Giá xăng tăng khiến doanh nghiệp vận tải, người tiêu dùng 'điêu đứng'

Cập nhật: 16:00 | 15/07/2021 Theo dõi KTCK trên

Giá xăng tăng lên mức cao nhất trong khoảng 2 năm trở lại đây, kể từ tháng 5/2019 đã khiến nhiều lái xe, doanh nghiệp vận tải rơi vào tình trạng khó khăn. Người dân lo ngại nhiều mặt hàng tiêu dùng sẽ "tát nước theo mưa" trong những ngày tới.

Xuất khẩu gạo giảm 14% trong nửa đầu năm 2021

Giải pháp nào tiết kiệm tiền điện ngày nắng nóng?

Giá xăng dầu hôm nay 15/7/2021: Biến động mạnh

Doanh nghiệp vận tải "đắp chiếu"

Ngày 12/7 vừa qua, liên Bộ Tài chính - Công Thương đã điều chỉnh giá xăng, dầu theo chu kỳ 15 ngày/lần. Theo đó, giá xăng E5RON92 tăng 850 đồng/lít, có giá là 20.610 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 867 đồng/lít, có giá bán 21.783 đồng/lít… Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã tăng tổng cộng hơn 4.000 đồng/lít.

Giá xăng tăng mạnh khiến người lao động ngành vận tải gặp nhiều khó khăn. Một tài xế lái xe ở Hà Nội cho hay: "Mỗi ngày anh chạy sân bay cả đi - về mất từ 50-60 km, một tháng chạy khoảng 4.000 km sẽ tốn 300 lít xăng. Từ thời điểm trước dịch đến nay, giá xăng tăng liên tục như vậy đồng nghĩa mỗi tháng phải chi phí thêm cho xăng xe từ 1,3-1,5 triệu đồng."

Giá xăng tăng khiến doanh nghiệp vận tải, người tiêu dùng 'điêu đứng'
Nhiều doanh nghiệp "đắp chiếu" vì giá xăng tăng (Ảnh minh họa)

Giá xăng chiếm tới 40% trong cấu thành giá cước vận tải nên việc xăng liên tiếp tăng mạnh thời gian qua khiến doanh nghiệp gặp khó. Bởi, giá cước không thể tăng theo giá xăng, trong khi doanh nghiệp phải cạnh tranh với các đơn vị xe công nghệ khác nên rất khó khăn.

Theo chia sẻ của ông Bùi Danh Liên, Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Hà Nội, giá xăng tăng chắc chắn sẽ tác động không nhỏ tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Giá xăng trong nước tăng theo giá thế giới nên những khó khăn này doanh nghiệp không có cách nào giải quyết.

“Nhiều đơn vị hoạt động cầm chừng, nhiều xe đã phải nằm bãi, “đắp chiếu” vì không có khách, không có hàng để chạy. Trong bối cảnh dịch bệnh, doanh nghiệp cũng không thể tăng cước”, ông Bùi Danh Liên nói.

Tình hình dịch bệnh trong nước tiếp tục diễn biến rất phức tạp tại Tp. Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành trên cả nước, nhất là tại các tỉnh phía Nam.

Nhằm hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân, hạn chế mức tăng giá xăng dầu, liên Bộ Tài chính - Công Thương cũng đã chi sử dụng liên tục Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG) ở mức cao.

Từ đầu năm 2021 đến nay, Quỹ BOG đã chi liên tục ở mức cao đối với các loại xăng dầu với mức chi 100 - 2.000 đồng/lít/kg. Do chi Quỹ BOG liên tục ở mức cao nên giá xăng dầu trong nước đã có mức biến động thấp hơn mức biến động của giá xăng dầu thế giới.

Lo ngại giá tiêu dùng

2949-xangtang1
Người dân lo lắng giá tiêu dùng tăng theo giá xăng (Ảnh minh họa)

Giá xăng tăng cao liên tiếp từ đầu năm đã đẩy giá nhiều mặt hàng tiêu dùng tăng nhẹ. Một người dân bán hàng trên địa bàn Hà Nội cho hay: "So với thời điểm trước dịch bệnh, giá nhiều mặt hàng đã tăng khá mạnh.

Cụ thể, giá hành lá đã tăng từ 18.000 đồng/kg lên 23.000 - 25.000 đồng/kg; cá rô phi tăng 10.000 đồng/kg lên 55.000 - 60.000 đồng/kg tùy kích cỡ; cà chua tăng 5.000 - 7.000 đồng/kg lên mức 20.25.000 đồng/kg.

Các mặt hàng khác vẫn giữ giá ở mức cao như thịt gà 100.000 - 105.000 đồng/kg; thịt bò loại 1 giá 220.000 - 250.000 đồng/kg; ốc nhồi 100.000 - 105.000 đồng/kg...

Đây đã là mức giá mua bán cho nhà hàng nên cũng được chiết khấu nhiều. Giá các mặt hàng nguyên liệu đầu vào đều đã tăng, nhưng giá bán thì không thể tăng vì lý do giữ khách trong bối cảnh dịch COVID-19. Với đà tăng giá xăng như vừa qua, rất có thể thời gian tới, nhiều mặt hàng sẽ tiếp tục tăng giá thêm."

Khảo sát tại các chợ dân sinh Hà Nội như: chợ Mơ, chợ 8-3…, giá nhiều mặt hàng thịt, rau củ quả và thuỷ hải sản đã tăng so với thời điểm trước dịch bùng phát (tháng 4/2021). Nhiều tiểu thương nhận định, giá xăng tăng mạnh, cùng với những khó khăn về di chuyển do dịch bệnh khiến cho chi phí vận chuyển hàng tại chợ cũng tăng lên theo, buộc giá cả các mặt hàng cũng sẽ bị đẩy lên.

Nhiều chuyên gia lo ngại, giá xăng dầu tăng sẽ kéo theo tình trạng “té nước theo mưa” của một số loại hàng hóa, từ đó làm tăng chỉ số CPI trong năm 2021.

Do vậy, việc trước mắt cần tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và phòng ngừa các dịch bệnh sẽ là tiền đề tốt cho ổn định sản xuất, ổn định thị trường, bình ổn giá cả các mặt hàng.

Ngoài ra, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) và Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động giá cả, thị trường, nhất là với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, đảm bảo ổn định mặt bằng giá cả.

Linh Linh

Tin cũ hơn
Xem thêm