Dự kiến xuất khẩu năm 2021 tăng khoảng 10,7%

Cập nhật: 11:23 | 03/09/2021 Theo dõi KTCK trên

Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu cả năm 2021 ước đạt khoảng 313 tỷ USD, tăng khoảng 10,7% so với năm 2020, vượt mục tiêu Chính phủ giao (4-5%) và vượt mục tiêu Kế hoạch đề ra của Bộ Công Thương tại Quyết định số 163/BCT-KH ngày 19/1/2021 (4-5%).

Ngành dệt may hy vọng kịch bản thay thế ở mức 36 tỷ USD

Giá dầu thô xuất khẩu của Việt Nam khởi sắc theo giá dầu thế giới

Bộ Công Thương yêu cầu siết chặt, ưu tiên tiêu thụ hàng nội địa

Trên cơ sở sơ bộ tình hình xuất khẩu những tháng đầu năm, trường hợp dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động sản xuất sớm được khôi phục trở lại.

Theo Bộ Công Thương, tháng 8/2021 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 26,2 tỷ USD, giảm 6% so với tháng trước và giảm 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 212,55 tỷ USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm trước. Hiện cả nước đã có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.

Về thị trường xuất khẩu hàng hóa 8 tháng năm 2021, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Tiếp đến là Trung Quốc, EU, ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Ở chiều ngược lại, tháng 8/2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 27,5 tỷ USD, giảm 5,5% so với tháng trước. Tính chung 8 tháng năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 216,26 tỷ USD, tăng 33,8% so với cùng kỳ năm trước.

2204-xuatkhau
Ảnh minh họa

Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 8 tháng năm 2021, chiếm đa số vẫn là nhóm hàng tư liệu phục vụ sản xuất và xuất khẩu, đạt 204,16 tỷ USD, tăng 34,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó những nhóm hàng nhập khẩu nhiều là máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu. Tính chung 8 tháng năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu 3,71 tỷ USD .

Theo nhận định từ các chuyên gia thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa những tháng còn lại cuối năm được dự báo đối diện với những thuận lợi và thách thức đan xen; trong đó, dịch bệnh là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sẽ phụ thuộc rất lớn vào tốc độ kiểm soát dịch bệnh.

Đơn cử, với nhiều ngành trong nhóm công nghiệp chế biến hiện đang bị đứt gãy cung cầu do nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động khi không đáp ứng được các tiêu chuẩn "3 tại chỗ", 1 cung đường 2 điểm đến. Nếu kéo dài, tình trạng này sẽ gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, các hiệp định thương mại tự do đang dần được thực thi một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn sẽ tiếp tục tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi, thông qua đó thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng mạnh trong thời gian tới, khi dịch bệnh được kiểm soát. Giá hàng hóa xuất khẩu cũng đang có xu hướng tăng, nhất là các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam sẽ là động lực quan trọng để gia tăng giá trị xuất khẩu.

Thời gian qua, để tháo gỡ khó khăn cho xuất nhập khẩu, các Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương đã có nhiều đề xuất như tạo luồng xanh trong vận chuyển, lưu thông mặt hàng gạo bằng đường thủy, tạo điều kiện về giờ làm việc cho nhân viên tại các cảng biển.

Gần nhất là đề nghị Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương tháo gỡ khó khăn cho vận chuyển, lưu thông hàng hóa. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi trong cấp giấy chứng nhận hàng hóa cho doanh nghiệp.

Các đơn vị thuộc bộ cũng thường xuyên nắm bắt tình hình thị trường và có khuyến cáo kịp thời cho doanh nghiệp. Cùng với những kinh nghiệm đã tích lũy được trong thời gian qua, có thể kỳ vọng hoạt động xuất khẩu hàng hóa khởi sắc hơn trong thời gian tới.

Phân tích từ các chuyên gia cho thấy, sở dĩ hoạt động xuất khẩu hàng hóa 8 tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn là do các địa phương phía Nam giãn cách kéo dài; các địa phương phía Bắc còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Thống kê của Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Tp. Hồ Chí Minh, chỉ có khoảng 600 doanh nghiệp của thành phố tiếp tục hoạt động nhờ áp dụng chế độ này, là con số quá ít ỏi so với hàng chục nghìn doanh nghiệp của thành phố. Bởi doanh nghiệp ngừng hoạt động sẽ không đáp ứng được đơn hàng xuất khẩu.

Ở phía Bắc, hiện nay vấn đề về tiêm vaccine cho người lao động đang là khó khăn đối với doanh nghiệp. Những tỉnh như Bắc Ninh, Bắc Giang đang có nhu cầu triển khai nhanh việc tiêm chủng vì trong môi trường sản xuất tập trung, số lượng nhân công lớn như vậy tiềm ẩn nguy cơ rất lớn về dịch bệnh, nhất là khi biến chủng Delta có tốc độ lây lan rất nhanh.

Bộ Công Thương nhận định, xuất nhập khẩu hàng hóa từ nay đến cuối năm được dự báo đối diện với những thuận lợi và thách thức đan xen; trong đó, dịch bệnh là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sẽ phụ thuộc rất lớn vào tốc độ kiểm soát dịch bệnh.

Bên cạnh đó, thời điểm hiện tại, mặc dù triển khai tiêm phòng vaccine COVID-19 đã có những tín hiệu tích cực ở một số quốc gia, trong ngắn hạn dịch bệnh chưa thể được ngăn chặn hoàn toàn.

Trên thế giới, dịch bệnh vẫn nghiêm trọng tại một số quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á như Ấn Độ, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Indonesia, Thái Lan… Trong nước, dịch bệnh lây lan nhanh tại một số địa phương như Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Tp. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và 16 tỉnh thành phía Nam đã ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động sản xuất phục vụ xuất khẩu, nhất là khi thời điểm quý II là giai đoạn rất quan trọng để chuẩn bị các đơn hàng cuối năm.

Nửa cuối năm 2021, nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng cao theo chu kì xuất nhập khẩu hàng hóa và tín hiệu phục hồi của cầu hàng hóa trên thị trường thế giới, đặc biệt đối với ngành điện tử, máy móc thiết bị, đồ gỗ, hàng dệt may và thủy sản.

Đặc biệt, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đang dần được thực thi một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn, dự báo hoạt động xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục khởi sắc.

Về cán cân thương mại, nếu dịch bệnh được kiểm soát trong quý III, xuất khẩu sẽ được đẩy mạnh. Tuy nhiên theo chu kỳ, nhập khẩu quý IV thường tăng cao do đó dự kiến, năm 2021 có thể nhập siêu khoảng 2 tỷ USD.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, khi dịch bệnh diễn biến căng thẳng ở phía Nam, Bộ Công Thương đã thành lập "Ban Chỉ đạo cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phía Nam trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp", sau này đổi tên thành "Ban Chỉ đạo cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và hỗ trợ duy trì sản xuất, kinh doanh cho các tỉnh, thành phố trên cả nước trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp".

Từ Tổ công tác đặc biệt miền Nam, hiện nay, Bộ Công Thương đã thành lập Tổ công tác đặc biệt miền Bắc và miền Trung. Các Tổ công tác đang tập trung tháo gỡ khó khăn để phục vụ sản xuất của doanh nghiệp, qua đó giúp lấy lại đà tăng trưởng trong sản xuất, đóng góp cho hoạt động xuất khẩu.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng liên tục tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh. Đồng thời, tích cực đưa hàng hóa tiêu thụ trên các nền tảng thương mại điện tử.

Các hoạt động này đã giúp tiêu thụ rất tốt nông sản cho các địa phương: Bắc Giang, Hải Dương, Sơn La, các tỉnh, thành phố phía Nam…Các giải pháp này được kỳ vọng sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn, giúp hoạt động xuất nhập khẩu khởi sắc hơn.

Thu Uyên (Tổng hợp)

Tin liên quan