Sản phẩm Cổ Mộc Lan: "Nhập nhèm" công dụng đánh lừa người tiêu dùng?

Cập nhật: 07:09 | 27/08/2018 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Sản phẩm nhãn hiệu Cổ Mộc Lan nhập nhèm giữa thuốc và mỹ phẩm khiến người tiêu dùng hoang mang vì được quảng cáo rầm rộ và bán tràn lan trên thị trường.

“Nhập nhèm” giữa thuốc và mỹ phẩm?

Thời gian qua trên thị trường xuất hện nhiều loại mỹ phẩm được các đơn vị phân phối giới thiệu về công dụng tương tự như thuốc nhằm đánh lừa người tiêu dùng, khiến họ nhầm tưởng đây là thuốc chữa bệnh.

Không quá khó để chúng tôi đặt mua sản phẩm có tên "Serum tái tạo" nhãn hàng Cổ Mộc Lan. Sản phẩm này được bán với giá 450.000 đồng. Nhãn sản phẩm ghi phân phối độc quyền bởi Công ty TNHH Cổ Mộc Lan, địa chỉ 218 Hồ Văn Huê, quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh.

san pham co moc lan nhap nhem cong dung danh lua nguoi tieu dung
Sản phẩm Serum tái tạo - Nhãn hàng Cổ Mộc Lan

Sản phẩm này được giới thiệu là “Thuốc Cổ Mộc Lan điều trị mụn, thâm, rỗ,…” và bên trong có một tờ giấy ghi “Hướng dẫn sử dụng thuốc đặc trị Cổ Mộc Lan”.

Điều bất thường là tài khoản Facebook của người bán có thể hiện hình ảnh 1 số tiếp nhận phiếu công bố mỹ phẩm do Sở Y tế TP. Hà Nội cấp cho “Serum tái tạo”.

Trên phiếu công bố mỹ phẩm ghi mục đích sử dụng của “Serum tái tạo” gồm: “Dưỡng da, làm mềm mịn da. Giúp ngăn ngừa mụn và làm mờ vết thâm mụn trên da. Góp phần thúc đẩy quá trình tái tạo tế bào da mới”. Thế nhưng nhãn sản phẩm mà chúng tôi lưu giữ lại ghi công dụng là: “Điều trị hiệu quả tất cả các loại mụn khác nhau, ngay cả với loại mụn sưng đỏ có nguy cơ nhiễm khuẩn…”.

Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế đã từng ban hành văn bản hướng dẫn phân loại và công bố tính năng mỹ phẩm. Theo đó, từ mang ý nghĩa chữa cho khỏi như “điều trị” không được chấp nhận trong việc công bố tính năng mỹ phẩm.

Như vậy, sản phẩm này có thật sự được cơ quan chức năng cấp phép để lưu thông ra thị trường không? Hay là đơn vị phân phối cố tình ghi nhãn không đúng với giấy phép để đánh lừa người tiêu dùng về tính năng, công dụng sản phẩm?

Nhãn mác sơ sài, nghi sản xuất chui

Trong quá trình thu thập thôn tin chúng tôi phát hiện ra một sản phẩm, cũng là nhãn hàng Cổ Mộc Lan có tên “Đặc trị hôi nách”.

san pham co moc lan nhap nhem cong dung danh lua nguoi tieu dung
Sản phẩm đặc trị hôi nách - Nhãn hàng Cổ Mộc Lan

So với “Serum tái tạo” thì nhãn của “Đặc trị hôi nách” lại khá “sơ sài” và thiếu rất nhiều thông tin theo quy định, cụ thể: Tên và địa chỉ của đơn vị phân phối; ngày sản xuất; tên nước sản xuất…

Đặc biệt, tại mục thành phần không ghi rõ sản phẩm này gồm những thành phần công thức nào theo danh pháp quốc tế mà chỉ nêu chung chung: “Các dược liệu quý trong đông y gia truyền”.

Thế nên, không rõ nhà sản xuất có đưa chất cấm gây hại đến sức khỏe con người vào trong sản phẩm này không?

Thực tế cho thấy có rất nhiều loại thành phần bị cơ quan chức năng cấm đưa vào sản xuất thuốc và mỹ phẩm như: Dioxin, Triclosan, Phthalates... bởi chúng có thể gây ra các chất như độc hại gây dị ứng, ung thư, suy giảm miễn dịch, rối loạn thần kinh, vô sinh và dị dạng ở thai nhi.

Do đó pháp luật có quy định ghi thành phần công thức trên sản phẩm phải phù hợp với hồ sơ công bố hoặc đăng ký với cơ quan chức năng.

Bên cạnh đó, việc nhãn không được ghi đầy đủ các thông tin theo quy định của pháp luật, không rõ nguồn gốc, xuất xứ làm dấy lên nghi vấn sản phẩm này không được sản xuất tại nhà máy đạt chuẩn mà sản xuất thủ công, đóng gói tuồn ra thị trường. Nếu đây là sự thật sẽ là mối nguy hại không lường với sức khỏe người tiêu dùng.

Theo Thông tư 06/2011/TT-BYT của Bộ Y tế, cơ quan tiếp nhận và giải quyết hồ sơ công bố mỹ phẩm sẽ là Sở Y tế nơi đặt nhà máy sản xuất. Chúng tôi sẽ liên hệ Sở Y tế TP. Hà Nội cùng tỉnh Bến Tre để tìm hiểu rõ thông tin về nhà sản xuất, đơn vị phân phối và tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Theo một số chuyên gia pháp lý thì, trường hợp sản phẩm mỹ phẩm đã được cơ quan có thẩm quyền cấp số tiếp nhận phiếu công bố mỹ phẩm nhưng lại ghi nhãn không đúng bản chất, tính năng vốn có của sản phẩm sẽ bị thu hồi số tiếp nhận phiếu công bố mỹ phẩm theo điểm d Khoản 1 Điều 46 của Thông tư 06/2011/TT-BYTcủa Bộ Y Tế

Đinh Thảo Ninh Hồ

Tin cũ hơn
Xem thêm