Doanh nghiệp có quỹ đất lớn dễ lọt vào tầm ngắm M&A

Cập nhật: 12:57 | 23/12/2021 Theo dõi KTCK trên

Với nhiều doanh nghiệp bất động sản, M&A được xem là một trong những kênh quan trọng trong chiến lược gia tăng thị phần trong ngành thông qua sở hữu quỹ đất lớn hoặc các dự án đầu tư có quy mô.

5502-ma

Trong danh sách các doanh nghiệp thoái vốn mà Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đang triển khai, những doanh nghiệp có quyền thuê đất, quyền sử dụng đất diện tích lớn như Tổng CTCP Điện tử và Tin học Việt Nam (VEC), Tổng CTCP Licogi,… được nhìn nhận sẽ có thể thoái vốn thành công. Dù hoạt động kinh doanh của những doanh nghiệp này bết bát nhưng lại được nhiều nhà đầu tư quan tâm nhất là liên quan đến kế hoạch thoái vốn của SCIC nhằm nắm quyền khai thác quỹ đất.

Chẳng hạn như VEC (Nhà nước nắm giữ hơn 80% cổ phần), hiện doanh nghiệp này hoạt động lay lắt nhưng có quyền thuê đất nhiều vị trí đẹp. Vì thế, giá bán cho đợt thoái vốn sắp tới được nhận định sẽ không dưới 2x (giá cổ phiếu VEC trên sàn chứng khoán gần đây dao động trong khoảng 16.000 - 17.000 đồng/cổ phiếu).

Tại Diễn đàn Mua bán - sáp nhập (M&A) doanh nghiệp Việt Nam do Báo Đầu tư tổ chức mới đây, các diễn giả đều chia sẻ quan điểm, môi trường M&A đang rất sôi động, Việt Nam đang là trọng điểm khiến môi trường cạnh tranh cao.

Ông Warrick Cleine - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia đánh giá, nhiều tập đoàn lớn đã đưa M&A vào chiến lược chính trong kế hoạch phát triển và mở rộng của mình trong đó có các doanh nghiệp bất động sản.

Theo thống kê của KPMG, trong 10 tháng đầu năm 2021, bất chấp những khó khăn do đại dịch COVID-19, quy mô giá trị thị trường mua bán, sáp nhập (M&A) Việt Nam vẫn đạt 8,8 tỷ USD - tăng 18% so với cùng kỳ 2020 trong đó 58% tổng giá trị các giao dịch này đến từ ngành tiêu dùng thiết yếu, bất động sản và tài chính.

Ông Angus Liew, Tổng Giám đốc Gamuda Land cho hay, giờ đây tìm một khu vực rộng rãi để phát triển dự án không dễ dàng nên Tập đoàn nhắm đến phát triển cả dự án bất động sản 1 ha trong đó M&A được dùng như một chiến lược kinh doanh quan trọng. Gamuda Land từng thành công khi chuyển đổi đất dự án nhà máy xử lý nước thải ở TP. HCM thành một khu phức hợp đẹp.

Đối với Fraser, tập đoàn nắm giữ 40 tỷ USD tài sản bất động sản trên khắp thế giới, cũng đặt mục tiêu thông qua M&A sẽ phát triển các dự án mới tại Việt Nam. Thời gian qua, Fraser phát triển được một dự án nhà ở, 2 tòa nhà văn phòng, một khu thương mại nhỏ, hiện đang triển khai thương vụ mua một dự án khu công nghiệp

“Từ năm 2019 đến nay, giá cả trên thị trường tăng nhanh, thị trường nóng và có nhiều nhà đầu tư tham gia. Chúng tôi có thể chốt được thương vụ là dựa vào khả năng tài chính. Tập đoàn luôn dự trữ một khoản để M&A khi có cơ hội”, ông Trương Anh Dương, Giám đốc Khối bất động sản nhà ở Frasers Việt Nam cho biết.

MBS: Thị trường M&A sẽ nở rộ nhờ sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài

Thống kê của hãng luật White & Case cho thấy trong 9 tháng đầu năm 2021, Việt Nam có 41 thương vụ mua bán và ...

Thị trường M&A Việt Nam thu hút nhiều 'ông lớn' trong nước tham gia

Thời gian gần đây, thị trường mua bán và sáp nhập (M&A) Việt Nam bùng nổ với hàng loạt các thương vụ có giá trị ...

Danh Khôi (NRC) huy động vốn trái phiếu thực hiện các hoạt động M&A

Năm ngoái, Danh Khôi đã thực hiện M&A nhiều dự án ở khu vực miền Trung. Cụ thể, vào tháng 7/2020, công ty đã thực ...

Minh Anh/NQS