Giá xăng dầu hôm nay 2/6/2022: Tăng thêm gần 1.000 đồng/lít

Cập nhật: 06:39 | 02/06/2022 Theo dõi KTCK trên

Thông tin từ Bộ Công Thương, dù mạnh tay chi Quỹ bình ổn gia xăng dầu tới 500đồng/lít nhưng giá xăng RON95 vẫn tăng tới 921 đồng/lít. Các loại xăng dầu còn lại cũng tăng mạnh từ 700 đến 900 đồng/lít.

Giá xăng tăng kỷ lục: Vượt 31.500 đồng/lít

Giá xăng dầu hôm nay 1/6/2022: Có thể vượt qua mức 31.000 đồng/lít?

Bộ Công Thương: Giá xăng dầu Việt Nam liên tiếp lập kỷ lục nhưng vẫn thấp hơn nhiều Quốc gia

Thị trường xăng dầu thế giới trong thời gian giữa 02 kỳ điều hành giá vừa qua có nhiều biến động. Nguồn cung cho thị trường (nhất là khu vực Châu Âu) tiếp tục chịu ảnh hưởng từ việc các nước Châu Âu đã thống nhất tăng mức cấm vận đối với các sản phẩm xăng dầu từ Nga, trong khi đó tồn kho dầu thô của Mỹ vẫn ở mức thấp.

Về nhu cầu, việc Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phong tỏa để phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại Thượng Hải từ 1/6/2022 sẽ hỗ trợ cầu xăng dầu tăng mạnh và nhu cầu một số mặt hàng xăng, dầu tăng khi đang vào mùa lái xe mùa Hè tại Mỹ. Các yếu tố trên đã đẩy giá các mặt hàng xăng dầu tăng khá cao so với kỳ điều hành trước.

3851-giaxang2
Ảnh minh họa

Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá ngày 01/6/2022 và kỳ điều hành ngày 23/5/2022 là: 144,006 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (tăng 2,637 USD/thùng, tương đương tăng 1,87% so với kỳ trước); 151,947 USD/thùng xăng RON95 (tăng 5,746 USD/thùng, tương đương tăng 3,93% so với kỳ trước;

144,686 USD/thùng dầu hỏa (tăng 6,836 USD/thùng, tương đương tăng 4,96% so với kỳ trước); 146,963 USD/thùng dầu diesel (tăng 6,170 USD/thùng, tương đương tăng 4,38% so với kỳ trước); 656,199 USD/tấn dầu mazut 180CST 3,5S (tăng 13,332 USD/tấn, tương đương tăng 2,07% so với kỳ trước).

Tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước bắt đầu có xu hướng giảm. Theo chủ trương mới của Chính phủ về việc thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh Covid-19, các hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp đang phục hồi trở lại. Nhằm hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân, hạn chế mức tăng giá xăng dầu, trong các kỳ điều hành giá xăng dầu thời gian vừa qua, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã thực hiện chi sử dụng Quỹ BOG cho các mặt hàng xăng và dầu với mức chi từ 100-1.500 đồng/lít.

Việc điều hành giá xăng dầu nêu trên nhằm góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong quá trình phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh; tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5RON92 và xăng khoáng RON95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng xăng sinh học nhằm bảo vệ môi trường theo chủ trương của Chính phủ; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, giúp duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định cho thị trường trong nước; nỗ lực duy trì Quỹ BOG để có dư địa điều hành giá trong thời gian tới khi thị trường còn tiềm ẩn nhiều bất ổn; hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân.

Bộ Công Thương và Bộ Tài chính quyết định: Trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu, thực hiện tiếp tục không trích lập Quỹ BOG đối với các loại xăng, giảm trích lập Quỹ BOG đối với dầu diesel xuống mức 100 đồng/lít (kỳ trước trích lập ở mức 300 đồng/lít), giảm trích lập Quỹ BOG đối với dầu hỏa xuống mức 100 đồng/lít (kỳ trước trích lập là 300 đồng/lít) và giảm trích lập Quỹ BOG đối với dầu mazut xuống mức 300 đồng/kg (kỳ trước trích lập ở mức 400 đồng/kg).

Đồng thời, chi sử dụng Quỹ BOG xăng dầu đối với xăng E5RON92 ở mức 100 đồng/lít và xăng RON95 ở mức 500 đồng/lít (kỳ trước chi 300 đồng/lít), các mặt hàng dầu không chi.

Sau khi thực hiện trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu tại Mục 1 nêu trên, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau: Xăng E5RON92 không cao hơn 30.235 đồng/lít (tăng 602 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành), thấp hơn xăng RON95-III 1.243 đồng/lít, nếu không chi quỹ BOG ở mức 100 đồng/lít thì giá bán sẽ tăng 702 đồng/lít và giá bán sẽ là 30.335 đồng/lít; Xăng RON95-III: không cao hơn 31.578 đồng/lít (tăng 921 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành), nếu không chi quỹ BOG ở mức 500 đồng/lít thì giá bán sẽ tăng 1.421 đồng/lít và giá bán sẽ là 32.078 đồng/lít.

Dầu điêzen 0.05S: không cao hơn 26.394 đồng/lít (tăng 841 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu hỏa: không cao hơn 25.346 đồng/lít (tăng 941 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 20.901 đồng/kg (tăng 303 đồng/kg so với giá bán hiện hành).

Xăng/dầu

Thay đổi

Giá không cao hơn

Xăng E5RON92

+ 602 đồng/lít

30.235 đồng/lít

Xăng RON95-III

+ 921 đồng/lít

31.578 đồng/lít

Dầu diesel 0.05S

+ 841 đồng/lít

26.394 đồng/lít

Dầu hỏa

+ 941 đồng/lít

25.346 đồng/lít

Dầu mazut 180CST 3.5S

+303 đồng/kg

20.901 đồng/kg

Trên thế giới, ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 2/6 (theo giờ Việt Nam), trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 7/2022 đứng ở mức 115,17 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 7/2022 đứng ở mức 121,16 USD/thùng.

Giới phân tích cho rằng, để bù lắp sản lượng thiếu hụt này, EU sẽ phải tìm kiếm nguồn cung mới từ OPEC+, Tây Phi và Mỹ. Tuy nhiên, có một thực tế là sản lượng khai thác của OPEC+ cũng đang rất hạn chế, thấp hơn nhiều so với sản lượng mục tiêu được đặt ra. Còn với dầu đá phiến Mỹ, các dữ liệu gần đây cho thấy, sản lượng trong năm 2022 sẽ chỉ tăng được khoảng 900 ngàn thùng/ngày và chỉ có thể trở lại mức sản lượng trước khi dịch Covid-19 diễn ra vào năm 2023.

Còn với Nga, với lệnh cấm vận của EU, Nga sẽ buộc phải tìm kiếm các khách hàng mới và sẽ chủ yếu là ở châu Á, đặc biệt là Ấn Độ. Tuy nhiên, việc vận chuyển dầu thô từ Nga sang Ấn Độ sẽ rất khó khăn và đẩy chi phí tăng cao.

Ngoài ra, việc bán dầu thô Nga cũng gặp nhiều trở ngại bởi các lệnh cấm vận các mà EU, Mỹ và các nước đồng minh đang áp dụng, đặc biệt trong vấn đề thanh toán, vận chuyển.

Giá dầu hôm nay tăng mạnh còn do kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu tăng khi các thành phố, trung tâm thương mại, công nghiệp lớn của Trung Quốc như Thượng Hải, Bắc Kinh… trở lại trạng thái bình thường.

Minh Phương