Đột phá với doanh thu vượt 700 tỷ, 'cây đại thụ' ngành mỳ ăn liền sắp chia cổ tức khủng

Cập nhật: 12:59 | 19/05/2024 Theo dõi KTCK trên

Từng chiếm tới 90% thị trường mỳ gói Việt Nam, thương hiệu này được biết đến với hình ảnh mỳ gói giấy in hình 2 con tôm, đặc biết được ưa chuộng ở các quán lẩu.

CTCP Lương thực Thực phẩm Colusa – Miliket (UPCoM: CMN) đã công bố doanh thu ấn tượng vượt ngưỡng 700 tỷ đồng trong năm 2023. Đáng chú ý, công ty này đã thông báo ngày 29/5 là thời hạn cuối cùng để cổ đông đăng ký nhận cổ tức cho năm 2023. Colusa – Miliket dự định sẽ chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 26%, tương đương 2.600 đồng cho mỗi cổ phiếu, và thời gian chi trả dự kiến là ngày 10/6.

Với 4,8 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Colusa – Miliket dự kiến sẽ chi hơn 12 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông trong đợt này. Kế hoạch này được đưa ra sau khi công ty đạt doanh thu kỷ lục 719 tỷ đồng trong năm 2023, tăng 14% so với năm trước. Mặc dù chi phí tăng cao, lợi nhuận sau thuế của công ty vẫn giữ mức 21 tỷ đồng, tương đương với năm 2022.

Đột phá với doanh thu vượt 700 tỷ, 'cây đại thụ' ngành mỳ ăn liền sắp chia cổ tức khủng
Kết qua kinh doanh của Colusa – Miliket qua các năm. Đơn vị: tỷ đồng

Trong năm 2024, Colusa – Miliket đặt mục tiêu tăng sản lượng 6% lên 19.000 tấn. Doanh thu dự kiến sẽ đạt 765 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 22 tỷ đồng, lần lượt tăng 4% và 5% so với năm 2023. Công ty cũng dự kiến duy trì tỷ lệ cổ tức 26% bằng tiền mặt.

Trong những năm gần đây, Colusa – Miliket thường trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ cao, dao động từ 17 – 33%. Hiện tại, ba cổ đông lớn nhất của công ty bao gồm Tổng công ty Lương thực Miền Nam – Vinafood 2 (30,72%), Công ty TNHH dịch vụ và thương mại Mesa (20,07%) và Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam – Vinataba (20%).

Colusa – Miliket, tiền thân là Xí nghiệp Lương thực Thực phẩm Colusa và Xí nghiệp Lương thực Thực phẩm Miliket, được thành lập năm 1972. Sau năm 1975, thương hiệu mì ăn liền Colusa – Miliket trở nên quen thuộc với gói mì giấy kraft và hình ảnh 2 con tôm. Sau nhiều lần đổi tên và sáp nhập, năm 2004, Xí nghiệp chế biến Lương thực Thực phẩm Colusa Miliket ra đời, và đến năm 2006, công ty này được cổ phần hóa với vốn điều lệ 48 tỷ đồng.

Vào những năm 1990, có thể nói, đây là thời kỳ hoàng kim của mì Miliket, khi mà điều kiện kinh tế của người dân đã ổn định hơn. Hàng hóa cũng được lưu thông rộng khắp các tỉnh thành. Mì Miliket trở nên phổ biến, trở thành món ăn khoái khẩu của mỗi gia đình. Thời điểm này, giá thành của mì Miliket được cho là hợp lý, cộng với sự tiện lợi, hương vị thơm ngon… nên đã xuất hiện dày đặc trong các gia đình. Có giai đoạn, Miliket chiếm tới 90% thị phần mì ăn liền tại Việt Nam.

Đột phá với doanh thu vượt 700 tỷ, 'cây đại thụ' ngành mỳ ăn liền sắp chia cổ tức khủng
Mỳ tôm của Miliket từng là là thương hiệu 'Quốc dân'

Nhưng đến những năm 2000, mì tôm Miliket dần trở nên 'lép vế' trước các tên tuổi như như Vina Acecook, Masan, với lợi thế về kênh phân phối và chiến lược quảng cáo. Đã có thời điểm tưởng như tên tuổi của Miliket sẽ bị thay thế, đào thải và chìm dần theo thời gian.

Rất may mắn là Miliket có lợi thế không phải “ông lớn” ngành mì nào cũng có, đó chính là sức mạnh của thói quen, hoài niệm, ký ức từ người tiêu dùng; sức mạnh từ sản phẩm từng trở thành một phần của nền văn hóa tiêu dùng người Việt; sự nhận diện thương hiệu cao; sự khéo léo, tận dụng lợi thế của hương vị truyền thống thân thuộc, bao bì đặc trưng… Mì Miliket vẫn tồn tại, phát triển, thậm chí quay trở lại một cách ngoạn mục, với định hướng phát triển riêng.

Sản phẩm của Miliket liên tục thay đổi, cải tiến để phục vụ tốt nhất cho nhu cầu người dân. Bên cạnh mì ăn liền truyền thống, Colusa – Miliket cũng phát triển các sản phẩm chế biến khác như miến, bún, phở, hủ tiếu, cháo ăn liền… và các mặt hàng gia vị như nước tương, tương ớt, bột canh, nước chấm thực vật… với mức giá phù hợp, phải chăng.

Đặc biệt, mì gói giấy vẫn là sản phẩm chủ lực, Miliket gói giấy 2 con tôm rất được ưa tại các quán nhậu và quán lẩu bình dân.

Colusa – Miliket hiện đã nhập khẩu dây chuyền công nghệ Nhật Bản, với công suất 500.000 gói mì mỗi ngày. Sản phẩm của công ty không chỉ phổ biến trong nước mà còn được xuất khẩu sang nhiều quốc gia như Úc, Pháp, Mỹ, Đức, Nga, Ba Lan, với hơn 200 nhà phân phối trên cả ba miền của đất nước.

Mai Chi

Tags: mỳ tôm
Tin liên quan