Nâng cao chất lượng đưa nông sản Việt ra biển lớn, tạo thương hiệu cho thị trường Việt

Cập nhật: 10:09 | 10/08/2021 Theo dõi KTCK trên

Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, kim ngạch xuất khẩu (XK) nhiều ngành hàng giảm sút nhưng XK các mặt hàng nông sản vào những thị trường như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU lại tăng trưởng…

Thị trường cà phê nhân chạm đỉnh sau 7 năm

Giá thép có thể tăng trở lại vào cuối năm 2021?

Dự báo nhu cầu cao su sẽ giảm do dịch COVID-19 bùng phát

Nhiều thị trường thế giới "khó tính" ưa chuộng nông sản Việt

Từ đầu năm đến nay kim ngạch XK mặt hàng nông sản tăng trưởng ở nhiều ngành hàng, do đã "xâm nhập" được vào các thị trường "khó tính". Thông tin của Bộ Công Thương cho thấy trong 7 tháng qua kim ngạch XK nông, lâm, thủy sản đạt 28,6 tỷ USD, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó XK nhóm nông sản đạt trên 12,2 tỷ USD, tăng 15,1%.

Thực tế hoạt động XK thời gian qua cho thấy, sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực (1/8/2020), doanh nghiệp Việt đã tận dụng cơ hội đưa sản phẩm nông sản mới thâm nhập vào thị trường này. Tháng 6/2021 lần đầu tiên EU nhập khẩu quả vải tươi của Việt Nam tiêu thụ tại Czech, Pháp, Hà Lan. Việc tiếp cận thành công thị trường cao cấp đã nâng vị thế của sản phẩm, mở ra cơ hội cho quả vải đến với thị trường mới.

5159-thitruong
Người tiêu dùng Nhật Bản mua vải thiều tại Tuần lễ hàng Việt tổ chức tại AEON (Nhật Bản) tháng 6/2021

Với kinh nghiệm nhiều năm xuất khẩu nông sản Việt sang các thị trường lớn, Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T Group Nguyễn Đình Tùng cho biết, hiện nông sản Việt đang rất được ưa chuộng tại những quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Úc, Canada hay Nhật Bản. Nước Úc đã nhập khẩu 3 loại quả là thanh long, vải, xoài. Hoa Kỳ đã cho phép doanh nghiệp Việt Nam đưa thanh long, chôm chôm, vải và nhãn vào thị trường này tiêu thụ.

Đặc biệt Nhật Bản có những yêu cầu khắt khe về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, quy trình sản xuất… nhưng doanh nghiệp Việt Nam đã XK thành công xoài và thanh long vào thị trường này.

Đánh giá lợi ích việc XK thành công mặt hàng trái cây vào thị trường Nhật Bản, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến-Đầu tư-Thương mại-Du lịch Hà Nội Nguyễn Thị Mai Anh nêu rõ, XK vào thị trường Nhật Bản không chỉ có ý nghĩa tăng thêm mặt hàng XK vào thị trường này, mà còn là điểm xuất phát để đưa hàng Việt Nam vào những thị trường khác. Điển hình như trái thanh long khi được vào Nhật Bản, ngay sau đó sản phẩm này đã vào được thị trường Mỹ.

Đưa nông sản Việt ra thế giới, khẳng định vị thế

Để các loại nông sản của Việt Nam được thị trường "khó tính" chấp nhận, các chuyên gia kinh tế nêu rõ yếu tố quan trọng nhất là DN phải nâng cao chất lượng sản phẩm, tuân thủ tuyệt đối quy định an toàn vệ sinh thực phẩm.

Chuyên gia tư vấn thương mại quốc tế của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) Makoto Nakamura cho hay, người dân Nhật Bản quan tâm nhất tới vấn đề chất lượng, an toàn cho sức khoẻ, sau đó mới đến giá cả, tính tiện lợi… ưu tiên cuối cùng mới là thực phẩm cao cấp. Do vậy, trước khi thông quan quy trình nhập khẩu nông sản, thực phẩm vào Nhật Bản đều phải qua các bước kiểm dịch động thực vật, kiểm tra sản phẩm có phù hợp với Luật Vệ sinh môi trường hay không.

Không chỉ Nhật Bản mới đưa ra những quy định khắt khe về chất lượng sản phẩm nông sản mà thị trường EU, Úc, Hoa Kỳ cũng có yêu cầu cao. Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) Tạ Hoàng Linh thông tin, nông sản là mặt hàng được bảo hộ tại EU nên quy định rất cao, chặt chẽ về dư lượng thuốc kháng sinh, thuốc trừ sâu, nguồn gốc xuất xứ.

Một vấn đề khác của nông nghiệp Việt Nam được chuyên gia kinh tế nêu ra, là kim ngạch XK nông sản tăng trưởng nhưng chủ yếu là XK nguyên liệu thô, tỷ trọng hàng qua chế biến vẫn còn thấp. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong phân tích, XK nông sản chủ yếu là nguyên liệu thô dẫn đến việc dù đã thâm nhập vào nhiều thị trường "khó tính", nhưng lại không có tên trên danh sách các thương hiệu nông sản nổi tiếng. Đồng thời phụ thuộc vào nước ngoài trong việc tiêu thụ dẫn đến tình trạng "được mùa mất giá".

Để khắc phục những điểm yếu này các chuyên gia kinh tế cho rằng, ngoài việc tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết, đòi hỏi Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT triển khai quyết liệt, đồng bộ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị và chất lượng, xây dựng, phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam. Cùng với đó doanh nghiệp cần chủ động trong việc chuẩn bị năng lực, nguồn hàng, nâng cao sức cạnh tranh thông qua xây dựng kế hoạch dài hạn, tuân thủ các quy định về chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc để thúc đẩy xuất khẩu nông sản bền vững.

Thu Uyên (Tổng hợp)