So với cùng kỳ năm 2017, xuất khẩu lâm sản tăng trưởng trên 16%

Cập nhật: 10:51 | 31/10/2018 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Giá trị xuất khẩu lâm sản chính 10 tháng đầu năm 2018 ước đạt 7,612 tỷ USD, tăng 16,12% so với cùng kỳ năm 2017, Tổng Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết.  

Hiện, cả nước đã trồng 186.834ha rừng, bằng 105% so cùng kỳ 2017 và hoàn thành 87,1% so với kế hoạch năm 2018. Trong đó, trồng rừng phòng hộ, đặc dụng: 11.466ha, đạt 80,5% kế hoạch năm và 110% so cùng kỳ 2017. Trồng rừng sản xuất: 175.368ha (trồng mới 47.356ha, trồng lại sau khai thác 127.623ha), đạt 89,6% kế hoạch năm, bằng 105,3% so cùng kỳ 2017.

Đến ngày 24/10/2018, cả nước đã chuẩn bị được gần 663,5 triệu cây giống các loại, bằng 128,3% so cùng kỳ 2017. Trong đó, trồng cây phân tán: 47 triệu cây, đạt 79,6% kế hoạch năm, bằng 103% so cùng kỳ 2017.

so voi cung ky nam 2017 xuat khau lam san tang truong tren 16
Hình minh họa.

Cũng theo Tổng cục Lâm nghiệp, lĩnh vực khai thác rừng trồng tập trung tạo nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến ước tính trong tháng 10 22.000ha, sản lượng khoảng 1,63 triệu m3. Lũy kế từ đầu năm ước đạt 15,47 triệu m3 (bằng 83,5 % kế hoạch năm 2018), tăng khoảng 4% so cùng kỳ 2017.

Trong tổng số 2.557 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng, Quỹ Trung ương thu được: 1.974,7 tỷ đồng (đạt 117,7% kế hoạch năm 2018); Quỹ tỉnh thu được: 582 tỷ đồng (đạt 89% kế hoạch năm 2018). Quỹ Trung ương đã thực hiện điều phối tiền cho các tỉnh là 1.427,4 tỷ đồng đạt 85,5% kế hoạch năm 2018.

Đặc biệt, xuất nhập khẩu lâm sản tiếp tục tăng trưởng trên 16% so với năm 2017. Cụ thể, giá trị xuất khẩu lâm sản chính 10 tháng đầu năm 2018 ước đạt 7,612 tỷ USD (bằng 84% kế hoạch năm), tăng 16,12% so cùng kỳ 2017, chiếm 23,37% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 7,23 tỷ USD, tăng 16,12%. Giá trị xuất siêu của lâm sản chính 10 tháng ước đạt 5,72 tỷ USD.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, thay vì phải phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu thì hiện nay, lượng gỗ rừng trồng khai thác trong nước đạt 25 triệu mét khối, đáp ứng đến 75% nhu cầu, điều này giúp các doanh nghiệp chủ động nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp, trong khi đời sống của người trồng rừng cũng được cải thiện.

Thị trường xuất khẩu chủ yếu là các quốc gia: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và EU, chiếm khoảng 87% kim ngạch xuất khẩu. Trong 9 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu tại các thị trường chính này đều có tăng trưởng tốt so cùng kỳ 2017.

Đặc biệt, với việc Việt Nam và EU vừa ký Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) sẽ giúp thúc đẩy xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ sang thị trường EU trong thời gian tới.

Dù vậy, những hạn chế của ngành gỗ vẫn đang khiến nhiều tiềm năng đang bị lãng phí. Đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam thừa nhận một thực tế, tình trạng xuất khẩu nguyên liệu sản phẩm thô vẫn còn nhiều. Đó là chưa kể tình trạng bán “rừng non” vẫn phổ biến do người trồng rừng chưa có đủ tiềm lực kinh tế. Theo các chuyên gia về rừng, độ tuổi đẹp nhất để khai thác là khi rừng được 10 năm tuổi, nhưng phần lớn người trồng rừng ở Việt Nam khai thác khi cây mới được 5 – 6 tuổi khiến giá trị kinh tế giảm đi nhiều lần. Chính vì vậy, để đảm bảo phát triển rừng bền vững, việc liên kết với các doanh nghiệp là một đòi hỏi tất yếu.

Nguyễn My

Tin cũ hơn
Xem thêm