Dự kiến nguồn cung nông sản xuất khẩu giảm mạnh những tháng cuối năm 2021

Cập nhật: 09:15 | 11/08/2021 Theo dõi KTCK trên

Tổ công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và PTNT đánh giá, sản xuất nông nghiệp ở các tỉnh Nam Bộ đang gặp rất nhiều khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19, dự kiến các tháng cuối năm 2021, nguồn cung nông sản thực phẩm phục vụ xuất khẩu sẽ giảm mạnh.

Nâng cao chất lượng đưa nông sản Việt ra biển lớn, tạo thương hiệu cho thị trường Việt

Thị trường cà phê nhân chạm đỉnh sau 7 năm

Thị trường thép hình thành nên mặt bằng giá mới

Thông tin từ Tổ Công tác bảo đảm sản xuất, cung ứng nông sản, thực phẩm cho các tỉnh, TP phía Nam của Bộ NN&PTNT (Tổ Công tác 970) cho biết, hiện trang web kết nối cung cầu của Tổ (htx.cooplink.com.vn) đã có 1.144 đơn vị đăng ký và truy cập thường xuyên. Trong số này có 911 đầu mối bán và cung cấp hàng hóa (chiếm 80%); 141 đơn vị mua nông sản (chiếm 12,3%)… 911 đầu mối cung cấp nông sản, thực phẩm gồm 257 đầu mối rau củ; 224 đầu mối trái cây; 345 đầu mối thủy hải sản - chăn nuôi; 44 đầu mối lương thực; 41 đầu mối các mặt hàng khác.

5034-xuatkhaunongsan
Dự báo nguồn cung nông sản thực phẩm phục vụ xuất khẩu giảm mạnh (Ảnh minh họa)

Việc hình thành các đầu mối lớn cung cấp nông sản - hàng hóa giúp đẩy nhanh thời gian cung cấp hàng từ các tỉnh về TP Hồ Chí Minh và các địa phương có nhu cầu khác, trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ. Mỗi ngày kết nối thành công hàng trăm tấn nông sản và hàng hóa, bảo đảm cung ứng đầy đủ cho người dân các tỉnh, TP phía Nam.

Tổ công tác đánh giá, sản xuất nông nghiệp ở các tỉnh Nam Bộ đang gặp rất nhiều khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19, dự kiến 6 tháng cuối năm 2021, nguồn cung nông sản thực phẩm phục vụ xuất khẩu sẽ giảm mạnh. Nhu cầu thị trường vẫn rất lớn nhưng tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạo dẫn đến nhiều vùng nguyên liệu bị phong tỏa do giãn cách, việc thu hoạch và sản xuất bị ảnh hưởng, công suất tại các nhà máy chế biến thủy sản giảm còn 50%. Cây trồng không được chăm sóc, thiếu vật tư nông nghiệp, tâm lý người trồng không tốt dẫn đến việc thiếu sản phẩm có chất lượng cao để xuất khẩu. Dự kiến xuất khẩu rau củ quả 6 tháng cuối năm sẽ giảm khoảng 30%.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, mặc dù thị trường xuất khẩu khá thuận lợi, nhưng tăng trưởng xuất khẩu thủy sản nửa cuối năm phụ thuộc rất nhiều vào thời điểm và khả năng kiểm soát dịch bệnh Covid-19. Trong điều kiện tốt nhất, khi dịch lắng xuống và kiểm soát được dịch bệnh sau 3 tháng thì mức tăng xuất khẩu thủy sản hàng tháng trong khoảng 6-8%. Khi đó, xuất khẩu thủy sản năm 2021 có thể đạt mục tiêu 9 tỷ USD. Trong tình hình xấu hơn, dịch bệnh tiếp tục kéo dài và Trung Quốc tăng cường kiểm soát thủy sản đông lạnh nhập khẩu từ các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, thì xuất khẩu thủy sản chỉ có thể đạt tối đa khoảng 8,8 tỷ USD. Tình hình sản xuất thủy sản các tháng cuối năm đang phụ thuộc nhiều vào hoạt động của các nhà máy chế biến thủy sản.

Có một thực tế là, một số mặt hàng nông sản khó tiêu thụ, ứ đọng, giá xuống thấp như thanh long, chuối, dứa, chanh, gà lông trắng, cá tra, tôm dẫn đến một bộ phận nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp có tâm lý băn khoăn, chần chừ trong tái đầu tư sản xuất.

Để kích cầu sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, đảm bảo chuỗi giá trị không bị đứt gãy, cần thiết có một chương trình hỗ trợ tổng thể từ giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản cho đến sản xuất cung ứng nông sản trong thời gian tới" - Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhận định.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, nếu để những nhà máy chế biến thủy sản, chế biến gỗ, trái cây phải đóng cửa thì sẽ làm ảnh hưởng đến sinh kế của người nông dân, thậm chí làm đứt gãy chu kỳ sản xuất.

VASEP cũng cho rằng, với thực tế khó khăn hiện nay, xuất thủy sản nửa cuối năm 2021 chắc chắn sẽ tuột dốc, nếu không có giải pháp hỗ trợ cần thiết cho việc phục hồi sản xuất, xuất khẩu. Giải pháp cần kíp nhất là ưu tiên tiêm vắc xin cho người lao động trong nhà máy chế biến thủy sản để đảm bảo tiêu chí an toàn; tiếp đó là sự hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Thu Uyên (Tổng hợp)

Tin cũ hơn
Xem thêm