Tận dụng cơ hội từ các FTA để thúc đẩy xuất khẩu

Cập nhật: 09:50 | 25/04/2022 Theo dõi KTCK trên

Kim ngạch xuất khẩu (XK) của Việt Nam năm 2021 ước đạt gần 336,25 tỷ USD, đã thực sự ghi dấu mốc quan trọng trong nền kinh tế. Bước vào năm 2022, nhiều khó khăn vẫn đang hiện hữu trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp (DN) vẫn luôn tin tưởng và kỳ vọng vào sự hồi phục của các ngành sản xuất.

Xuất khẩu thủy sản tăng mạnh trong quý I/2022

Đưa thương hiệu quốc gia Việt Nam ra toàn cầu

Phấn đấu tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 6 - 7%/năm

Đối diện nhiều thách thức mới

Theo báo cáo đánh giá của Bộ Công Thương, quý I/2022, xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 88,5 tỷ USD, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù đạt được kết quả khả quan, song nhìn tổng thể có rất nhiều vấn đề đặt ra với hoạt động xuất khẩu.

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải nhận định, thách thức lớn nhất trước mắt vẫn là tác động của đại dịch Covid-19. Mặc dù tại Việt Nam đã có sự thích ứng an toàn để khôi phục sản xuất, tuy nhiên tác động của dịch Covid-19 ở các thị trường khác cũng có thể ảnh hưởng đến Việt Nam.

Đặc biệt là hiện nay, dịch bệnh bắt đầu gia tăng ở Trung Quốc và với chính sách chống dịch của nước bạn bằng các lệnh phong tỏa rõ ràng đang tác động đến nguồn cung nguyên liệu của Việt Nam. Bên cạnh đó, vấn đề về giá cước vận chuyển, logistics, nhất là giá cước vận tải biển chưa có dấu hiệu hạ nhiệt cũng là khó khăn lớn đối với các DN xuất khẩu Việt Nam.

3325-xuatkhau
Ảnh minh họa

Đáng lo ngại, xung đột Nga - Ukraine cũng tác động không nhỏ đến hoạt động thương mại của Việt Nam. Dù Nga và Ukraine không phải là thị trường lớn của hàng Việt, song 2 quốc gia này cũng đang cung cấp một số nguyên liệu và nông sản như: Lúa mì, than, phân bón, sản phẩm kim loại… Nếu xung đột kéo dài sẽ tiếp tục dẫn đến giá đầu vào của các nguyên liệu cơ bản gia tăng.

Nhận diện những thách thức đối với hoạt động xuất khẩu hàng hóa Việt Nam, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, mặc dù Việt Nam đã từng bước khôi phục lại chuỗi cung ứng do tác động của dịch Covid-19, nhưng sự đứt gãy chuỗi cung ứng do các xung đột tại một số quốc gia đang đặt ra những thách thức mới.

Theo đó, hàng loạt cảng biển, cảng hàng không, thị trường hàng xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng. Trong khi đó, ngay tại thị trường trong nước, các DN đang phải đối diện với tình trạng thiếu hụt nhân công, thiếu hụt lao động có tay nghề, chi phí sản xuất tăng cao.

Thay đổi tư duy trong xuất khẩu

Trước tình trạng ùn ứ gây thiệt hại rất lớn vừa qua tại các cửa khẩu phía Bắc, bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, nguyên nhân chính gây ùn ứ vừa qua là do nước bạn tạm dừng thông quan ở hầu hết các cửa khẩu. Đến nay, tình hình nhiều cửa khẩu được thông quan trở lại, chính quyền Quảng Tây cho phép mở cửa khẩu Đông Hưng; mặt hàng thanh long bắt đầu được thông quan qua Lào Cai…

Nói về giải pháp căn cơ, bà Trang cho rằng cần nâng tầm chất lượng sản phẩm trái cây, nông sản, đa dạng hóa thị trường để khai thác tối đa các FTA đã ký kết. Địa phương cần xây dựng kế hoạch kết nối cung cầu, giao thương giữa các bên như ở phía Bắc để tránh ùn tắc; tiếp tục đàm phán về chất lượng và kiểm dịch để có nhiều loại quả hơn xuất sang Trung Quốc. Với hoạt động logistics cảng biển, khi XK đường bộ khó khăn càng đặt ra vai trò quan trọng để thúc đẩy XK đường sắt và đường thủy, tháo gỡ ùn tắc ở các cảng...

Ngoài ra, theo ông Trần Thanh Hải, để chuyển XK nông sản sang Trung Quốc từ đường bộ sang đường biển hiệu quả, phải thay đổi tư duy, thay đổi khách hàng, thiết lập lại mạng lưới bán hàng. Thực tế có nhiều DN Việt đã khai thác tốt đường biển, nhưng một số chủ hàng ngại thay đổi nên vẫn chấp nhận rủi ro đưa hàng đi đường bộ.

Để mở tuyến hoặc nâng cấp tuyến hiện có đi Trung Quốc, hãng tàu cần có sự cam kết ổn định về lượng hàng. Cùng với đó, các địa phương cần phát huy hơn nữa sự chủ động trong thông tin, hướng dẫn cho nông dân và thương lái để thay đổi phương thức giao dịch theo hướng bền vững, ổn định, giảm rủi ro; đồng thời cần kết nối từ sớm, từ xa, quy hoạch các kho lạnh, kho mát cho nông sản. “Đây là lúc để nông dân, thương lái, DN quyết định thay đổi và COVID-19 là một áp lực, một chất xúc tác cho quá trình thay đổi này”, ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.

Hiện, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc tập trung ở Móng Cái (Quảng Ninh), Lạng Sơn và Lào Cai. Ưu điểm của việc xuất khẩu qua đường bộ là phù hợp với số lượng nhỏ, cơ động, từ nhà vườn lên thẳng biên giới. Nhược điểm là năng lực thông quan thấp, dễ bị ùn tắc khi vào chính vụ.

Ở góc độ thúc đẩy XK nông sản sang Trung Quốc bằng đường biển, ông Hải cho rằng, đối với đường biển, Việt Nam xuất hàng hóa, nông, thủy sản cần sử dụng container lạnh. Ngược lại, Việt Nam nhập hàng khô từ Trung Quốc bằng container thường nên gây ra mất cân đối, thiếu vỏ container lạnh, bắt buộc phải nhập vỏ container lạnh rỗng từ Trung Quốc hoặc từ những nơi khác về.

Bên cạnh đó, hàng hóa vận chuyển bằng container lạnh đòi hỏi phải có ổ cắm điện trên tàu cũng như ở cảng, bãi để duy trì nhiệt độ thấp. Khi nhu cầu XK cao, số lượng ổ cắm điện sẽ không đủ để đáp ứng. Đây là những vấn đề mà các DN Việt Nam cần tính toán theo hướng lâu dài.

Tận dụng tối đa ưu đãi từ các FTA

Năm 2022, ngành Công thương đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6 - 8% so với năm 2021. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Bộ Công Thương xác định cơ hội lớn nhất đến từ các FTA mà Việt Nam đã ký kết và thực thi.

Phân tích rõ hơn về yếu tố này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, gần đây, Việt Nam đã liên tiếp có các FTA ở quy mô lớn và mức độ cam kết sâu, với những đối tác thương mại đều là thị trường có quy mô lớn, nhu cầu cao. Đáng mừng là trên thực tế, các FTA này đã bước đầu phát huy được hiệu quả đáng kể.

Đơn cử, trong Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), những quốc gia mới tham gia FTA với Việt Nam như Mexico, Peru đều có mức tăng trưởng xuất khẩu đạt ở mức 25 - 35%, đây là cơ hội rất rõ ràng cho DN Việt Nam.

Hay Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đang triển khai, gồm một số thị trường truyền thống trong khối châu Á và một số đối tác khác, nhưng với một cơ chế và cam kết sâu hơn sẽ tạo thuận lợi cho các DN Việt Nam có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu. Bên cạnh đó, RCEP bao gồm các thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản đều là những nước đang cung cấp nguồn nguyên liệu cho Việt Nam. Do đó, việc tham gia cùng với những quốc gia khác trong RCEP sẽ tạo ra sự luân chuyển hàng hóa, giúp Việt Nam có thể kết nối các chuỗi cung ứng của đầu ra - đầu vào tốt hơn.

Đề cập về giải pháp đối với các DN Việt nhằm tận dụng tốt hơn nữa những cơ hội từ các FTA, PGS.TS Phạm Tất Thắng - Chuyên gia cao cấp Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương) lưu ý, các DN cần hết sức coi trọng việc tận dụng RCEP, nhất là thị trường Trung Quốc.

"Từ trước đến nay, chúng ta khai thác thị trường Trung Quốc chủ yếu thông qua xuất khẩu tiểu ngạch. Tuy nhiên, với RCEP mở ra khả năng và yêu cầu chúng ta phải thay đổi cung cách làm ăn và coi đây là thị trường cấp cao. Nếu thay đổi cách nghĩ, cách làm sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho DN Việt" – PGS.TS Phạm Tất Thắng nhấn mạnh.

Nhiều chuyên gia kinh tế đồng quan điểm, việc ký kết RCEP đòi hỏi DN phải có nhận thức lại đối với thị trường Trung Quốc và ASEAN. Bởi nếu tận dụng được lợi thế từ RCEP, Việt Nam sẽ đa dạng hóa được thị trường, từ đó thúc đẩy hoạt động xuất khẩu bền vững.

Minh Phương

Tin cũ hơn
Xem thêm