Bộ Công Thương: Giá xăng dầu Việt Nam liên tiếp lập kỷ lục nhưng vẫn thấp hơn nhiều Quốc gia

Cập nhật: 17:00 | 31/05/2022 Theo dõi KTCK trên

Theo Bộ Công thương, giá xăng dầu của Việt Nam bằng mức bình quân của thế giới khi đứng thứ 86/170 quốc gia nhưng thấp hơn một số nước như Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc.

Thị trường thép xây dựng đồng loạt giảm mạnh

Giá tiêu hôm nay 31/5/2022: Đồng loạt đi ngang

Dự báo giá xăng trong nước ngày (1/6) tăng 'sốc'

Trong kỳ điều chỉnh gần nhất của Liên Bộ Công Thương - Tài chính, giá bán lẻ xăng trong nước tăng thêm gần 700 đồng/lít, đưa giá xăng RON 95 lên mức cao nhất lịch sử là 30.650 đồng/lít (tương đương 1,32 USD/lít). Như vậy, giá xăng hiện tại của Việt Nam vẫn thấp hơn một chút sao với giá xăng trung bình trên thế giới (1,39 USD/lít).

Trong số 10 quốc gia rẻ nhất hàng đầu, 4 quốc gia nằm ở châu Á và châu Phi. Tại khu vực Đông Nam Á, giá xăng dầu rẻ nhất là ở Malaysia với 0,467 USD/lít, trong khi giá xăng ở Singapore lại có mức giá gấp hơn 4 lần là 2,249 USD/lít. Với Thái Lan là 1,504 USD/lít, Lào là 1,672 USD/lít và Campuchia là 1,391 USD/lít.

2818-giaxang
Ảnh minh họa

Trước tình hình giá xăng dầu trong nước liên tục được điều chỉnh tăng như vậy, Bộ Tài chính đã quyết định giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng 2.000 đồng/lít, dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn 1.000 đồng/kg; dầu hỏa 700 đồng/lít từ ngày 1/4 đến hết ngày 31/12/2022. Mức giảm thuế này giúp hạ nhiệt giá xăng dầu từ đó hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp.

Do giá xăng dầu thế giới những ngày qua có xu hướng tăng nên giá xăng dầu trong nước ở kỳ điều chỉnh giá ngày 1/6 cũng sẽ tăng theo.

Hiện giá bán lẻ của các loại xăng trong nước đang thấp hơn giá bán xăng thành phẩm trung bình trên thị trường Singapore từ 350-850 đồng/lít.

Do đó, nếu cơ quan quản lý không trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu, mỗi lít xăng trong nước có thể tăng thêm khoảng 350-850 đồng. Theo đó, giá xăng RON 95 có thể vượt 31.000 đồng/lít, còn giá dầu cũng có thể tăng nhẹ. Nếu đúng như dự báo, giá xăng trong nước sẽ có lần tăng thứ 5 liên tiếp.

Theo báo cáo của Bộ Công thương, nguồn cung mặt hàng xăng dầu trong nước trong 5 tháng năm 2022 có nhiều biến động, trong nước chịu ảnh hưởng từ việc Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn giảm mạnh công suất sản xuất và không cung ứng đủ sản lượng xăng dầu cho thị trường như đã cam kết.

Trong khi đó, nguồn xăng dầu từ nhập khẩu gặp khó khăn do giá tăng mạnh, cạnh tranh lớn khi nguồn cung cấp bị gián đoạn do xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine.

Bộ Công thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu tăng cường lượng nhập khẩu, đồng thời, ban hành Quyết định số 242/QĐ-BCT ngày 24/2/2022 về việc phân giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm trong Quý II/2022 cho 10 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu nhằm bổ sung nguồn thiếu hụt từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn.

Các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đã đẩy mạnh việc nhập khẩu và nỗ lực cung ứng xăng dầu để duy trì nguồn cung cho thị trường nên cơ bản nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước từ đầu năm đến nay luôn được đảm bảo.

Bộ dự tính, nguồn cung xăng dầu dự quý II/2022 khoảng 6,7 triệu m3 bao gồm: Nguồn cung từ các nhà máy sản xuất trong nước (Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn dự kiến là 1,8 triệu m3, Nhà máy lọc dầu Bình Sơn dự kiến là 1,9 triệu m3), nguồn nhập khẩu khoảng 1,5 triệu m3 (chưa tính đến việc doanh nghiệp phải thực hiện theo Quyết định số 242/QĐ-BCT là 800 nghìn m3/tháng, tương đương cả quý II là 2,4 triệu m3) và nguồn tồn kho từ quý I chuyển sang (1,5 triệu m3).

Với nguồn cung như trên sẽ đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của quý II và tồn kho gối đầu sang quý III khoảng 1,5 triệu m3.

Bộ trưởng Bộ Công thương, Nguyễn Hồng Diên khẳng định: "nguồn cung xăng dầu đã được đảm bảo, phục vụ cho tiêu dùng của xã hội và phát triển kinh tế”.

Về điều hành giá xăng dầu, Bộ Công thương cho rằng cơ quan điều hành đã linh hoạt để bảo đảm giá xăng dầu trong nước theo xu hướng diễn biến của giá xăng dầu thế giới, nhưng mức tăng thấp hơn.

Để điều hành hiệu quả thị trường xăng dầu trong nước, đặc biệt là cố gắng neo giữ mức giá bán xăng dầu không tăng quá cao, Bộ Công thương tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp về đảm bảo nguồn cung, giữ ổn định thị trường, đồng thời đề xuất các chính sách cụ thể về mức thuế, phí, dự trữ.

Liên Bộ Công thương - Tài chính đã phối hợp thực hiện nhất quán, đúng quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới.

Tính từ đầu năm tới nay, trong tổng số 13 kỳ điều hành giá có tới 10 lần giá xăng dầu tăng, chỉ 3 lần giảm. Giá xăng trong nước từ đầu năm đến nay đã tăng 6.741-6.774 đồng/lít. Còn tính trong 2 năm qua, giá xăng trong nước đã tăng tới gần 20.000 đồng/lít.

Thanh Hằng