Giá tiêu hôm nay 13/6/2022: Thị trường giao dịch trầm lắng

Cập nhật: 06:18 | 13/06/2022 Theo dõi KTCK trên

Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước thu mua trong khoảng 71.000 - 74.500 đồng/kg. Nhu cầu xuất khẩu yếu đang làm giảm giá thị trường trong nước. Cùng chung trạng thái, giá tiêu xuất khẩu từ các nước thành viên của Hiệp hội Hồ tiêu Thế giới cũng đều sụt giảm.

Giá hồ tiêu hôm nay 10/6/2022: Nhập khẩu hồ tiêu tăng 'đột biến'

Giá hồ tiêu hôm nay 9/6/2022: Thị trường xuất khẩu gặp khó khăn

Giá hồ tiêu hôm nay 8/6/2022: Nhích nhẹ tại một số địa phương

Cụ thể, tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 72.000 đồng/kg. Tại tỉnh Gia Lai, giá tiêu hôm nay ở mức 71.000 đồng/kg.

Trong khi đó tại Đồng Nai, giá tiêu hôm nay ở mức 71.000 đồng/kg. Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay ở mức 74.500 đồng/kg. Còn tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 73.000 đồng/kg.

Giá tiêu hôm nay đi ngang tại các vùng trồng trọng điểm so với cùng thời điểm hôm qua. Tổng kết tuần giá tiêu trong nước giảm 500 - 1.000 đồng/kg tùy từng địa phương. Tuần trước giá tiêu tăng 1.500 - 2.000 đồng/kg.

1711-giahoteieu
Ảnh minh họa

Cộng đồng Hồ tiêu quốc tế đánh giá, thị trường tuần này phản ứng trái chiều với duy nhất giá tiêu quốc tế của Việt Nam được ghi nhận giảm. Còn giá tiêu Ấn Độ được báo cáo là ổn định. Giá tiêu trắng Indonesia tiếp tục tăng.

Cũng trong tuần này, Cộng đồng Hồ tiêu thế giới đã niêm yết giá tiêu đen và tiêu trắng xuất khẩu của Việt Nam giảm mạnh 200 USD/tấn, tương ứng với 3.950 USD/tấn tiêu đen loại 550g/l và 5.750 USD/tấn với tiêu trắng.

Theo thống kê, giá tiêu xuất khẩu bình quân trong tháng 5/2022 đạt 4.504 USD/tấn, giảm 2,7% so với giá xuất khẩu bình quân của tháng 4/2022. Nhu cầu xuất khẩu yếu đang làm giảm giá thị trường trong nước.

Suy thoái kinh tế toàn cầu khiến xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam sụt giảm đáng kể trong tháng 5/2022. Cùng chung trạng thái, giá tiêu xuất khẩu từ các nước thành viên của Hiệp hội Hồ tiêu Thế giới (IPC) cũng đều sụt giảm vì nhu cầu tại các thị trường tiêu thụ chính giảm bớt trong tháng 5/2022.

Theo chuyên gia, kỳ vọng các thị trường tiêu thụ hồ tiêu truyền thống của nước ta sẽ tăng tốc nhập khẩu, sau khi những định chế tài chính lớn của thế giới sẽ có những chính sách phù hợp tích cực hơn để ngăn ngừa lạm phát toàn cầu vượt mức trong thời gian tới.

Trong thời gian tới, sản xuất hồ tiêu Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục gặp bất lợi do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cùng với các nguyên nhân khách quan như sốt giá đất, giá phân, giá thuốc và nhân công tăng.

Trong khi đó, quốc gia cung cấp hồ tiêu lớn thứ hai toàn cầu là Brazil vẫn đang duy trì tốc độ tăng trưởng tốt cả về số lượng và giá trị xuất khẩu. Sự kiên định của Trung Quốc trong việc thực hiện chính sách "Zero Covid" không chỉ khiến chuỗi cung ứng nội địa đứt gãy mà còn tác động đến giá hồ tiêu Việt Nam trong thời gian tới.

Xuất khẩu hồ tiêu sang Trung Quốc dự báo tiếp tục giảm, đồng thời một số lô hàng hồ tiêu đang bị kẹt ở cửa khẩu có thể sẽ bị bán ngược lại Việt Nam để cắt lỗ sẽ gây áp lực lên giá tiêu trong nước.

Ngoài ra, tình trạng tắc nghẽn vận tải biển có thể trở nên trầm trọng hơn sau khi các biện pháp phong tỏa và hạn chế của Trung Quốc được nới lỏng, bởi sẽ có sự bùng nổ lượng hàng hóa vận chuyển, từ đó tạo sức ép lớn đối với giá cước giao ngay.

Mặc dù vậy, hầu hết các quốc gia đã trở lại bình thường và sống an toàn với Covid-19. Các chuyến bay quốc tế đã được nối trở lại và các biện pháp hạn chế được gỡ bỏ, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương và phục hồi kinh tế.

Do đó, các chương trình xúc tiến thương mại cũng được kỳ vọng sẽ được thực hiện như kế hoạch trong năm 2022 sẽ giúp các doanh nghiệp tiếp cận được với khách hàng sau hai năm bị gián đoạn.

Thanh Hằng