Fecon báo lãi giảm sâu 72%, phải dời lịch chi trả cổ tức năm 2022 vì kinh doanh gặp khó

Cập nhật: 10:00 | 01/11/2023 Theo dõi KTCK trên

Do tình hình thị trường xây dựng gặp nhiều khó khăn, tiến độ triển khai một số dự án lớn bị chậm dẫn đến việc ký kết hợp đồng bị ảnh hưởng, Fecon chỉ lãi vỏn vẹn hơn 200 triệu đồng trong quý III/2023.

Fecon báo lãi giảm sâu 72%, phải dời lịch chi trả cổ tức năm 2022 vì kinh doanh gặp khó
Fecon báo lãi giảm sâu 72%

Vừa qua, Công ty CP Fecon (HOSE: FCN) đã công bố báo cáo tài chính quý III/2023 và lũy kế 9 tháng đầu năm. Không tránh khỏi diễn biến khó khăn chung của ngành xây dựng, Fecon ghi nhận doanh thu thuần giảm 18% so với cùng kỳ, xuống chỉ còn 547,6 tỷ đồng.

Trong khi đó, giá vốn hàng bán giảm 17% so với cùng kỳ, đạt 467,5 tỷ đồng, vẫn còn ở mức cao. Lợi nhuận gộp của Fecon theo đó chỉ còn 80 tỷ đồng, giảm 22% so với mức 101,9 tỷ đồng của quý III/2022.

Kỳ này, doanh thu hoạt động tài chính của Fecon đạt 12,4 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ năm trước.

Điểm sáng trong kỳ kinh doanh của Fecon là chi phí được tiết giảm đáng kể. Cụ thể, chi phí tài chính của Fecon giảm 20% so với cùng kỳ, chỉ còn 44,8 tỷ đồng. Chi phí bán hàng cũng giảm gần một nửa, ở mức 3,5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái đạt 6,9 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng giảm 13% so với cùng kỳ, đạt 44,7 tỷ đồng.

Trong khi khoản thu nhập khác của Fecon đi lùi 39% so với cùng kỳ, giảm xuống chỉ còn 895 triệu đồng thì các khoản lợi nhuận khác của Fecon tăng đột biến đạt 1,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước doanh nghiệp này lỗ hơn 127 triệu đồng.

Sau cùng, Fecon lãi sau thuế vỏn vẹn 213 triệu đồng, giảm 72% so với quý III/2022.

Giải trình về việc lợi nhuận sau thuế giảm mạnh, Fecon cho biết, bên cạnh sự sụt giảm của doanh thu, nguyên nhân khác là do trong quý III/2023, tình hình thị trường xây dựng diễn biến không thuận lợi, tiến độ triển khai một số dự án lớn bị chậm hơn so với kế hoạch dự kiến ban đầu khiến tiến độ chào thầu cũng bị ảnh hưởng, việc ký kết hợp đồng bị kéo dài dẫn đến sản lượng thi công đạt thấp.

Fecon báo lãi giảm sâu 72%, phải dời lịch chi trả cổ tức năm 2022 vì kinh doanh gặp khó
Kết quả kinh doanh của Fecon thời gian gần đây

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Fecon ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.830 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 1,5 tỷ đồng, giảm 22% so với 3 quý đầu năm 2022.

Năm nay, Fecon đề ra kế hoạch kinh doanh với mục tiêu đạt 3.800 tỷ đồng doanh thu và 125 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy, với kết quả trên, sau 9 tháng đầu năm, Fecon mới hoàn thành 48% chỉ tiêu doanh thu và 1% chỉ tiêu lợi nhuận. Khả năng hoàn thành kế hoạch kinh doanh cả năm cũng dần trở nên xa tầm với.

Về sức khỏe tài chính, tính đến ngày 30/9/2023, tổng tài sản của Fecon đạt 7.631,4 tỷ đồng, tăng 1% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn và dài hạn lần lượt đạt 5.140,5 tỷ đồng và 2.490,8 tỷ đồng, tương ứng giảm 2% và tăng 6% so với số đầu năm.

Cụ thể, tiền và các khoản tương đương tiền đạt 225,8 tỷ đồng, tăng 22%, các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 15 tỷ đồng, giảm mạnh 48% so với cùng kỳ. Ngoài ra, các khoản phải thu ngắn hạn cũng giảm 8%, chỉ còn 2.995,5 tỷ đồng. Hàng tồn kho đạt 1.760,7 tỷ đồng, tăng 6% so với số đầu năm, tài sản ngắn hạn khác giảm nhẹ.

Với tài sản dài hạn, Fecon ghi nhận tài sản dở dang dài hạn và các khoản đầu tư tài chính dài hạn cùng tăng mạnh, lần lượt đạt 51 tỷ đồng và 403,8 tỷ đồng, tương ứng tăng 28% và 45% so với thời điểm đầu năm. Còn lại các khoản mục khác giảm không đáng kể.

Về nguồn vốn, vốn chủ sở hữu của Fecon đạt 3.407,8 tỷ đồng, giảm nhẹ gần 3% so với số đầu năm.

Về cơ cấu nợ, tổng nợ phải trả của Fecon chỉ tăng nhẹ 3%, đạt 4.223,6 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn chiếm tới 78%, ghi nhận ở mức 3.291 tỷ đồng và tăng 5% so với số đầu năm. Ngược lại, nợ dài hạn giảm nhẹ 2%, về mức 932,4 tỷ đồng.

Trong kỳ kinh doanh quý III, ngày 13/9/2023, Fecon đã chi 25 tỷ đồng mua lại trái phiếu trước hạn mã trái phiếu FCNH2223001 loại trái phiếu mệnh giá 1 triệu đồng kỳ hạn 18 tháng, ngày phát hành là 13/6/2022 và ngày đáo hạn là 13/12/2023. Khối lượng phát hành là 150 tỷ đồng, khối lượng đang lưu hành theo mệnh giá là 75 tỷ đồng. Khối lượng còn lại sau khi mua lại theo mệnh giá là 50 tỷ đồng.

Trong một diễn biến khác, do tình hình kinh doanh và cân đối thu chi gặp nhiều khó khăn, HĐQT Fecon đã ban hành Nghị quyết phê duyệt thời gian thanh toán cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt. Theo đó, Fecon quyết định dời thời gian thanh toán cổ tức năm 2022 sang quý I/2024.

Ngày 26/10 vừa qua, HĐQT Fecon cũng thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ đợt 1 năm 2023 với tổng giá trị phát hành tối đa là 150 tỷ đồng. Tài sản bảo đảm là cổ phần bao gồm cổ phần của Fecon, Công ty CP Fecon South (FCS), Công ty CP Năng lượng Fecon (FCP), Công ty CP Công trình ngầm Fecon Raito (FRU) và Công ty CP Đầu tư Fecon (FCI) với tổng cộng hơn 44 triệu cổ phần. Tỷ lệ bảo đảm không thấp hơn 200%.

Trên sàn chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 31/10, giá cổ phiếu FCN dừng lại ở mức 11.300 đồng/cp, giảm 34% trong vòng 3 tháng trở lại đây.

Chưa kịp bàn giao đất cho khách hàng, Kinh Bắc “bay hơi” hơn 1.900 tỷ lợi nhuận

Nếu như trong hai quý đầu năm, Kinh Bắc là một trong những cái tên “gánh team” của ngành địa ốc, thì bước sang quý ...

Hé lộ bức tranh tài chính của Lizen - doanh nghiệp mới trúng gói thầu 1.253 tỷ tại dự án Vành đai 4

Không lâu sau khi trúng gói thầu 1.253 tỷ đồng tại Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, Công ty CP Lizen (HOSE: ...

9 tháng đầu năm, lãi sau thuế của Vinaconex (VCG) "bốc hơi" gần 80%

9 tháng đầu năm, mặc dù doanh thu tăng nhưng lợi nhuận sau thuế của Vinaconex chỉ đạt 205 tỷ đồng, giảm gần 80% so ...

Ngọc Bích