Quản lý cho vay ngang hàng:

Kinh nghiệm quốc tế và gợi ý cho Việt Nam

Cập nhật: 16:40 | 17/10/2018 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Tại một số quốc gia Đông Nam Á có xu hướng, việc cho vay ngang hàng như hoạt động cho vay trực tuyến và cần được quản lý như hoạt động của các tổ chức tín dụng. Trong khi ở Trung Quốc lại coi đó là hệ thống trao đổi thông tin tài khoản vay.  

kinh nghiem quoc te va goi y cho viet nam Cẩn trọng với cho vay ngang hàng

Phương thức hoạt động, ưu điểm của cho vay ngang hàng

Cho vay ngang hàng hay gọi đúng hơn là cho vay trực tuyến (Peer-to-peer lending, viết tắt là P2P), là mô hình kinh doanh sử dụng nền tảng công nghệ (platform) để kết nối nhà đầu tư với cá nhân hay doanh nghiệp muốn vay, không thông qua trung gian tài chính truyền thống.

Ưu điểm chính của cho vay trực tuyến:

Thứ nhất: tiếp cận được nguồn vốn trong trường hợp khó tiếp cận nguồn vốn chính thức.

Thứ hai: phí và lãi suất có thể thấp hơn so với cho vay tiêu dùng thông thường do tiếp cận trực tiếp.

Thứ 3: đáp ứng nhu cầu vay nhanh hơn do thủ tục, qui trình đơn giản hơn so với vay tiêu dùng thông thường.

Thứ 4: có thêm lựa chọn về vay vốn. Đổi lại, bên vay phải trả phí dịch vụ cho công ty P2P (ngoài lãi suất vay vốn).

Đối với nhà đầu tư (bên cho vay), mô hình này: cung cấp một kênh đầu tư, góp phần đa dạng hóa danh mục đầu tư, cung cấp nguồn thu khá hấp dẫn. Đổi lại, nhà đầu tư phải chịu rủi ro tín dụng.

kinh nghiem quoc te va goi y cho viet nam
Ảnh minh họa

n chứa 5 rủi ro chính

Thứ nhất, vì đây là hoạt động cho vay không qua trung gian tài chính, không được coi là hoạt động tín dụng thông thường, nên hiện nay chưa phải tuân thủ các quy định về an toàn hoạt động giám sát, kiểm soát chặt chẽ. Theo đó, hành lang pháp lý khi xảy ra rủi ro, các bên liên quan không chịu trách nhiệm hoặc không được giải quyết đền bù như thường lệ.

Thứ hai, nhà đầu tư chịu nhiều rủi ro hơn so với bên vay, bởi vì ở nhiều quốc gia, bên vay vẫn được hưởng các quyền lợi theo quy định trong khi nhà đầu tư lại không được hưởng các quyền lợi liên quan đến việc bảo vệ người gửi tiền như trong hệ thống ngân hàng, trong khi đó vẫn phải chịu các rủi ro về tín dụng,…

Thứ ba, rủi ro đạo đức xảy ra khi: bên vay không được trả nợ (do khách quan hay cố ý, dù có thể được bù đắp một phần tư công ty P2P), hoặc công ty P2P dùng tiền đầu tư sai mục đích, quản lý kém hoặc phá sản, dẫn đến khả năng mất một phần vốn của nhà đầu tư.

Thứ tư, khi khoản vay được thực hiện, công ty P2P sẽ thu phí dịch vụ trong khi nhà đầu tư chỉ nhận được tiền thanh toán từ công ty P2P khi bên vay trả nợ. Theo đó, trách nhiệm ràng buộc giữa công ty P2P và nhà đầu tư khá hạn chế, dẫn đến tranh chấp có thể xảy ra.

Cuối cùng, những biến tướng của hình thức cho vay này dẫn đến diễn biến rất phức tạp, hệ lụy kinh tế và xã hội khó lường như: áp dụng lãi suất và phí cao ngất ngưởng bất chấp khả năng trả nợ của bên vay,…

Kinh nghiệm quốc tế và một số lưu ý với Việt Nam

Tại Malaysia, Ủy ban chứng khoán quốc gia (SC) giữ vai trò chính trong việc quản lý mô hình cho vay ngang hàng (do quan niệm đây là hình thức đầu tư vốn). Chỉ có các công ty Malaysia với số vốn thực góp tối thiểu 5 triệu ringgit (khoảng 1,2 triệu USD) mới được cung cấp nền tảng và dịch vụ cho vay P2P.

Tại Indonesia, việc quản lý hoạt động của các công ty P2P và fintech thuộc về Cơ quan Quản lý Dịch vụ Tài chính (OJK). Các công ty P2P này phải ký quỹ và có tài khoản định danh tại ngân hàng trong thời gian hoạt động.

Tại Trung Quốc, cho vay ngang hàng bắt đầu bùng nổ tại Trung Quốc vào năm 2011 và nhanh chóng phát triển mạnh mẽ. Kết quả là, cho vay ngang hàng tại Trung Quốc thu hút tới 50 triệu người tham gia đầu tư với mức lãi suất từ 10%/năm trở lên, cao hơn gấp đôi mức lãi suất của ngân hàng. Tuy nhiên, do thiếu kiểm soát của Chính phủ, các công ty P2P tại Trung Quốc ngày càng hoạt động bất hợp pháp hoặc theo mô hình đầu tư đa cấp. Hậu quả là hàng loạt công ty P2P phá sản, chủ các công ty này ôm tiền chạy trốn.

Sau hàng loạt vụ việc đổ vỡ, Chính phủ Trung Quốc đã bổ sung 10 biện pháp tăng cường kiểm soát như cấm mở thêm các website cho vay trực tuyến, yêu cầu các công ty P2P còn hoạt động phải dỡ bỏ các rào cản đối với việc khách hàng khiếu nại,…

Thực trạng hoạt động cho vay ngang hàng tại Việt Nam

Tại Việt Nam, cho vay ngang hàng mới xuất hiện trong vài năm qua nhưng đến nay đã có khoảng 10 công ty cho vay theo mô hình này và đang phát triển nhanh chóng, hiện có công ty mới thành lập được gần hai năm mà mỗi ngày có khoảng 2.000 đơn xin vay.

Cũng như tại nhiều quốc gia đang phát triển khác, tại Việt Nam, xu thế phát triển cho vay ngang hàng diễn ra nhanh. Một mặt là hỗ trợ đáp ứng nhu cầu vốn phi chính thức, đa dạng hóa kênh đầu tư. Mặt khác, do nhiều nhà đầu tư chưa hiểu đúng tính chất của cho vay ngang hàng, hoặc hoạt động biến tướng nên tiềm ẩn nhiều rủi ro, hệ lụy.

Hiện tượng biến tướng, lừa đảo, trà trộn lẫn tín dụng đen… diễn biến rất phức tạp. Tuy vậy, giống như một số nước đang phát triển khác, hiện nay Việt Nam chưa có hành lang pháp lý nên các công ty hoạt động trong lĩnh vực này thường đăng ký là công ty tư vấn đầu tư. Thực tế này tiềm ẩn nhiều rủi ro, hệ lụy về cả khía cạnh kinh tế cũng như xã hội đối với Việt Nam.

kinh nghiem quoc te va goi y cho viet nam
Ảnh: Nguồn Internet

Một số gợi ý đối với Việt Nam

Cho vay ngang hàng là một sản phẩm tất yếu của nền kinh tế số, có xu thế phát triển nhanh với các lý do nêu trên. Do đó, chúng ta cần có cách tiếp cận đúng, cần có biện pháp quản lý để tránh hình thức này biến tướng thành tín dụng đen.

Một số biện pháp đưa ra đối với Việt Nam:

Thứ nhất, cần sớm có hành lang pháp lý để chi phối, quản lý hoạt động cho vay ngang hàng.

Thứ hai, nghiên cứu quy định, biện pháp quản lý rủi ro hệ thống, thị trường tài chính – tiền tệ. Đây là giải pháp nhằm góp phần ổn định hệ thống tài chính – tiền tệ, cho dù quy mô và phạm vi hoạt động cho vay ngang hàng dự tính là chưa quá lớn, nhưng hệ lụy khó lường.

Thứ ba, cần sớm ban hành chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện, trong đó có các trụ cột về tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính – ngân hàng chính thức.

Thứ tư, để hoạt động cho vay ngang hàng phát triển an toàn, hiệu quả, cần chú trọng nâng cấp hạ tầng CNTT quốc gia, nhất là cơ sở dữ liệu lớn,… từ đó không chỉ tạo nền tảng quản lý cho vay ngang hàng mà còn hỗ trợ cho cả thị trường tài chính – ngân hàng số nói chung.

Cuối cùng, nâng cao trách nhiệm và hiệu quả của việc phối kết hợp trên tinh thần đổi mới, giới truyền thông và tổ chức dân sự khác mới có thể đảm bảo quản lý thông suốt, hiệu quả những sản phẩm, dịch vụ tài chính mới nói chung và cho vay ngang hàng nói riêng.

Hoài Dương

Tin liên quan