Ngân hàng đang tối ưu chi phí nhằm cải thiện "sức khỏe"

Cập nhật: 10:53 | 02/10/2020 Theo dõi KTCK trên

Một trong những chỉ số được nhắc đến nhiều trong vài năm trở lại đây đó là tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn trên tiền gửi khách hàng (CASA) của các ngân hàng.

4809-toiuuhoa2
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Việc duy trì tỷ lệ CASA cao sẽ giúp các ngân hàng giảm chi phí vốn đầu vào, qua đó tăng hiệu quả kinh doanh. Nếu nguồn vốn không kỳ hạn có thể duy trì được tăng trưởng tốt so với tổng huy động thì sẽ có khả năng bù đắp cho việc tăng chi phí từ huy động có kỳ hạn nhất là kỳ hạn dài và cả phát hành trái phiếu.

Kinh nghiệm trên thế giới, để tăng CASA, nhiều ngân hàng phát triển hệ thống thanh toán hiện đại, có khả năng đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng nhằm tăng cường số lượng các giao dịch chuyển tiền qua ngân hàng. Mục tiêu đơn giản đó là làm sao để khách hàng gần như không bao giờ cần phải rút tiền ra để thực hiện bất kỳ một giao dịch nào. Hay nói cách khác, ngân hàng phải trở thành một ngân hàng thanh toán thực thụ. Chính vì vậy, thời gian vừa qua khá nhiều ngân hàng đã theo đuổi chiến lược ngân hàng số, chú trọng mở rộng thanh toán để cải thiện CASA.

Các ngân hàng tận dụng tối đa những lợi thế của mình hoặc tạo ra những giải pháp đột phá trong thanh toán. Chẳng hạn như MB tận dụng số lượng lớn tài khoản và hệ thống thanh toán, chi trả lương của lực lượng quân đội. Còn Techcombank phát huy hiệu quả ưu thế từ chương trình zero free và cash back thu hút được lượng lớn tài khoản thanh toán.

Theo thống kê từ các ngân hàng công bố báo cáo tài chính quý II/2020, trong top 3 ngân hàng có tỷ lệ CASA cao nhất tính đến tháng 6/2020, MB và Techcombank cùng giữ vị trí “quán quân” về tỷ lệ CASA ở mức 32,6%. Tiếp đến là Vietcombank có tỷ lệ CASA ở mức 26,5%; MaritimeBank cũng có tỷ lệ CASA ở mức 21%...

Chia sẻ với báo giới, ông Phùng Quang Hưng - Giám đốc điều hành Techcombank cho hay ngân hàng tập trung vào chất lượng dịch vụ, những hoạt động giao dịch cơ bản hàng ngày của khách hàng để tạo sự tiện lợi cho khách hàng. Nhờ vậy, ngân hàng đã tạo ra cơ sở khách hàng mà trong ngân hàng gọi là có tính kết dính và tạo ra CASA cao. Tỷ lệ CASA giúp cho biên lãi ròng và chi phí huy động vốn của Techcombank được tối ưu.

Trước những lợi ích mà CASA mang lại, thời gian gần đây, nhiều ngân hàng tung ra nhiều giải pháp thanh toán hiện đại, chấp nhận miễn phí tài khoản, chuyển tiền, thanh toán nhằm thu hút khách hàng mở tài khoản thanh toán, từ đó duy trì lượng tiền gửi không kỳ hạn lớn để tăng tỷ lệ CASA. Chẳng hạn, VPBank có chính sách miễn phí chuyển tiền trong 3 tháng cho khách hàng kích hoạt dịch vụ ngân hàng điện tử trong một thời hạn nhất định. ACB thì kỳ vọng sẽ tăng gấp đôi số tài khoản có tiền gửi thanh toán trong 2 năm tới lên 5 triệu tài khoản, thông qua việc mở rộng cả kênh vật lý và trực tuyến, đồng thời miễn phí chuyển tiền trên ứng dụng mobile banking.

Lợi ích lớn của CASA là điều không phủ nhận, nhưng để đạt được tỷ lệ CASA cao cũng không hề dễ dàng. Các chính sách miễn phí cũng làm hạn chế tăng trưởng thu nhập từ hoạt động thanh toán và chính sách hoàn tiền cũng khiến chi phí thanh toán tăng nhanh hơn. Do vậy, không phải ngân hàng nào cũng đủ năng lực tài chính để chạy theo cuộc đua giảm phí được.

Theo Phó Tổng Giám đốc VIB Lê Quang Trung, tỷ lệ CASA lớn trên thị trường để có thể giảm chi phí vốn huy động bình quân là điều mà hầu như tất cả các ngân hàng mong muốn. Nhưng để hiện thực hóa được thì đòi hỏi hội tụ rất nhiều yếu tố từ hệ thống Internet Banking, giao dịch ngân hàng số tiện lợi, thân thiện, an toàn, đến thương hiệu, trụ sở ngân hàng đẹp, nhân viên lịch sự... Vì thế, những ngân hàng mang tính đặc thù hoặc có lợi thế khác biệt sẽ tạo ưu thế trong cuộc đua tăng tỷ lệ CASA.

Trong bối cảnh thu nhập từ tín dụng của các ngân hàng đang giảm do tăng trưởng tín dụng toàn Ngành vẫn còn chậm, những bất ổn về dịch bệnh Covid-19 vẫn còn phức tạp, khả năng trả nợ của DN, người dân vì thế còn bấp bênh sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của các nhà băng. Do vậy, dự báo cạnh tranh về CASA để tối ưu hóa chi phí, tạo động lực cải thiện NIM, giảm tác động đến lợi nhuận các ngân hàng sẽ ngày càng lớn dần. Để gia tăng đồng thời duy trì tính bền vững của tỷ lệ này, theo giới chuyên môn, các ngân hàng cần có chiến lược đầu tư và cạnh tranh hiệu quả để duy trì CASA và thu được lợi ích trong dài hạn thay vì đơn thuần cạnh tranh về giá.

Lãnh đạo VietinBank cho biết, thời gian tới tiếp tục áp dụng những giải pháp đồng bộ như nỗ lực phát triển CASA để cải thiện cơ cấu kỳ hạn nguồn vốn, cân đối vốn hiệu quả kiểm soát chi phí vốn, tiết giảm chi phí hoạt động để có nguồn lực hỗ trợ khách hàng, hạn chế một phần tác động của dịch bệnh tới kết quả kinh doanh. Đơn cử, ngân hàng đẩy mạnh chương trình tăng tốc CASA cùng SME...

Bản tin tài chính ngân hàng ngày 2/10: Ngân hàng cung cấp bảo hiểm qua ứng dụng

Bản tin tài chính ngân hàng ngày 2/10/2020 do Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam cập nhật có những nội dung ...

Lợi nhuận các NHTM bị ảnh hưởng như thế nào bởi lãi suất điều hành mới?

Từ hôm nay (1/10), các lãi suất điều hành mới của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bắt đầu có hiệu lực. Đây là lần giảm ...

BVSC: Giảm lãi suất điều hành sẽ không có nhiều tác động tới mặt bằng lãi suất

Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng quyết định giảm lãi suất điều hành thêm 0,5% mới đây của NHNN không có quá ...

Linh Đan

Tin cũ hơn
Xem thêm