện nay, chỉ số DXY có xu hướng về dưới 100 điểm, áp lực lên tỷ giá sẽ giảm đi trong thời gian tới.

3. Tin đồn

TTCK Việt Nam với đặc thù 99,8% là các NĐT cá nhân. Rất nhiều trong số này đều là những “tay ngang” chưa đủ kiến thức, bản lĩnh ở trong những giai đoạn thị trường biến động. Đặc biệt, hầu hết họ chưa kinh qua những thời gian trải nghiệm đủ lâu trên thị trường. Tâm lý coi thị trường là mỏ vàng để vào khai thác, làm giàu nhanh cũng lan tỏa rất nhiều. Chính vì vậy, khi thị trường xuất hiện những tin đồn đoán, sự tác động vào điểm số cũng như xu hướng là rất lớn.

Những tin đồn đoán đa số đều không có thật, mang dụng ý trục lợi cho một nhóm hoặc một cá nhân nào đó. Mỗi lần xảy ra các tin đồn đều gây thiệt hại lớn cho các NĐT.

4. Niềm tin bị thử thách

Mặc dù việc đầu tư trên TTCK vẫn chủ yếu dựa vào yếu tố định lượng, nhưng yếu tố niềm tin cũng là một điều rất quan trọng để giữ NĐT ở lại thị trường. Nhiều chính sách về thị trường chứng khoán được đưa ra một cách khá chậm, cũng như sự chậm trễ của hệ thống giao dịch mới cũng làm mất niềm tin một phần từ giới đầu tư. Cơ quan quản lý cũng chưa phát huy hết được vai trò của mình, rất hiếm khi có sự tương tác, giải thích cho thị trường hiểu về các biến động bất thường, về các tin đồn đoán vô căn cứ. Bên cạnh đó. Những vấn đề nổi cộm làm trái các quy định của pháp luật như kho hàng, mua bán cùng nhóm, cũng gây ra tâm lý e ngại cho nhiều NĐT. Một khi niềm tin bị đổ vỡ sẽ rất khó để thu hút các NĐT đến với TTCK.

TTCK Việt Nam có đến 99,8% là các NĐT cá nhân, rất nhiều trong số này đều là những “tay ngang” chưa đủ kiến thức, bản lĩnh khi thị trường biến động.
TTCK Việt Nam có đến 99,8% là các NĐT cá nhân, rất nhiều trong số này đều là những “tay ngang” chưa đủ kiến thức, bản lĩnh khi thị trường biến động.

Triển vọng nào cho năm 2024?

TTCK là hàn thử biểu của nền kinh tế, giữ một vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống xã hội. Những biến động thất thường trái với quy luật cần sớm được giải quyết. Nhìn sang năm 2024 và xa hơn là năm 2025 chúng ta có sự phân tích như sau:

Yếu tố vĩ mô sẽ được cải thiện tốt hơn với kỳ vọng Fed bắt đầu giảm lãi suất, khả năng có thể diễn ra từ đầu quý 2/2024. Ở trong nước, môi trường kinh doanh luôn được sự hỗ trợ từ Chính phủ. Cầu nội địa sẽ có sự cải thiện theo hướng tích cực hơn sau khi ngành bán lẻ tạo đáy vào quý 3/2023. Các chính sách để phá băng thị trường bất động sản cũng đang được rốt ráo đưa vào thực tế. Việc ưu tiên giải ngân đầu tư công cũng thúc đẩy tăng trường GDP trở lại trong năm 2024 và 2025. Ngoài ra, kỳ vọng cuối năm 2024, đầu năm 2025 TTCK Việt Nam chính thức lọt vào rổ xem xét nâng hạng của FTSE và MSCI.

Về các yếu tố tiêu cực làm ảnh hưởng đến thị trường trong năm vừa qua, hy vọng rằng năm 2024 có sự đảo chiều. Khối ngoại sẽ quay trở lại khi các vấn đề vĩ mô như tỷ giá được ổn định hơn, cũng như các chính sách tháo gỡ để phù hợp với thông lệ quốc tế của TTCK. Yếu tố niềm tin sẽ phụ thuộc vào chính cách hành xử của cơ quan quản lý, hy vọng khi ra biển lớn những chiêu trò mang tính thao túng, lách luật sẽ giảm bớt trên TTCK Việt Nam.

Nhìn lại một năm đầy biến động của TTCK, tất cả chúng ta đều có những bài học cho riêng mình. Những bài học này có thể là sự trả giá bằng tiền, bằng niềm tin. Nhưng cao hơn hết chúng ta vẫn rất tin tưởng rằng cơ hội cho TTCK trong thời gian tới là rất lớn. Những thử thách dù khắc nghiệt cũng là hành trang để chúng ta thành công trong tương lại. Chỉ khi TTCK trở thành một kênh đầu tư lành mạnh có sự lan tỏa sâu rộng trong xã hội thì nền kinh tế Việt Nam mới có thể phát triển bền vững.

TS. Nguyễn Hồng Điệp

Giám đốc Công ty CP ViCK