“Ông lớn” hàng hải báo lãi sụt giảm hơn 30% trong năm 2023

Cập nhật: 12:40 | 31/01/2024 Theo dõi KTCK trên

Năm 2023, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam ghi nhận doanh thu thuần đạt 12.813 tỷ đồng, giảm 10,7%; lợi nhuận trước thuế đạt 2.114 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.689 tỷ đồng, lần lượt giảm giảm 30,8% và 33,5% so với năm trước.

Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC, MCK: MVN) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2023 với mức lãi sau thuế đạt 418,5 tỷ đồng, tăng gấp 2,4 lần so với cùng kỳ năm 2022. Trong quý cuối năm này, VIMC báo doanh thu thuần đạt 3.395,3 tỷ đồng, tăng nhẹ 2,3% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn tăng cao đã kéo theo lợi nhuận gộp giảm 30,4% về cong 506 tỷ đồng.

Doanh thu tài chính trong kỳ của công ty tăng 6,3% lên 166,4 tỷ đồng; trong khi đó, chi phí tài chính giảm tới 93% so với cùng kỳ xuống còn 10,6 tỷ đồng; Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đều được tiết giảm lần lượt còn 41,2 tỷ đồng và 401,3 tỷ đồng.

Kỳ này, lãi từ công ty liên doanh, liên kết giảm 5,7% về còn 41,2 tỷ đồng. Đáng chú ý, khoản thu nhập khác của VIMC tăng đột biến gấp 5,4 lần, đạt 306,7 tỷ đồng đã giúp cho lãi sau thuế quý IV của doanh nghiệp tăng cao.

Theo thuyết minh, thu nhập khác của VIMC tăng chủ yếu do ghi nhận nợ được xoá, cơ cấu nợ với ngân hàng 175,3 tỷ đồng (cùng kỳ không được ghi nhận); thu nhập từ thanh lý tài sản tăng hơn 22 tỷ lên 69,1 tỷ đồng; các khoản thu nhập khác đạt 45,3 tỷ đồng…

5804-vimc
Tổng công ty Hàng hải (VIMC) công bố báo cáo tài chính quý IV/2023

Luỹ kế năm 2023, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 12.813 tỷ đồng, giảm 10,7%. Lợi nhuận trước thuế đạt 2.114 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.689 tỷ đồng, lần lượt giảm giảm 30,8% và 33,5% so với năm 2022.

VIMC cho biết, từ đầu năm 2023, tình hình kinh tế thế giới bị ảnh hưởng bởi hậu quả của dịch bệnh Covid-19, xung đột ở Ukraine, lãi suất tăng cao, nhu cầu tiêu dùng ở nhiều nước bị sụt giảm đã ảnh hưởng lớn đến thị trường vận tải biển quốc tế.

Ngoài ra, nguồn cung thị trường tàu rời, tàu container tăng trưởng mạnh mẽ, giá nhiên liệu tiếp tục tăng cao trong kỳ cũng gây ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty, đặc biệt là hoạt động khai thác đội tàu. Do đó, năm 2023 tổng lợi nhuận kế toán trước thuế chỉ đạt 2.1 14 tỷ đồng bằng 69% so với cùng kỳ năm trước.

Tại thời điểm ngày 31/12/2023, VIMC ghi nhận tổng tài sản ở mức 27.507,9 tỷ đồng, tăng nhẹ 2,1% so với số hồi đầu năm. Trong đó, VIMC có 8.033,7 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng, chiếm 29,2% tổng tài sản. Hàng tồn kho giảm hơn 96 tỷ đồng về còn hơn 495 tỷ đồng. Các khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn đạt 3.845 tỷ đồng.

Về cơ cấu nguồn vốn, tổng nợ phải trả của VIMC giảm nhẹ xuống mức 12.148 tỷ đồng, trong đó, nợ vay tài chính là 3.288 tỷ đồng. Tính đến hết năm 2023, vốn chủ sở hữu của VIMC đạt 15.359,5 tỷ đồng. Công ty đang ghi nhận lỗ luỹ kế gần 245 tỷ đồng.

Tính đến cuối tháng 12/2023, hệ thống cảng của VIMC gồm 84 cầu cảng có tổng chiều dài 13.882 m, chiếm hơn 26% tổng số cầu cảng và gần 17% tổng số chiều dài cầu cảng của cả nước, công suất thiết kế hệ thống cảng của VIMC khoảng 60 triệu tấn hàng rời và hơn 6,5 triệu TEU hàng container.

Tổng công ty cũng sở hữu, quản lý đội tàu gồm 59 chiếc, trong đó có 4 tàu dầu (chiếm 5% tổng trọng tải đội tàu VIMC), 10 tàu container (chiếm 7% tổng trọng tải đội tàu VIMC), 45 tàu hàng khô (chiếm 88% tổng trọng tải đội tàu VIMC). Tuổi tàu trung bình là 20 tuổi. Tổng trọng tải đội tàu khoảng 1,3 triệu DWT, trọng tải bình quân 23.019 DWT/tàu. Đội tàu của VIMC chiếm trọng tải tương đương khoảng 21% đội tàu của Việt Nam.

Năm 2024, VIMC vẫn kiên trì, quyết tâm giữ vững thị trường, thị phần, khách hàng, tập trung phát triển cảng nước sâu, đội tàu container đồng thời tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đào tạo nhân tài, phát triển nguồn nhân lực.

Bên cạnh đó, VIMC cũng sẽ ưu tiên nguồn lực cho các dự án đầu tư trọng điểm như phát triển đội tàu vận tải thế hệ mới, xây dựng hệ thống cảng biển hiện đại đảm bảo đáp ứng với các quy định, tiêu chuẩn, hướng đến mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững.

Cùng với đó, đảm bảo tiến độ triển khai các dự án đầu tư đặc biệt: dự án đầu tư bến 3,4 cảng Lạch Huyện, dự án trọng điểm cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, dự án cảng nước sâu Liên Chiểu.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tái cơ cấu tổ sản xuất kinh doanh, tài chính, tái cơ cấu đội tàu vận tải biển, triển khai mạnh mẽ chương trình quản lý chi phí hiệu quả nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của doanh nghiệp thành viên.

Mở rộng và hoàn thiện hệ sinh thái cảng biển - vận tải biển - logistics của VIMC thông qua việc tham gia đầu tư dự án cơ sở hạ tầng logistics, ICD, kho bãi…

VIMC đặt ra kế hoạch sản xuất kinh doanh với sản lượng vận tải biển năm 2024 phấn đấu đạt 15,8 triệu tấn, đạt 76% ước thực hiện năm 2023, do thanh lý, giảm số lượng tàu. Còn sản lượng khối cảng biển đạt 123,7 triệu tấn, đạt 109% ước thực hiện 2023. Doanh thu 17.742 tỷ đồng, đạt 99% so với thực hiện 2023 và lợi nhuận 2.169 tỷ đồng, đạt 104%, cao hơn năm 2023 do thanh lý tàu già hết khấu hao.

Tập đoàn vận tải biển lớn nhất thế giới muốn làm dự án 6 tỷ USD tại cảng Cần Giờ

MSC hiện đang sở hữu hoặc thuê lượng tàu có thể chuyên chở được 4.284.728 container, vượt qua tổng khả năng chuyên chở 4.282.840 container ...

Lùm xùm việc Ngân hàng MSB bị tố vi phạm nghĩa vụ bảo lãnh thanh toán

Công ty CP Lizen (HOSE: LCG) phản ánh Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (HOSE: MSB) - Chi nhánh Sài Gòn (gọi tắt là: ...

Tăng 10% giá sàn nâng hạ container tại các cảng biển, các doanh nghiệp hàng hải ảnh hưởng như thế nào?

Sau khi Thông tư 39 chính thức được thông qua, SSI Research tiếp tục đưa ra đánh giá về sự tác động của việc tăng ...

Tiểu Vy