Liên danh Đèo Cả trúng thầu cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng hơn 11.000 tỷ đồng

Cập nhật: 16:33 | 11/04/2024 Theo dõi KTCK trên

Dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng triển khai theo hình thức BOT vừa chọn được liên danh nhà đầu tư thực hiện, với sự góp mặt của Tập đoàn Đèo Cả.

UBND tỉnh Lạng Sơn vừa có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án tuyến Cao tốc Cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức BOT. Theo quyết định, nhà đầu tư trúng thầu dự án này là Liên danh Công ty CP Xây dựng Đèo Cả - Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả - Công ty CP Xây dựng công trình 568 - Công ty CP LIZEN (HOSE: LCG). Dự án có tổng mức đầu tư 11.024 tỷ đồng (vốn ngân sách Nhà nước tham gia dự án là 5.495 tỷ đồng; vốn nhà đầu tư chịu trách nhiệm thu xếp là 5.529 tỷ đồng).

Với cơ cấu nguồn vốn đầu tư nói trên, thời gian hoàn vốn cho Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị-Chi Lăng là 25 năm 7 tháng 26 ngày.

Trước đó cuối quý IV/2023, ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đã ký quyết định phê duyệt Dự án Tuyến Cao tốc Cửa khẩu Hữu Nghị-Chi Lăng theo hình thức hợp đồng xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT).

Dự án có tổng chiều dài khoảng 59,87km, bao gồm tuyến cao tốc Cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng, chiều dài khoảng 43,43km (điểm đầu tại km 1 + 800, lý trình QL1 kết nối với đường vào Cửa khẩu Hữu Nghị, thuộc địa phận thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc; điểm cuối tại Km44 + 749,67, lý trình cuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, thuộc xã Mai Sao, huyện Chi Lăng) và tuyến kết nối Cửa khẩu Tân Thanh và Cửa khẩu Cốc Nam, chiều dài khoảng 16,44km.

Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn
Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn

Trong đó, Cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng được thiết kế với quy mô 6 làn xe cơ giới, bề rộng nền đường 32,25m, vận tốc tối đa 100km/giờ; Tuyến kết nối cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cốc Nam quy mô 4 làn xe cơ giới, bề rộng nền đường 22m, vận tốc tối đa 80km/giờ.

Trong giai đoạn phân kỳ, tuyến Cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng sẽ đầu tư xây dựng tuyến theo quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m; tuyến kết nối cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cốc Nam được đầu tư xây dựng theo quy mô 2 làn xe, bề rộng nền đường 14,5m.

Trên toàn tuyến sẽ xây dựng 5 trạm thu phí, gồm 2 trạm đặt trên tuyến chính của cao tốc và 3 trạm đặt trên tuyến nhánh tại các nút giao và điểm ra vào cao tốc, phù hợp với hình thức thu phí tự động không dừng.

Về nguồn vốn ngân sách Nhà nước tham gia dự án (5.495 tỷ đồng), ngân sách TƯ sẽ bố trí 2.500 tỷ đồng, ngân sách tỉnh Lạng Sơn 2.500 tỷ đồng, sử dụng hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng thuộc dự án và chi trả kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, xây dựng công trình tạm cho toàn bộ dự án.

Phác họa về các nhà thầu trong liên danh

Trong liên danh nhà đầu tư trúng thầu, Tập đoàn Đèo Cả và các công ty trong hệ sinh thái của tập đoàn quá quen thuộc khi đã thực hiện hàng loạt dự án cao tốc khắp cả nước, và đang vận hành loạt trạm BOT ở nhiều địa phương.

Đáng chú ý, ngày 5/4/2024, đoàn lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn do ông Hoàng Văn Nghiệm – Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn dẫn đầu, đã có chuyến thăm các công trình hầm đường bộ Đèo Cả, hầm Cổ Mã và làm việc với Tập đoàn Đèo Cả tại tỉnh Phú Yên.

Tại buổi làm việc, đoàn công tác tỉnh Lạng Sơn bày tỏ sự ấn tượng, ngưỡng mộ đối với những công trình giao thông, đặc biệt là các hầm xuyên núi do Đèo Cả thực hiện. Phía Tập đoàn Đèo Cả, ông Nguyễn Hữu Hùng, Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả phát biểu tại buổi làm việc: “Chúng tôi đang tham gia đấu thầu nhà đầu tư dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng. Nếu trở thành nhà đầu tư, doanh nghiệp bằng năng lực, kinh nghiệm của mình, sẽ làm tốt công việc được giao phó tại dự án theo đúng tinh thần “đã nói là làm, đã cam kết là phải đúng hẹn”.

Đèo Cả vừa bổ sung thêm dự án BOT sau hàng loạt dự án khắp cả nước
Đèo Cả vừa bổ sung thêm dự án BOT sau hàng loạt dự án khắp cả nước

Hai cái tên còn lại cũng nổi lên là những doanh nghiệp xây lắp khá ‘mắn’ dự án. Trong đó, Công ty CP Xây dựng công trình 568 có trụ sở quận Ba Đình (Hà Nội) vừa trúng 02 gói thầu xây lắp khá lớn trong quý I/2024. Đó là gói thầu số 15, Dự án thành phần 2.3: Xây dựng đường song hành (đường đô thị) địa phận tỉnh Bắc Ninh thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội (giá trị 583,5 tỷ đồng);

Và gói thầu 63, Dự án Xây dựng tuyến đường thành phố Bắc Kạn - hồ Ba Bể kết nối sang Na Hang, Tuyên Quang (174,2 tỷ đồng).

Về nhà thầu còn lại, Công ty CP Lizen (Licogi 16, LCG) cũng là tên tuổi quen mặt trong giới xây lắp các công trình đầu tư công khi đã trúng ít nhất 43 gói khắp cả nước với tổng giá trị hàng nghìn tỷ đồng. Trong quý I/2024, LCG tham gia 3 gói thầu thì đã được công bố trúng cả 3 gói. Giá trị cao nhất là gói thầu số 7 - Xây lắp trạm (không bao gồm lắp đặt MBA 500 kV) do Ban QLDA Các công trình điện Miền Trung mời thầu (xấp xỉ 260 tỷ đồng).

Năm 2023, doanh thu hợp nhất của LCG đạt 2.007 tỷ đồng, tăng 100% so với năm 2022. Tuy vậy lợi nhuận sau thuế lại giảm gần một nửa, chỉ đạt 101,5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ là 194,2 tỷ đồng. Lợi nhuận ‘thâm hụt’ chủ yếu do doanh thu hoạt động tài chính giảm theo chiều thẳng đứng, chỉ ghi nhận 13,8 tỷ đồng trong năm 2023, trong khi năm 2022 khoản thu nhập này lên đến 276,2 tỷ đồng. Ngoài ra, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh và vượt mốc 107 tỷ đồng cũng đã bào mòn lợi nhuận của LCG.

Một nhà băng cam kết ‘bơm’ 20.000 tỷ đồng cho Đèo Cả trong 4 năm

Khoản tín dụng khổng lồ này sẽ được phân bổ cho Đèo Cả trong các năm, giai đoạn 2024 – 2027 để thực hiện các ...

Lãi ròng quý I/2024 ước tăng 32%, khoản nợ 1,1 tỷ USD còn "nan giải" cho Đèo Cả (HHV)

Để trả nợ cho năm 2023, HHV phải chi ra tổng cộng 1.161 tỷ đồng chi phí lãi vay, tăng mạnh so với con số ...

Đèo Cả (HHV) muốn phá kỷ lục lợi nhuận, tăng vốn thêm 1.700 tỷ đồng

Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (HOSE: HHV) đặt mục tiêu lãi ròng 404 tỷ đồng trong năm 2024, phá ...

Cao Thái