Những thách thức nào cho ngành dệt may trong những tháng cuối năm 2021?

Cập nhật: 10:10 | 08/10/2021 Theo dõi KTCK trên

Theo dự báo của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), 3 tháng cuối cùng còn lại của năm 2021 sẽ cực kỳ khó khăn với doanh nghiệp dệt may trong nước. Trong đó có những thách thức không thể giải quyết trong một sớm một chiều.

Xuất khẩu đường Thái Lan sang Việt Nam tiếp tục 'chìm đáy'

Dự báo xuất khẩu thủy sản chưa thể hồi phục vào tháng 10/2021

Xuất khẩu thủy sản: Điểm sáng trong quan hệ thương mại Việt Nam-Australia

Theo số liệu thống kê của VITAS, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may 9 tháng đầu năm đạt 29 tỷ USD, tăng 13,2% so với cùng kỳ 2020 nhưng giảm 0,04% so với cùng kỳ 2019.

Do dịch bệnh Covid-19 và những diễn biến phức tạp của nó trong 9 tháng vừa qua đã khiến khiến tăng trưởng xuất khẩu của ngành dệt may theo chiều hướng giảm dần trong từng quý.

Mới đây, tại Hội thảo trực tuyến về "Dự báo tình hình dệt may năm 2022" tổ chức gần đây, Tập đoàn Dệt may Việt Nam cũng nhận diện nhiều thách thức các doanh nghiệp thành viên sẽ phải đối mặt trong quý IV/2021 và năm 2022. Trong đó, doanh nghiệp phía Nam khó khăn nhất là việc thiếu hụt lao động, đến thời điểm mở cửa lượng lao động trở lại nhà máy không đủ để đảm bảo hoạt động sản xuất…

0859-nganhdetmay
Ảnh minh họa

Doanh nghiệp khu vực miền Trung và miền Bắc dù ít bị ảnh hưởng hơn nhưng cũng phải chi phí rất nhiều cho duy trì sản xuất như chi phí test Covid-19, bố trí lao động "3 tại chỗ"… Cùng đó, năm 2021, thị trường sợi tương đối tốt nhưng năm 2022 ngành sợi sẽ khó đoán định, do đó lãnh đạo các doanh nghiệp sợi phải có sự giám sát chặt chẽ biến động của thị trường này.

Trước thông tin trên, Chủ tịch VITAS - ông Vũ Đức Giang cho biết, thâm hụt lao động từ nay đến cuối năm sẽ vào khoảng 35-37%. Mặc dù TP.HCM và các tỉnh, thành phố phía Nam đang dần mở cửa trở lại trong tháng 10, vẫn rất khó để công nhân quay trở lại làm việc vì chỉ còn vài tháng sẽ đến Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán. Chưa kể đến việc nhiều địa phương đang áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 là rào cản trong việc tìm nguồn lao động thay thế.

Theo đó, để vượt qua khó khăn, hiệp hội cho rằng cần sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp và chính quyền địa phương trong việc thực hiện các phương án chống dịch song hành cùng phương án sản xuất bảo đảm mục tiêu "sống chung an toàn với dịch để phục hồi kinh tế".

Với dự báo như vậy, theo VITAS, mục tiêu đạt 39 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu năm 2021 sẽ rất khó khăn. Hiệp hội cũng đưa ra 3 kịch bản về đích cho năm 2021 của ngành: Thứ nhất cũng là kịch bản tích cực nhất, Việt Nam khống chế được dịch bệnh và thực hiện "bình thường mới" từ đầu tháng 10/2021, xuất khẩu dự kiến đạt khoảng 37,5 – 38 tỷ USD. Thứ hai là kịch bản trung bình, nếu tình hình dịch bệnh vẫn phức tạp, còn có một số địa phương, khu công nghiệp bị phong tỏa, cách ly trong tháng 11/2021, xuất khẩu cả năm dự kiến đạt khoảng 36 – 36,5 tỷ USD. Kịch bản kém tích cực nhất, tình hình dịch bệnh còn phức tạp đến đầu tháng 12/2021, xuất khẩu của ngành dự kiến chỉ đạt 33,5 – 34 tỷ USD.

Để các doanh nghiệp dệt may có thể vượt qua khó khăn, ngoài sự nỗ lực của bản thân doanh nghiệp, VITAS cho rằng, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp và chính quyền địa phương trong việc thực hiện các phương án chống dịch, phương án sản xuất để thực hiện mục tiêu kép và chủ trương "sống chung an toàn với dịch để phục hồi kinh tế" của Chính phủ. Tìm mọi cách không để cho chuỗi cung ứng ngành dệt may bị đứt gãy. Bố trí sản xuất theo các phương án "3 tại chỗ" "1 cung đường – 2 điểm đến", "4 xanh" ở những nơi có thể bố trí được, doanh nghiệp hỗ trợ nhau thực hiện đơn hàng dang dở...

Các doanh nghiệp làm việc với khách hàng để tranh thủ sự chia sẻ trong lúc khó khăn, chấp nhận giãn tiến độ giao hàng, không hủy đơn hàng chuyển đi nơi khác. Quan tâm đến người lao động đang còn làm việc tại doanh nghiệp, cũng như những người nghỉ không lương, ngừng chờ việc để họ gắn bó với doanh nghiệp sẵn sàng đi làm khi hết dịch. Tập trung rà soát, làm thủ tục kịp thời cho những người là đối tượng được hưởng trợ cấp nhà nước.

Nhận định về thị trường dệt may năm 2022, ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) cho hay, thị trường thế giới sẽ tiếp tục phục hồi nhu cầu bằng năm 2019 (trước dịch), đặc biệt ở các nước phát triển. Tuy nhiên, giá nguyên liệu đầu vào của ngành dệt may như bông, xơ, sợi, vải tiếp tục xu thế tăng; logistics vẫn tăng giá cao sẽ là thách thức với doanh nghiệp.

Tại thị trường trong nước, ông Trường cho rằng nửa đầu năm 2022, các doanh nghiệp ngành dệt may sẽ vẫn phải thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh cho đến khi việc tiêm vaccine phủ được 75% dân số và đạt mức miễn dịch cộng đồng. Nửa cuối năm 2022, các doanh nghiệp sẽ thích nghi và yên tâm làm việc trong điều kiện "bình thường mới".

Ngoài ra, nếu phục hồi khoảng 90% người lao động làm việc tại các đơn vị phía Nam thì năm 2022, Vinatex có khả năng đạt được doanh thu ngang với năm 2019. Bên cạnh những khó khăn và thách thức mà lĩnh vực dệt may đang phải đối mặt trong 3 tháng cuối năm 2021, xuất khẩu nông nghiệp cả năm của Việt Nam dự kiến đạt 44 tỷ USD.

Trong bối cảnh hiện nay, tuyển dụng đủ lao động và người lao động được tiêm vaccine sẽ tạo điều kiện tốt cho doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kịp thời giao hàng, trả hàng trong thời gian đến cuối năm. Điều này không chỉ giúp nâng cao uy tín của hàng dệt may Việt Nam hiện nay mà cũng tạo nguồn lợi nhuận, tạo tiền đề cho sự bứt phá trở lại những năm tới…

Thu Uyên (Tổng hợp)

Tin cũ hơn
Xem thêm