Giữa đại dịch, cứ hơn một ngày thế giới lại có thêm một tỷ phú

Cập nhật: 14:23 | 23/05/2022 Theo dõi KTCK trên

Tổ chức Oxfam cho biết đã có khoảng 573 người gia nhập hàng ngũ tỷ phú kể từ năm 2020, nâng tổng số tỷ phú trên toàn thế giới lên con số 2.668 người.

Báo cáo của Oxfam nhấn mạnh bất bình đẳng thu nhập toàn cầu, khi hàng trăm người thành tỷ phú và hàng trăm triệu người khác nghèo đi.

Theo báo cáo công bố hôm 22/5 của tổ chức phi chính phủ Oxfam, 573 người đã gia nhập danh sách tỷ phú kể từ năm 2020, nâng tổng số tỷ phú toàn cầu lên 2.668. Điều này đồng nghĩa trong đại dịch, trung bình mỗi 30 giờ, thế giới lại có thêm một tỷ phú.

Báo cáo dựa trên số liệu của Forbes, được công bố trước thềm khai mạc Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sĩ. Sự kiện này là nơi hội tụ của các nguyên thủ quốc gia và nhiều người thuộc top giàu nhất thế giới.

2137-ty-phu
Hình minh họa (Ảnh internet)

Tổng tài sản của các tỷ phú tăng thêm 3.800 tỷ USD, tương đương 42%, lên 12.700 tỷ USD trong đại dịch. Phần lớn mức tăng này là nhờ thị trường chứng khoán, do các chính phủ bơm tiền vào nền kinh tế để giảm tác động tài chính từ đại dịch.

Max Lawson, Giám đốc Chính sách Bất bình đẳng tại Oxfam, cho biết phần lớn mức tăng xảy ra trong năm đầu đại dịch. Sau đó, mức tăng đi ngang và giảm nhẹ.

Tuy nhiên, cùng thời điểm đó, Covid-19 cũng làm tăng bất bình đẳng và giá lương thực toàn cầu. Việc này có thể đẩy 263 triệu người vào cảnh nghèo cùng cực năm nay, đảo ngược tiến triển đã đạt được hàng thập kỷ qua, Oxfam cho biết trong một báo cáo khác tháng trước.

"Tôi chưa bao giờ chứng kiến mức tăng tài sản và tăng tỷ lệ nghèo cao cùng lúc như thế này. Nó sẽ khiến nhiều người chịu tổn thương", Lawson cho biết.

Người tiêu dùng trên khắp thế giới vật lộn với giá năng lượng và thực phẩm tăng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp và giám đốc nhiều ngành nghề lại đang hưởng lợi, Oxfam cho biết. Tỷ phú tại các ngành thực phẩm và nông nghiệp tăng tài sản tới 45% trong 2 năm qua. Kể từ năm 2020, 20 tỷ phú mới đã xuất hiện trong ngành này.

Trong khi đó, tài sản các tỷ phú khác trong ngành năng lượng lại giảm 53 tỷ USD, tương đương 24%, kể từ năm 2020.

40 tỷ phú mới được tạo ra trong ngành dược. Ngành này hưởng lợi lớn trong cuộc chiến chống đại dịch và nhận hàng tỷ USD vốn đầu tư cho nghiên cứu–phát triển.

Ngành công nghệ cũng sản sinh thêm nhiều tỷ phú. Trong top 10 người giàu nhất thế giới, 7 là từ ngành này, nổi bật là Elon Musk của Tesla, Jeff Bezos của Amazon và Bill Gates của Microsoft.

Để giảm bất bình đẳng thu nhập, Oxfam thúc giục các chính phủ đánh thuế người giàu và các tập đoàn. Tổ chức này kêu gọi đánh thuế tạm thời 90% với phần lợi nhuận trên mức trung bình của doanh nghiệp (excess corporate profit), và thuế tài sản một lần với các tỷ phú. Việc đánh thuế 2% với tài sản hơn 5 triệu USD và 5% với tài sản trên 1 tỷ USD sẽ giúp các nước thu về 2.500 tỷ USD.

Tỷ phú trẻ giàu nhất thế giới từng sáng lập Facebook cùng Mark Zuckerberg là ai?

Dustin Moskovitz là một trong những vị tỷ phú trẻ giàu có nhất thế giới. Tuy nhiên, ít ai biết được thông tin về chàng ...

Sóng gió đầu năm 2022 đã thổi bay gần 200 tỷ USD tài sản của các tỷ phú thế giới

Chỉ trong vào tháng đầu năm 2022, những người giàu nhất thế giới, đứng đầu top 500 tỷ phú đã mất gần 200 tỷ USD ...

Tỷ phú Bill Gates tiết lộ lý do không đầu tư tiền điện tử

Tỷ phú kiêm nhà sáng lập gã khổng lồ Microsoft, Bill Gates chắc chắn không phải một fan của tiền điện tử, theo tạp chí ...

Diệp Vấn (T/H)

Tin liên quan