Lãi ròng quý I/2024 ước tăng 32%, khoản nợ 1,1 tỷ USD còn "nan giải" cho Đèo Cả (HHV)

Cập nhật: 15:03 | 31/03/2024 Theo dõi KTCK trên

Để trả nợ cho năm 2023, HHV phải chi ra tổng cộng 1.161 tỷ đồng chi phí lãi vay, tăng mạnh so với con số 828 tỷ đồng trong năm 2022. Đồng nghĩa rằng, hàng ngày, Đèo Cả phải dành hơn 3,1 tỷ đồng để thanh toán chi phí lãi vay.

Kết thúc quý I/2024, Công ty CP Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (HoSE: HHV) ước đạt doanh thu 669 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận sau thuế dự kiến đem về 109 tỷ đồng, tăng 32% so với quý I/2023.

Trong kỳ kinh doanh trước, năm 2023, HHV ghi nhận tổng doanh thu hợp nhất là 2.686 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 28% so với cùng kỳ, vượt 8% so với kế hoạch đã đề ra. Lợi nhuận sau thuế đạt 362 tỷ đồng, tăng trưởng gần 22% so với cùng kỳ và vượt 7% so với kế hoạch.

Lãi ròng quý I/2024 ước tăng 32%, khoản nợ 1,1 tỷ USD còn
Lãi ròng quý I/2024 tăng 32%, khoản nợ 1,1 tỷ Đô còn "nan giải" cho Đèo Cả (HHV)

Đèo Cả đang đón những dấu hiệu tích cực về hoạt động kinh doanh, tuy nhiên bên cạnh đó, bảng cân đối tài chính của HHV cũng có phần lo ngại khi kết thúc vào ngày 31/12/2023, tổng số nợ phải trả của Giao thông Đèo Cả (HHV) vượt mức 28.047 tỷ đồng (tương đương hơn 1,1 tỷ USD), tăng hơn 770 tỷ đồng so với đầu năm. Phần lớn trong số này là nợ vay tài chính, lên đến 20.283 tỷ đồng.

Theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ của Đèo Cả, để trả nợ cho năm 2023, doanh nghiệp phải chi ra tổng cộng 1.161 tỷ đồng cho chi phí lãi vay, tăng mạnh so với con số 828 tỷ đồng trong năm 2022. Đồng nghĩa rằng, hàng ngày, Đèo Cả phải dành hơn 3,1 tỷ đồng để thanh toán chi phí lãi vay.

Lãi ròng quý I/2024 tăng 32%, khoản nợ 1,1 tỷ USD còn "nan giải" cho Đèo Cả (HHV)
Nợ vay tài chính của HHV vào cuối năm 2023 lên tới 20.283 tỷ đồng

Tuy nhiên, theo Ban lãnh đạo doanh nghiệp, việc vay nợ tăng là điều không thể tránh khỏi và Đèo Cả (HHV) đủ năng lực để chi trả các khoản vay. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức đối tác công tư (PPP) đang vay nợ dài hạn hàng nghìn tỷ, thậm chí cả chục nghìn tỷ đồng tại các ngân hàng thương mại. Đối với HHV, các khoản vay của công ty là vay dài hạn để đầu tư BOT. Các dự án cũng đã đi vào vận hành khai thác, nguồn thu phí ổn định, phương án trả nợ cũng được thực hiện đảm bảo trên cơ sở doanh thu thực tế và không ảnh hưởng đến dòng tiền của doanh nghiệp.

Ngoài ra, đại diện HHV cho biết, theo quy định vốn chủ sở hữu tham gia các dự án công khoảng 10 - 15%, trong khi vốn chủ sở hữu/tổng tài sản của công ty hiện là 24%. “Các khoản nợ được trả đầy đủ, đúng hạn và không ảnh hưởng đến dòng tiền, hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như lợi ích của cổ đông”, đại diện HHV khẳng định.

Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch vào ngày 29/3, cổ phiếu HHV dừng chân ở vùng giá 15.500 đồng/cp, tương ứng chưa có biến động mạnh so với thời điểm đầu năm.

Đèo Cả được vay 20.000 tỷ đồng từ VDB chi nhánh Lâm Đồng

Một trong những nỗ lực tháo gỡ "nút thắt" tài chính đáng ghi nhận của Tập đoàn Đèo Cả đó là khoản vay 20.000 tỷ đồng vừa được ký kết với Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) - Chi nhánh Lâm Đồng để tài trợ vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng giao thông theo phương thức đối tác công tư (PPP) ngày 28/3/2024.

Theo thỏa thuận này, tổng mức vốn VDB dự kiến cung ứng giai đoạn từ năm 2024 - 2027 cho Tập đoàn Đèo Cả của ông Hồ Minh Hoàng khoảng 20.000 tỷ đồng, được phân bổ một theo các năm, năm 2024 là 1.400 tỷ đồng, năm 2025: là 3.500 tỷ đồng, năm 2026 là 9.600 tỷ đồng, năm 2027: 5.500 tỷ đồng.

Năm 2024, Tập đoàn Đèo Cả dự kiến sẽ đầu tư hơn 300 km đường cao tốc, đường vành đai như cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng (ở Lạng Sơn), Tân Phú - Bảo Lộc (ở Lâm Đồng), TP. Hồ Chí Minh – Thủ Dầu 1 - Chơn Thành, Vành đai 4 đoạn qua tỉnh Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 2… dự kiến, tổng mức vốn đầu tư cần huy động lên tới hơn 100.000 tỷ đồng.

Cùng với những khoản nợ đang phải trả tới 1,1 tỷ USD và số tiền trên thực sự là áp lực lớn đối với Đèo Cả, trong bối cảnh các Ngân hàng đã không mặn mà do tỷ lệ vốn nhà nước tham gia thấp và nhiều dự án BOT giao thông thua lỗ. Vì thế, từ mô hình PPP, Tập đoàn Đèo Cả có sáng kiến đề xuất mô hình PPP++ với mong muốn đa dạng hoá các nguồn vốn hợp pháp, giúp tăng hiệu quả huy động, giảm thiểu rủi ro trong suốt quá trình thực hiện dự án.

Với mô hình PPP++, các cơ chế chính sách hỗ trợ của nhà nước cùng với các đối tác có chung khát vọng, chí hướng để thực hiện dự án. Cùng đi, cùng vượt khó, cùng về đích. Dự kiến Đèo Cả sẽ đi tiên phong trong mô hình này.

Dự kiến "bơm" 82.000 tỷ xây dựng hạ tầng, Đèo Cả niêm yết bổ sung hơn 82,3 triệu cổ phiếu

Sau khi thay đổi niêm yết, số lượng cổ phiếu HHV lưu hành là 411,7 triệu đơn vị, tương đương giá trị theo mệnh giá ...

Một nhà băng cam kết ‘bơm’ 20.000 tỷ đồng cho Đèo Cả trong 4 năm

Khoản tín dụng khổng lồ này sẽ được phân bổ cho Đèo Cả trong các năm, giai đoạn 2024 – 2027 để thực hiện các ...

Giao dịch khối ngoại tuần 25-29/3: Lực bán ròng tập trung nhiều vào nhóm VN30

Trong tuần xảy ra sự cố tại VNDirect, khối ngoại bán ròng mạnh mẽ các cổ phiếu bluechips, đặc biệt trong nhóm VN30, tổng giá ...

Tuấn Khải