Doanh nghiệp cảng biển, vận tải biển tiếp tục “thăng hoa” quý đầu năm 2022

Cập nhật: 15:42 | 11/05/2022 Theo dõi KTCK trên

Nối tiếp năm 2021, ngay quý 1 đầu năm nay, các doanh nghiệp vận tải biển, cảng biển có lợi nhuận cao trong bối cảnh giá cước vận tải chưa hạ nhiệt và nền sản xuất đang phục hồi.

3928-doanh-nghiyp-cyng-biyn
Doanh nghiệp cảng biển, vận tải biển tiếp tục “thăng hoa” quý đầu năm 2022.

Nhóm vận hành cảng biển khôi phục đà tăng

Thực tế trong ba tháng đầu năm, tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển đạt trên 179,6 triệu tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 25% kế hoạch năm. Trong đó, hàng container giữ vững đà tăng 6% so với cùng kỳ, ước đạt gần 6,3 triệu TEUs.

Trong đó, khu vực Quảng Ninh tăng mạnh mẽ 48% lên 21,7 triệu tấn, khu vực Quảng Trị tăng 38% lên 241 nghìn tấn, khu vực Nghệ An tăng 14%. Tuy nhiên, cũng có nhiều khu vực cảng biển có khối lượng hàng hóa thông qua giảm mạnh như khu vực Bình Thuận giảm 38%. Tiếp đến, khu vực Cần Thơ giảm 24%. Ngoài ra, ở khu vực cảng biển lớn như TP HCM và Vũng Tàu cũng ghi nhận mức giảm nhẹ lần lượt là 5%

Anh cả ngành hàng hải là Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines - Mã: MVN) sau khi có năm 2021 "thăng hoa" với số lãi kỷ lục gần 3.000 tỷ đồng, trong đó riêng quý IV lãi trên nghìn tỷ thì đến quý I/2022, doanh nghiệp tiếp tục ghi nhận mức lợi nhuận gần 690 tỷ, gấp đôi cùng kỳ.

Trong đó, đáng chú ý hoạt động khác báo lãi tới 140 tỷ đồng cao gấp hơn 8 lần cùng kỳ với 135 tỷ đồng là thu nhập từ thanh lý tài sản.

Với kết quả này, Vinalines đã thực hiện được 31% chỉ tiêu lợi nhuận năm và 26% mục tiêu về doanh thu.

Hồi đầu năm, Vinalines dự kiến lợi nhuận của khối vận tải biển và dịch vụ hàng hải đều có sự tăng trưởng so với thực hiện năm trước.

Tuy nhiên, lợi nhuận khối cảng biển sẽ giảm mạnh do trong năm 2021, lợi nhuận hợp nhất Cảng Sài Gòn ghi nhận khoản bất thường khoảng 484 tỷ đồng từ khoản cơ cấu khoản nợ vay của SP - PSA. Đồng thời, lợi nhuận Cảng Quy Nhơn trong năm 2022 cũng có khả năng giảm 220 tỷ đồng do không còn mặt hàng thiết bị điện gió.

Thực tế quý đầu năm, Cảng Sài Gòn (Mã: SGP) và Cảng Quy Nhơn (Mã: QNP) là số ít doanh nghiệp trong nhóm được thống kê ghi nhận lợi nhuận giảm lần lượt 49% và 35%.

Tương tự, Cảng Hải Phòng (Mã: PHP) - cảng biển lớn nhất ở miền Bắc cũng có lợi nhuận sụt giảm nhưng chỉ với mức 3% xuống 168 tỷ đồng. Doanh nghiệp cho biết nguyên nhân đến từ giảm lãi tiền gửi ngân hàng và giảm chênh lệch tỷ giá, bên cạnh yếu tố giá vốn tăng cao.

Sở hữu lượng cảng và logistics quy mô khắp cả nước, quý này, CTCP Gemadept (Mã: GMD) liên tiếp có lợi nhuận tăng trưởng với mức tăng gần 86% lên 319 tỷ đồng quý I, trong đó hết 125 tỷ là lợi nhuận từ công ty liên doanh, liên kết, tăng đột biến gấp 5 lần cùng kỳ. Nhờ kết quả này mà Gemadept đã thực hiện được gần 1/3 kế hoạch lợi nhuận cả năm sau một quý.

Trong giai đoạn tới, Gamadept sẽ triển khai mạnh các dự án đầu tư hạ tầng sau cảng và dịch vụ logistics khu vực phía Nam, bao gồm các ICD, hệ thống kho, điểm tập kết hàng hóa và đội tàu sông. Qua đó, công ty này kỳ vọng gia tăng mạnh mẽ vị thế của Gemalink (thuộc khu vực cảng Cái Mép) như một trung tâm trung chuyển quan trọng của khu vực, thu hút nguồn hàng từ các hãng tàu thuộc liên minh Ocean.

Lợi nhuận nhóm vận tải biển duy trì đà tăng trưởng

Trong số các doanh nghiệp vận tải biển được thống kê, hầu hết đều có kết quả kinh doanh quý I tiếp tục khả quan và tăng trưởng so với cùng kỳ.

CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (Mã: HAH) vẫn duy trì là cái tên sáng giá nhất bảng khi tiếp tục ghi nhận lãi kỷ lục với 262 tỷ đồng, gấp ba lần cùng kỳ năm ngoái và tương đương với quý IV vừa rồi.

Theo giải trình của HAH, lợi nhuận trong quý vừa qua tăng đột biến là doanh nghiệp đầu tư thêm tàu HA East và HA West vào tháng 4 và tháng 5/2021 dẫn đến số lượng tàu quý I năm nay nhiều hơn cùng kỳ. Song song với đó, giá cước vận tải nội địa tăng, giá cho thuê tàu tăng mạnh và số tàu cho thuê kỳ này cũng nhiều hơn. Ngoài ra, lợi nhuận ghi nhận từ các công ty liên kết cũng tăng mạnh.

Quý đầu năm, CTCP Vận tải biển Vinaship (Mã: VNA) ghi nhận lợi nhuận gấp 12 lần cùng kỳ lên 40 tỷ đồng.

Theo giải trình từ phía công ty, mặt bằng cước vận tải biển quốc tế duy trì ở mức cao từ cuối quý I/2021 đã tạo tiền đề thuận lợi cho hoạt động kinh doanh quý I/2022 của VNA với doanh thu vận tải biển quý I/2022 vẫn duy trì ở mức cao và tăng vượt trội so với cùng kỳ; đồng thời, bù đắp cho khoản chi phí nhiên liệu tăng đột biến do ảnh hưởng tình hình chiến sự tại Ukraine.

Năm ngoái, giá vận tải biển tăng vọt trở thành một trong những yếu tố chính đưa lợi nhuận toàn ngành lên cao. Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự đoán, giá cước vận tải sẽ hạ nhiệt nhưng khó có thể về lại mức thấp ngay trong năm nay. Bên cạnh yếu tố phong tỏa từ chiến lược Zero Covid của Trung Quốc thì nguồn cung tàu container đóng mới sẽ chỉ bắt đầu bàn giao mạnh từ năm 2023. Chưa kể, chiến sự tại Nga - Ukraine còn phức tạp tiếp tục khiến giá vận chuyển bất ổn.

Trong khi cước vận tải quốc tế chưa thể nhanh chóng hạ nhiệt, thì với thị trường nội địa, SSI Research dự đoán giá cước vận tải nội địa cũng sẽ tăng lên đáng kể. Điều này giúp các công ty vận tải container sở hữu đội tàu lớn sẽ được hưởng lợi.

Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và làn sóng dịch chuyển sản xuất. Việt Nam cũng được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do… Đây chính là cơ hội và còn nhiều dư địa tăng trưởng cơ hội cho nhóm cảng biển, vận tải biển trong các quý sau của năm 2022.

Lợi nhuận doanh nghiệp cảng biển “neo” cao

Cước vận tải vẫn leo thang, giúp các doanh nghiệp ngành logistics, trong đó có cảng biển hưởng lợi lớn.

Tăng trưởng nhóm doanh nghiệp cảng biển sẽ phân hóa mạnh mẽ nửa cuối năm

Chứng khoán Ngân hàng và Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) vừa đưa ra báo cáo triển vọng ngành cảng biển và vận ...

Nhiều doanh nghiệp cảng biển đua nhau báo lãi lớn trong nửa đầu 2021

Hầu hết các doanh nghiệp cảng biển đều báo lãi tăng trưởng hai chữ số nhờ sản lượng hàng hóa thông cảng tăng mạnh trong ...

Đức Chiến

Tin cũ hơn
Xem thêm