Nguy cơ sở hữu chéo từ phương án giao dịch lô lẻ?

Cập nhật: 15:17 | 13/08/2021 Theo dõi KTCK trên

Nếu việc giảm lô giao dịch từ 100 về 10 cổ phiếu được thực hiện, nhà đầu tư và các tổ chức tài chính trung gian sẽ giảm được gánh nặng bán - mua quá nhiều cổ phiếu lô lẻ. Tuy nhiên, vẫn còn đó một vướng mắc lớn liên quan đến cổ phiếu lô lẻ, cần được hiểu thấu đáo và gỡ vướng cho thị trường.

Cổ phiếu lô lẻ được giao dịch trong đợt khớp lệnh liên tục

Như kinhtechungkhoan.vn đã thông tin mới đây, tại cuộc họp báo Chính phủ ngày 11/8/2021, lãnh đạo Bộ Tài chính đã thông báo về phương án triển khai các giải pháp để sớm nhất trong tháng 8, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) có thể quay lại lô giao dịch 10, từ mức lô 100 cổ phiếu hiện nay.

Nếu việc giảm lô được thực hiện, nhà đầu tư và các tổ chức tài chính trung gian sẽ giảm được gánh nặng bán - mua quá nhiều cổ phiếu lô lẻ. Tuy nhiên, vẫn còn đó một vướng mắc lớn liên quan đến cổ phiếu lô lẻ, cần được hiểu thấu đáo và gỡ vướng cho thị trường.

Theo ông Nhữ Đình Hòa, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), hoạt động mua cổ phiếu lẻ là một trong các nghiệp vụ các công ty chứng khoán phải thực hiện để hỗ trợ khách hàng đầu tư chứng khoán.

Tại BVSC, tuy không thực hiện thường xuyên nhưng định kỳ Công ty vẫn phải tổ chức các đợt mua cổ phiếu lẻ cho khách hàng, đặc biệt khi HOSE thực hiện nâng lô giao dịch từ 10 lên 100 cổ phiếu, khiến lượng cổ phiếu lô lẻ trong các tài khoản của nhà đầu tư nhiều hơn. Các mã cổ phiếu lẻ BVSC hiện nắm giữ chủ yếu nằm trên sàn HOSE.

Thực hiện trách nhiệm của công ty chứng khoán với khách hàng của mình, có thời điểm BVSC sở hữu trên 300 mã cổ phiếu phát sinh do nghiệp vụ mua cổ phiếu lẻ (dưới 100 cổ phiếu gọi là lô lẻ). Hoạt động này hoàn toàn khác với hoạt động đầu tư tự doanh của Công ty. Với danh mục đa dạng trong khi hệ thống giao dịch của HOSE chưa hỗ trợ giao dịch cổ phiếu lẻ, BVSC không có cơ chế nào có thể xử lý gọn lại số cổ phiếu lẻ.

Vấn đề phát sinh khi soi chiếu vào Luật Doanh nghiệp. Tại Điều 195, Luật Doanh nghiệp có quy định: “Các công ty con có cùng một công ty mẹ là doanh nghiệp có sở hữu ít nhất 65% vốn Nhà nước không được cùng nhau góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp khác hoặc để thành lập doanh nghiệp mới theo quy định của Luật này”.

BVSC là 1 trong 5 công ty con của cùng Tập đoàn Bảo Việt. Theo Báo cáo thường niên năm 2020, Bộ Tài chính, SCIC đang đại diện cho Nhà nước sở hữu 67,98% vốn cổ phần tại Tập đoàn Bảo Việt. Với mức sở hữu Nhà nước như trên, quy định tại Điều 195, Luật Doanh nghiệp không cho phép các công ty của cùng hệ thống Tập đoàn được cùng sở hữu một loại cổ phiếu.

Nội dung tại Điều 195, Luật Doanh nghiệp nhằm hạn chế tình trạng sở hữu chéo giữa các công ty con trong cùng tập đoàn, nhưng quy định này đã không tính đến trường hợp việc sở hữu cổ phiếu lẻ của công ty chứng khoán chỉ là tạm thời, nhằm giúp nhà đầu tư trong giai đoạn nhà đầu tư không thể bán được các cổ phiếu lẻ qua sàn giao dịch.

Từ thực tế phát sinh cho thấy, quy định hạn chế sở hữu chéo nếu áp dụng đối với cả công ty chứng khoán mua cổ phiếu lô lẻ nhằm hỗ trợ nhà đầu tư là không phù hợp.

Theo ông Nhữ Đình Hòa, việc đầu tư tài chính (mua bán nhanh, quay vòng hưởng chênh lệch giá) của các công ty con thuộc cùng một công ty mẹ cũng nên loại trừ khỏi quy định về chế sở hữu chéo, bởi đây là hoạt động đầu tư thông thường, các công ty con không thể nắm thông tin thường ngày về danh mục đầu tư của nhau khi mức sở hữu một mã cụ thể nào đó chưa chạm đến ngưỡng phải công bố thông tin ra thị trường.

Quy định về hoạt động đầu tư cần được nhìn nhận đúng với bản chất của các loại giao dịch trên thị trường.

“Trong việc giám sát sở hữu chéo, Luật Doanh nghiệp và các văn bản liên quan nên sửa theo hướng các công ty con của cùng một công ty mẹ không được cùng sở hữu quá 5% cổ phần tại một doanh nghiệp, còn dưới mức này thì không nên cấm”, ông Hòa nói.

Bên cạnh việc chờ đợi TP. HCM sớm vượt qua khó khăn đại dịch COVID-19 để việc thực thi chỉ đạo giảm đơn vị lô từ 100 xuống 10 cổ phiếu tại HOSE trở nên khả thi, vướng mắc về việc sở hữu chéo tính cả cổ phiếu lẻ, cổ phiếu đầu tư tài chính như câu chuyện thực tế trên, rất cần được các cơ quan quản lý ghi nhận để sớm có giải pháp gỡ vướng để tạo môi trường pháp lý thông thoáng, chuẩn mực cho các thành viên và TTCK Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững.

Hệ thống giao dịch KRX sẽ có riêng bảng giao dịch lô lẻ cho nhà đầu tư

Tại tọa đàm trực tuyến "Nhận diện thị trường chứng khoán nửa cuối năm 2021", bà Nguyễn Thị Việt Hà, Thành viên phụ trách HĐQT ...

Nhà đầu tư phản ứng thế nào về đề xuất trở lại giao dịch lô 10?

Bộ Tài chính vừa có văn bản yêu cầu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) khẩn trương báo cáo việc áp dụng lô tối ...

Nâng lô tối thiểu lên 1.000 đối với cổ phiếu mệnh giá dưới 30.000 đồng

Theo ông Lê Hải Trà, việc nâng lô cổ phiếu lên 1.000 với các cổ phiếu có thị giá dưới 30.000 đồng trong khi các ...

Hữu Dũng T/H