Làm cách nào để giảm giá xăng dầu?

Cập nhật: 10:18 | 29/10/2021 Theo dõi KTCK trên

Muốn giảm giá xăng dầu nhanh, có thể sử dụng công cụ của nhà nước, đó là thuế. Trong đó, giảm thuế bảo vệ môi trường đang ở mức "kịch khung" cần được tính đến.

Giá xăng dầu hôm nay 29/10/2021: Lao dốc

Giá xăng dầu leo thang, nhiều doanh nghiệp 'điêu đứng'

Giá xăng dầu hôm nay 28/10/2021: Giảm mạnh

Giá xăng dầu sắp phá đỉnh lịch sử

Hiện, giá xăng E5 RON 92 tăng lên mức 23.110 đồng/lít, xăng RON 95 lên 24.338 đồng/lít, là mức giá cao nhất trong vòng 7 năm qua.

Mức giá này đã được liên Bộ Công thương - Tài chính tăng chi Quỹ Bình ổn (BOG). Nếu không tăng chi, mức giá các mặt hàng xăng sẽ tăng từ 1.859 đồng/lít đến 2.527 đồng/lít. Lúc này, RON 95 sẽ lên mức 25.406 đồng/lít, chỉ cách mức đỉnh lịch sử (25.730 đồng/lít) được thiết lập ngày 23/6/2014 khoảng 300 đồng/lít.

Tuy nhiên, với đà tăng liên tục của giá xăng dầu thế giới trong suốt thời gian qua và dự báo chưa dừng lại khi khủng hoảng năng lượng ngày càng lan rộng trên toàn cầu, thì việc phá đỉnh cũng sẽ sớm xẩy ra.

1604-giaxang
Giá xăng tiến lên đỉnh lịch sử, cách nào nhanh nhất giảm mối nguy cơ (Ảnh minh họa)

Trong khi đó, Quỹ BOG đang dần "đuối sức", không thể liên tục "xả" để kiềm chế giá xăng dầu khi đã có tới 15 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối lớn đang bị âm xấp xỉ 1.500 tỷ đồng.

Trong đó, Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil) với mức âm tới 697,6 tỷ đồng, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) âm 262 tỷ đồng...

Bởi vậy, khi giá xăng dầu tiếp tục tăng trong thời gian tới sẽ không thể dựa vào Quỹ BOG giá để kiềm chế đà tăng trong nước.

Muốn giảm giá xăng, phải giảm thuế

"Quỹ bình ổn giá như cái sổ tiết kiệm trong gia đình, phải biết chi tiêu vào thời điểm nào và chi bao nhiêu thì phù hợp hoàn cảnh kinh tế. Lúc dịch bệnh phức tạp, người dân phải ở nhà, nhà máy đóng cửa, sản xuất đình trệ mà vẫn chi Quỹ là không phù hợp. Giờ đây nhịp sống đã trở lại bình thường, người dân đi lại nhiều, nhà máy sản xuất phục hồi thì giá xăng dầu có thể lại tăng mạnh khi Quỹ bình ổn giá đã chi hết", một chuyên gia xăng dầu chia sẻ.

Đáng chú ý, giá xăng dầu trong nước thời gian tới có thể rơi vào trạng thái tăng - giảm không nhịp nhàng theo giá thế giới. Thời gian qua, Bộ Công Thương đánh giá, việc sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá đã giúp giá xăng dầu trong nước có mức biến động thấp hơn mức biến động của giá xăng dầu thế giới.

Cụ thể, giá xăng dầu thành phẩm bình quân trên thị trường thế giới dùng để tính giá cơ sở tăng từ 59,08% đến 76,03% trong khi giá xăng dầu trong nước từ đầu năm đến nay chỉ tăng 40,23% đến 52,59%.

Nhưng nếu giá xăng dầu thời gian tới giảm, thì giá xăng dầu trong nước chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng giảm chậm hơn giá thế giới. Bởi vì nhà điều hành sẽ phải cân nhắc để trích lập lại Quỹ bình ổn giá để dùng khi cần.

Còn nếu giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng, thì giá xăng dầu trong nước cũng sẽ khó có thể diễn biến khác. Như vậy, gánh nặng lên người dân, doanh nghiệp sẽ là rất lớn (Người dân sử dụng nhiều xăng, còn doanh nghiệp tiêu thụ lượng lớn dầu diesel).

Muốn giảm giá xăng dầu, chỉ có thể sử dụng công cụ của Nhà nước. Đó là thuế. Trong đó, giảm thuế bảo vệ môi trường là công cụ gần như hữu hiệu nhất. Từ 1/1/2019, thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý tăng kịch khung. Thuế môi trường với xăng tăng thêm 1.000 đồng/lít, lên kịch khung 4.000 đồng. Dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên kịch trần 2.000 đồng/lít.

Từ đó đến nay, ngoại trừ việc giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng máy bay vào năm ngoái, thì thuế bảo vệ môi trường với xăng E5, xăng RON 95 và các mặt hàng dầu vẫn giữ nguyên trên "đỉnh". Muốn giảm sức ép lên giá xăng dầu thì giảm mức thuế này là hữu hiệu nhất.

Đại biểu nói gì khi giá xăng tăng sốc?

1606-giaxang1
Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng cần tính đến các công cụ giảm thuế, phí để kiềm chế, ổn định giá xăng dầu là cần thiết (Ảnh: Quochoi.vn)

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online bên hành lang Quốc hội sáng 27/10, đại biểu đoàn Hà Nội Hoàng Văn Cường - Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân, cho hay nền kinh tế đang đối diện với rất nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh, trong khi xăng dầu là đầu vào của hoạt động kinh tế - xã hội, giá xăng dầu tăng sẽ tác động đến nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất, dịch vụ, thương mại.

Chưa kể, giá xăng dầu là chỉ số quan trọng để tính toán các chỉ số kinh tế vĩ mô khác, nên cần có biện pháp cần thiết kiềm chế giá xăng dầu.

"Ngoài chính sách hiện nay là quỹ bình ổn, có thể ngừng trích lập quỹ và chi sử dụng, thì công cụ để kiểm soát giá mà Nhà nước có thể tính đến là quản lý, là thuế, phí, đơn cử như giảm thuế nhập khẩu, hoặc thuế về môi trường ở mức hợp lý, các loại phí. Cần phải ổn định giá xăng dầu để phục vụ cho phục hồi kinh tế" - ông Cường nêu quan điểm.

Đại biểu đoàn Bắc Giang Trần Văn Lâm - ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách - cho rằng các chính sách điều hành cần đảm bảo sự minh bạch, phù hợp với thị trường và có thể "xem xét điều chỉnh chính sách thuế hợp lý công bằng là cần thiết".

"Chính phủ nỗ lực điều tiết giá xăng dầu, hiện nay còn sử dụng quỹ bình ổn giá để kìm giá, giữ ổn định vĩ mô kiểm soát lạm phát nhưng ở mức độ nhất định thì phải tính toán".

Tuy nhiên, theo đại biểu Lâm, cần phải tính toán căn cơ, bài bản lâu dài, chứ không phải chạy theo biến động thị trường vì nếu chính sách biến động quá nhiều, có sự thay đổi và điều chỉnh nhiều thì có thể bất lợi chung đến việc đảm bảo ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Ông Nguyễn Phú Cường, chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách, cho biết hiện Chính phủ đang xây dựng chương trình tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế, với các gói kích thích, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, gồm các chính sách tài khóa, tiền tệ, miễn giảm các khoản thuế phí, như thuế môi trường.

Do đó, ông cho rằng trong gói kích thích kinh tế phải vừa kích thích tổng cung tổng cầu. Về phía tổng cung cần tìm cách hỗ trợ để chi phí doanh nghiệp giảm xuống để tăng cung, còn phía tổng cầu, cần kích thích tiêu dùng và kích thích đầu tư.

Thu Uyên (Tổng hợp)

Tin cũ hơn
Xem thêm