Giá thép trong nước tiếp tục điều chỉnh giảm lần thứ 10: Giảm 2,3 triệu đồng/tấn

Cập nhật: 17:08 | 22/07/2022 Theo dõi KTCK trên

Hôm nay, nhiều doanh nghiệp thép tiếp tục hạ giá sản phẩm với mức giảm từ 100.000 - 250.000 đồng/tấn. Đợt điều chỉnh này là lần giảm thứ 10 liên tiếp kể từ ngày 11/5.

Giá thép hôm nay 20/7/2022: Duy trì đà tăng

Giá thép hôm nay 21/7/2022: "Ngóng chờ" tin vui

Giá thép hôm nay 22/7/2022: Sắc xanh ngày cuối tuần

Ngày 22/7, nhiều doanh nghiệp sản xuất đồng loạt hạ 100.000 - 250.000 đồng/tấn giá các sản phẩm thép, hiện giá thép xây dựng đang ở mức 15,8 - 16,7 triệu đồng/tấn. Đây là đợt giảm thứ 3 trong tháng 7 và đợt thứ 10 kể từ ngày 11/5, theo số liệu của Steel Online.

Tại khu vực miền Bắc, Hòa Phát điều chỉnh giảm 300.000 đồng/tấn và 110.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300. Sau điều chỉnh, giá hai loại này còn 15,6 triệu đồng/tấn và 16,3 triệu đồng/tấn.

Giá thép trong nước tiếp tục điều chỉnh giảm giá lần thứ 10 (Ảnh minh họa - Nguồn ảnh: Internet)
Giá thép trong nước tiếp tục điều chỉnh giảm giá lần thứ 10 (Ảnh minh họa - Nguồn ảnh: Internet)

Còn tại miền Nam, Hòa Phát hạ 200.000 đồng/tấn với cả hai dòng thép, hiện thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 lần lượt ở mức 15,7 triệu đồng/tấn và 16,2 triệu đồng/tấn.

Tại miền Trung, giá thép cuộn CB240 giảm 100.000 đồng/tấn xuống còn 15,8 triệu đồng/tấn, còn giá thép D10 CB300 đi ngang ở mức 16,5 triệu đồng/tấn.

Tương tự như Hòa Phát, thép Việt Ý cũng giảm lần lượt 360.000 đồng/tấn và 200.000 đồng/tấn với CB240 và D10 CB300, xuống còn 15,5 triệu đồng/tấn và 16,1 triệu đồng/tấn.

Thép Việt Đức hạ giá hai loại thép 310.000 đồng/tấn với CB 240 xuống còn 15,5 triệu đồng/tấn và giảm 200.000 đồng/tấn với thép D10 CB300 còn 16,1 triệu đồng/tấn.

Ngoài ra, thương hiệu thép miền Nam giảm 300.000 đồng/tấn và 210.000 đồng/tấn với thép CB240 và D10 CB300, xuống còn lần lượt 15,9 triệu đồng/tấn và 16,5 triệu đồng/tấn.

Hiệp hội Thép Việt Nam lý giải giá thép xây dựng có 10 đợt giảm liên tiếp với tổng mức 2,1-2,3 triệu đồng/tấn do nhu cầu thép giảm trong quý II.

Ngoài ra, giá nguyên liệu đầu vào sản xuất thép đi xuống cũng là một yếu tố khiến giá mặt hàng này liên tục điều chỉnh giảm trong hai tháng qua.

Cụ thể, giá than mỡ luyện cốc (Hard coking coal) xuất khẩu tại cảng Australia ngày 7/6 giao dịch ở mức khoảng 320 USD/tấn FOB, giảm mạnh so với mức 520 hồi tháng 4.

Giá quặng sắt loại (62% Fe) ngày 11/7 giao dịch ở mức 113 USD/Tấn CFR cảng Thiên Tân, Trung Quốc, giảm khoảng 33,75 USD/tấn so với thời điểm đầu tháng 6. Mức giá này giảm khoảng 100 USD/tấn so với mức giá cao nhất hồi đầu tháng 5/2021.

Tuy nhiên, trái ngược với sắt thép, giá một số vật liệu xây dựng khác vẫn đang trên đà tăng mạnh. Điển hình là xi măng đã có 3 lần tăng giá kể từ đầu năm 2022 sau khi giá than đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái do nguồn cung thắt chặt. Giá cát bê tông cũng tăng lên hơn 20% so với hồi đầu tháng 6/2021. Các vật liệu xây dựng khác như gạch, đá cũng biến động tăng nhẹ so với năm trước.

Tương tự, trong tháng 6, giá thép phế nội địa giảm mạnh từ 1.000-1.400 đồng, dao động 8.500-9.400 đồng/kg.

Giá phế nhập khẩu giảm 130 USD/tấn giữ mức 370 USD/tấn CFR vào cuối tháng 6. Giá thép phế liệu loại HMS 1⁄2 80:20 nhập khẩu cảng Đông Á ở mức 395 USD/tấn CFR Đông Á ngày 11/7 giảm 100 USD/tấn so với hồi đầu tháng 6.

Ngoài ra, chúng tôi cũng xin giới thiệu tới độc giả các thông tin về giá khác mà nhiều người quan tâm được liên tục cập nhật như: #Tỷ giá ngoại tệ #giá vàng #Giá xăng dầu hôm nay #giá hồ tiêu hôm nay #giá heo hơi hôm nay #giá cà phê #cập nhật bảng giá điện thoại. Kính mời độc giả đón đọc.

Minh Phương