Giá heo hơi hôm nay 1/10/2021: Điều chỉnh giảm tại nhiều địa phương

Cập nhật: 06:15 | 01/10/2021 Theo dõi KTCK trên

Giá heo hơi hôm nay điều chỉnh giảm tại nhiều địa phương khu vực Bắc - Nam. Hiện nay, giá thu mua heo hơi cả nước dao động trong khoảng 41.000 - 49.000 đồng/kg. Nghệ An nhanh chóng tìm phương án phòng, chống và dập dịch tại 13 xã trên địa bàn huyện Diễn Châu.

Dự báo giá heo hơi ngày 1/10/2021: Giá thu mua sẽ tiếp tục đi xuống trong thời gian tới?

Giá heo hơi hôm nay 30/9/2021: Duy trì xu hướng giảm

Dự báo giá heo hơi ngày 30/9/2021: Các địa phương vẫn duy trì đà giảm?

Tại khu vực miền Bắc, thị trường heo hơi hôm nay điều chỉnh giảm 1.000 - 2.000 đồng/kg. Cụ thể, sau khi hạ nhẹ một giá, thương lái tại Bắc Giang và Hưng Yên lần lượt thu mua heo hơi tương ứng là 44.000 - 45.000 đồng/kg.

Tỉnh Tuyên Quang cũng điều chỉnh giảm 2.000 đồng/kg, hiện đang giao dịch với giá thấp nhất khu vực là 41.000 đồng/kg. Giá heo hơi hôm nay tại miền Bắc dao động trong khoảng 41.000 - 48.000 đồng/kg.

Thị trường heo hơi khu vực miền Trung, Tây Nguyên đồng loạt đứng yên trên diện rộng. Trong đó, mức giá thu mua heo hơi cao nhất trong khu vực là 49.000 đồng/kg, được ghi nhận tại các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi và Khánh Hòa.

Các địa phương còn lại vẫn đang giao dịch ổn định quanh mức trung bình là 47.000 đồng/kg. Giá heo hơi khu vực miền Trung, Tây Nguyên hôm nay dao động trong khoảng 45.000 - 49.000 đồng/kg.

1327-giaheohoi110
Giá heo hơi hôm nay tiếp tục điều chỉnh giảm tại hai miền Bắc - Nam (Ảnh minh họa)

Ông Nguyễn Trọng Bốn - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Diễn Châu cho biết, bệnh dịch tả heo châu Phi (DTHCP) tái bùng phát mạnh trên địa bàn huyện và ngày càng phức tạp hơn. Hiện đơn vị đã cắt cử cán bộ thú y xuống bám sát cơ sở nắm bắt tình hình, đồng thời phối hợp với các địa phương thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch, trong đó, tập trung cao cho công tác tiêu độc, khử trùng, đẩy mạnh tuyên truyền đến với người dân để bà con nâng cao ý thức phòng dịch.

"Nguyên nhân dịch tái bùng phát ở huyện Diễn Châu là do những ổ dịch cũ chưa xử lý triệt để mầm bệnh; người dân mua heo giống tái đàn không rõ nguồn gốc; thời tiết chuyển mùa, mưa nhiều, khiến mầm bệnh có cơ hội phát tán, nhất là đối tượng heo nái đang thời kỳ sinh sản rất dễ nhiễm dịch", ông Nguyễn Trọng Bốn cho hay, báo Nghệ An đưa tin.

Tại miền Nam, giá heo hơi giảm nhẹ tại nhiều địa phương trong khu vực. Theo đó, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Cà Mau, Tiền Giang, Trà Vinh và Bến Tre giảm 1.000 đồng/kg xuống còn 47.000 đồng/kg.

Tương tự, Sóc Trăng và Hậu Giang đang thu mua heo hơi với giá 46.000 đồng/kg sau khi hạ nhẹ một giá. Tỉnh Bạc Liêu giảm cao nhất 3.000 đồng/kg, hiện giao dịch với giá thấp nhất là 45.000 đồng/kg.

Giá heo hơi khu vực miền Nam hôm nay dao động trong khoảng 45.000 - 47.000 đồng/kg.

Giá heo giống hết thời 3 triệu đồng/con, heo hậu bị mua 10 tặng 1 vẫn ế ẩm

Trong quý III, giá heo hơi 3 miền dao động 43.000 – 53.000 đồng/kg, giảm 30 – 45% so với tháng 1 do đợt dịch COVID-19 bùng phát mạnh tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Theo Cục Chăn nuôi, khoảng 30% số lượng heo quá lứa đang tồn đọng, nhu cầu thả nuôi tái đàn của bà con nông dân sụt giảm. Cầu giảm đã kéo theo giá các loại con giống lao dốc.

Ông Nguyễn Hải Triều - Giám đốc kinh doanh HTX nông nghiệp sinh thái và dịch vụ Vũ Sơn Đức (Hà Tĩnh) cho biết: "3 tháng nay, giá heo giống nuôi thương phẩm loại 7 kg chỉ còn 1,3 triệu đồng/con, giảm hơn 1 triệu đồng/con so với đầu năm.

Giá rẻ là vậy nhưng tình hình xuất giống rất chậm, thậm chí không ai mua. Heo giống ế ẩm, giá thức ăn chăn nuôi lại tăng gần 40%, HTX đang lỗ ít nhất 300.000 đồng/con giống".

Thông thường, HTX chăm sóc đàn heo nái và xuất ra thị trường khoảng 1.500 con heo giống mỗi tháng.

Tuy nhiên, 3 tháng nay HTX gần như không xuất được heo giống vì người dân đã kiệt quệ tài chính, không còn động lực tái đàn sau khi nếm "trái đắng" giá heo giảm mạnh, kèm theo lo ngại dịch tả heo châu Phi bùng phát trở lại.

"Lúc mua heo giống giá 2,4 triệu đồng/con đến khi heo đạt 100 kg xuất chuồng chỉ bán chỉ được 4,5 triệu đồng/con. Với giá thức ăn như hiện nay, người nuôi đang lỗ khoảng 3 triệu đồng/con, thua đậm quá!", ông Triều nói.

Dù bán tháo hay nuôi tiếp đàn heo giống 5.500 con đều có nguy cơ lỗ tiền tỷ. Suy đi, tính lại, HTX vẫn chọn thuê chuồng, nuôi thương phẩm đàn heo với hy vọng giá heo hơi dịp Tết Nguyên đán về mức 55.000 – 60.000/kg để hòa vốn.

Ngoài yếu tố khách quan là dịch bệnh COVID-19, ông Triều cho rằng giá heo giống giảm một phần do thịt heo giá rẻ nhập khẩu từ nước ngoài tràn lan trên thị trường, ép giá heo trong nước giảm mạnh.

Ông Nguyễn Tấn Hậu - Giám đốc Công ty TNHH MTV Tám Do cho biết: "Heo hậu bị 90 – 100 kg nay chỉ bán được giá 50.000 đồng/kg cộng thêm 3 triệu phí chọn giống, giảm 2 – 3 triệu so với đầu năm.

Ngay cả khi công ty xác định vừa bán vừa cho, áp dụng khuyến mại mua 10 tặng 1 vẫn khó tiêu thụ. Tính ra một con heo hậu bị, công ty chỉ thu về được 7,2 triệu, vừa bằng giá thành sản xuất và gần như nuôi không công", ông Hậu nói.

Mỗi tháng, công ty Do Tám xuất khoảng 600 con heo hậu bị nhưng nhu cầu tái đàn giảm khiến công ty chỉ bán ra thị trường được 300 con heo hậu bị/tháng, giảm một nửa so với trước dịch COVID-19.

Hơn 300 con heo còn lại, công ty sẽ chọn những con có khả năng sinh sản tốt, thay thế đàn cũ hoặc chuyển sang bán như heo thịt.

"Bán heo hậu bị 100 kg sẽ thu về 7 - 8 triệu đồng/con nhưng xả thịt ra bán thương phẩm chỉ được 4,6 triệu đồng/con và công ty lỗ khoảng 3 triệu đồng tiền phí giống, chăm sóc", ông Hậu nói.

Ngoài kinh doanh heo hậu bị, công ty Do Tám còn sản xuất và xuất chuồng khoảng 1.400 con heo thịt ra thị trường mỗi tháng.

Sau nhiều biến cố, ông Hậu chia sẻ dù giá heo đang giảm sâu nhưng heo thịt cứ đạt 100 kg phải bán, giá nào ông cũng bán bởi cố nuôi thêm chỉ tốn thức ăn, tỷ lệ mỡ cao càng khó tiêu thụ.

Thực tế, dịch COVID-19 kéo dài ngoài dự tính của người chăn nuôi ở Đồng Nai khiến số lượng heo 150 kg tồn đọng nhiều, giá heo giảm xuống chỉ còn 30.000 – 32.000 đồng/kg.

Giá heo hơi giảm sâu, giá thức ăn chăn nuôi tăng phi mã khiến người chăn nuôi nhỏ lẻ rời bỏ thị trường.

Tuy nhiên, nhìn lại ông Hậu cũng cho rằng điều khó nhất đối với người chăn nuôi nhỏ lẻ là nguồn vốn lưu động không nhiều, chi phí chăn nuôi cao hơn so với doanh nghiệp sản xuất theo hướng công nghiệp.

Vì vậy, nông dân cần theo dõi thị trường và có kế hoạch chăn nuôi phù hợp để không "mua đỉnh, bán đáy".

Thanh Hằng

Tin cũ hơn
Xem thêm