Dự báo giá xăng trong nước ngày 1/6 tăng 'sốc'

Cập nhật: 08:28 | 31/05/2022 Theo dõi KTCK trên

Lãnh đạo doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu dự báo giá bán lẻ xăng dầu trong nước sẽ tiếp tục tăng trong kỳ điều hành ngày 1/6.

Giá xăng dầu hôm nay 31/5/2022: Bất ngờ tăng hàng loạt

Giá xăng trong nước tiếp tục vượt mốc 31.000 đồng/lít?

Giá xăng dầu hôm nay 30/5/2022: Một tuần đầy biến động

Theo dữ liệu của Bộ Công Thương, giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 27/5 tiếp tục tăng. Cụ thể, xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 có giá 146,08 USD/thùng, còn xăng RON 95 là 154, 26USD/thùng, cùng tăng 4,3 USD/thùng so với ngày 23/5.

Tương tự, giá dầu hỏa và dầu diesel cũng tăng 9 USD/thùng và 11 USD/thùng, lần lượt ở mức 146,43 USD/thùng và 149,49 USD/thùng. Riêng dầu mazut giảm 7,5 USD/thùng xuống còn 652,59 USD/tấn.

2628-giaxangtang2
Giá xăng có thể vượt mốc 31.000 đồng/lít vào ngày 1/6? (Ảnh minh họa)

Theo Báo Dân trí, lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu cho biết giá xăng trong nước đang âm so với giá xăng thế giới ở mức khá cao, với RON 95 lỗ khoảng 850 - 950 đồng/lít. Còn xăng E5 RON 92 cũng đang âm khoảng 250 - 350 đồng/lít, dầu diesel cũng âm 600 - 700 đồng/lít.

Vị này dự báo giá xăng trong nước ở kỳ điều chỉnh ngày 1/6 sẽ tiếp tục tăng lần thứ 5 liên tiếp, giá xăng RON 95 có thể vượt mốc 31.000 đồng/lít.

Giá xăng tăng cao tác động đến chỉ số tiêu dùng (CPI) và doanh nghiệp, người dân là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm và đề cập trong kỳ hợp lần này.

Đồng quan điểm, lãnh đạo doanh đầu mối xăng dầu ở Hà Nội cho biết, so với 10 ngày trước, giá bán lẻ của các loại xăng trong nước đang thấp hơn giá bán xăng thành phẩm trên thị trường Singapore. Do đó, kỳ này nhà điều hành sẽ để giá xăng cán mốc trên 31.000 đồng.

Tại thị trường thế giới, theo Oilprice, giá dầu tăng mạnh một phần bởi tồn kho xăng và dầu của Mỹ tiếp tục giảm. Dự đoán sẽ có một đợt tăng giá khác vào mùa hè năm nay và giá dầu có thể chạm mức 140 USD một thùng.

Về phía EU, đến nay, gói trừng phạt thứ sáu (cấm vận của EU với dầu mỏ Nga) vẫn chưa được thông qua bởi Hungary phủ quyết. Nước này cho rằng lệnh cấm vận dầu Nga, một phần của gói trừng phạt thứ sáu, sẽ là đòn giáng mạnh vào nền kinh tế Hungary vì họ không thể dễ dàng lấy dầu từ nơi khác. Hungary - quốc gia phụ thuộc lớn vào dầu Nga - cho biết cần 5 năm và 5 tỷ USD để nâng cấp hệ thống các nhà máy lọc dầu của mình. Slovakia và Cộng hòa Czech cũng bày tỏ quan ngại tương tự.

Trong khi đó, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) cho rằng vẫn giữ nguyên tăng mục tiêu sản lượng của tháng 7 lên 432.000 thùng một ngày. Họ không thể nâng sản lượng bất chấp lời kêu gọi tăng thêm từ phương Tây để "hạ nhiệt" giá dầu.

Tại kỳ điều hành trước, Liên bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh tăng giá xăng. Cụ thể, giá xăng E5 RON92 tăng thêm 674 đồng/lít, lên mức 29.633 đồng/lít; xăng RON95 tăng 669 đồng/lít lên mức 30.657 đồng/lít.

Trong khi đó, giá các mặt hàng dầu lại được điều chỉnh giảm. Dầu diesel giảm 1.097 đồng/lít xuống mức 25.550 đồng/lít. Dầu hỏa giảm 763 đồng/lít xuống còn 24.400 đồng/lít. Dầu mazut giảm 962 đồng xuống còn 20.590 đồng/kg.

Theo TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế. Theo tính toán, khi giá xăng dầu tăng 10% sẽ làm GDP giảm khoảng 0,5% - mức giảm khá lớn, phản ánh tác động rất mạnh của biến động giá xăng dầu tới tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, kinh tế trong nước phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, với tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế là 37%. Khi giá xăng dầu thế giới tăng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu và nguyên vật liệu trong nước.

Minh Phương

Tin cũ hơn
Xem thêm