Lợi nhuận loạt doanh nghiệp xi măng "lao dốc" vì chi phí đầu vào

Cập nhật: 15:34 | 09/05/2022 Theo dõi KTCK trên

Vừa qua, các doanh nghiệp xi măng đã công bố báo cáo tài chính quý 1.2022 với kết quả không mấy khả quan. Nguyên liệu sản xuất đầu vào tăng giá cùng với sự cạnh tranh trên thị trường đã khiến biên lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành này suy giảm.

Lợi nhuận của các doanh nghiệp xi măng giảm mạnh

Dù doanh thu quý I tăng trưởng, lợi nhuận CTCP Xi măng Hà Tiên 1 (Vicem Hà Tiên, HoSE: HT1) vẫn giảm gần 74% so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 25 tỷ đồng. Đây là quý công ty có lợi nhuận thấp nhất kể từ quý I/2018. Tương tự, CTCP Vicem Thạch cao Xi măng (TXM) quý rồi lỗ thêm gấp đôi so với cùng kỳ 2021 và là mức lỗ nặng nhất 13 năm qua.

Loạt doanh nghiệp xi măng lợi nhuận "lao dốc" vì chi phí đầu vào
Ảnh minh họa

So với quý đầu năm ngoái, CTCP Xi măng Vicem Hải Vân (HVX) có doanh thu giảm hơn 17%, lợi nhuận sau thuế giảm 8%. Còn CTCP Xi măng Vicem Hoàng Mai (HOM), lãi sau thuế nhích nhẹ so với cùng kỳ, lợi nhuận thuần hoạt động kinh doanh lại giảm đến 93%, chỉ ở mức 19 triệu đồng. Lãi của doanh nghiệp này chủ yếu đến từ khoản lợi nhuận khác tăng đột biến gấp 3 lần.

Lợi nhuận nhiều doanh nghiệp xi măng kém khả quan chủ yếu do áp lực chi phí lớn. Vicem Hà Tiên cho biết, trong quýI/2022, giá than, dầu, thạch cao và nhiều nguyên liệu khác tăng vọt dưới tác động của xung đột Nga - Ukraine. Gánh nặng này khiến công ty giảm hơn 76 tỷ đồng lợi nhuận gộp. Vicem Thạch cao Xi măng lại chịu sức ép từ chi phí vận chuyển, bốc xếp. Khoản này tăng hơn gấp đôi cùng kỳ năm ngoái...

Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, than là nguyên liệu đầu vào quan trọng nhất, thường chiếm khoảng 35-40% giá thành sản xuất xi măng trong đó gần hai phần ba lượng than phải nhập khẩu khiến giá thành sản xuất xi măng tại Việt Nam phụ thuộc lớn vào giá than thị trường quốc tế.

Xi măng cũng là ngành sản xuất thâm dụng điện năng, chi phí điện chiếm tới 15-20% giá thành thành phẩm. Mặc dù EVN đã cam kết không tăng giá điện trong năm 2022, VNDirect vẫn dự đoán chi phí sản xuất điện của các doanh nghiệp xi măng sẽ tăng lên.

Trước áp lực chi phí, nhiều doanh nghiệp đã điều chỉnh giá bán xi măng với mức tăng phổ biến khoảng 100.000 đồng một tấn vào nửa cuối tháng 3, có đơn vị nâng giá đến 150.000 đồng một tấn. Gần đây, các doanh nghiệp tiếp tục tăng giá. Vicem Bút Sơn điều chỉnh tăng 50.000-70.000 đồng một tấn, Xi măng Bỉm Sơn tăng thêm 70.000-95.000 đồng một tấn, Xi măng The Vissai nâng giá thêm 80.000 đồng một tấn...

Dự báo tình hình chung cả năm, VnDirect cho rằng, các doanh nghiệp xi măng niêm yết có thể cải thiện kết quả kinh doanh nhờ thị trường căn hộ chung cư tại TP. HCM, Hà Nội và các dự án bất động sản nghỉ dưỡng phục hồi. Điều này làm giảm bớt việc xuất khẩu bán thành phẩm - clinker, giúp doanh nghiệp dần thoát cảnh chịu chi phí vận chuyển tăng cao, phụ thuộc lớn vào thị trường nước ngoài khiến kinh doanh kém hiệu quả.

Cạnh tranh trong thị trường nội địa

Bên cạnh đà tăng như vũ bão của chi phí đầu vào, các doanh nghiệp ngành xi măng còn đối diện với tình trạng dư cung và cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp.

Kể từ đầu năm 2022, trong khi xi măng có 2 lần tăng giá lớn thì thép xây dựng đã liên tục điều chỉnh tăng giá 7 lần. Theo như các chuyên gia trong ngành ước tính thép và xi măng thường chiếm tới 15- 20% tổng chi phí xây dựng.

Do đó, việc tăng giá các mặt hàng vật liệu xây dựng như thép và mới đây là xi măng sẽ ảnh hưởng đáng kể đến tiến độ tại các dự án xây dựng ở cả 3 phân khúc xây dựng dân dụng, nghỉ dưỡng và hạ tầng, từ đó nhu cầu xi măng thực tế có thể thấp hơn dự kiến.

Hiện nhu cầu nội địa đang dần được phục hồi, nhưng dưới 65 triệu tấn, cộng với tình trạng dư cung, khiến cạnh tranh tiêu thụ trong ngành xi măng vẫn tiếp diễn theo chiều gay gắt trong thời gian tới.

Dự báo năm 2022, lượng tiêu thụ xi măng nội địa sẽ tăng trưởng trở lại do triển khai thi công nhiều công trình cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, áp lực nhiên liệu đầu vào tiếp tục ảnh hưởng đến giá thành và lợi nhuận của doanh nghiệp ngành xi măng.

Bức tranh xám màu của các doanh nghiệp xi măng quý III

Theo thông tin từ Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem), đại dịch COVID-19 lần thứ 4 từ 27/4 đến nay đã ảnh hưởng ...

Kỳ vọng lớn hưởng lợi từ đầu tư công, Xi măng Hà Tiên 1 (HT1) lần đầu báo lỗ sau 8 năm hoạt động

CTCP Xi măng Hà Tiên 1 (Mã: HT1) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2021 với hầu hết các chỉ số ...

Dịch COVID-19: Các doanh nghiệp xi măng thuộc Vicem báo lỗ gần 80 tỷ đồng

Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) cho biết, đại dịch COVID-19 lần thứ 4, từ 27/4 đến nay, đã ảnh hưởng nặng nề ...

Hoàng Đức

Tin cũ hơn
Xem thêm