[Cập nhật] Giá vàng hôm nay 27/9/2021: Vàng SJC đứng yên

Cập nhật: 08:59 | 27/09/2021 Theo dõi KTCK trên

Mở phiên giao dịch đầu tuần sáng ngày 27/9, giá vàng trong nước đồng loạt đi ngang tại các hệ thống kinh doanh trên toàn quốc. Trên thị trường thế giới, giá vàng giảm vì đồng USD mạnh khiến vàng trở nên kém hấp dẫn đối với người mua bằng ngoại tệ khác.

Giá vàng hôm nay 27/9/2021: Vàng lùi lại ngưỡng 1.750 USD

Dự báo giá vàng tuần tới (từ 27/9-2/10/2021): Nhiều chuyên gia tiếp tục bi quan về giá vàng

Giá vàng hôm nay 25/9/2021: Lạc quan đi lên

Cụ thể, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn và hệ thống PNJ chi nhánh hai miền Bắc - Nam niêm yết giá vàng SJC đứng yên ở cả hai chiều mua và bán. Tương tự, giá mua và giá bán giữ nguyên không đổi tại Tập đoàn Doji và doanh nghiệp Phú Quý.

Hiện tại, giá trần mua vào của vàng SJC đạt mốc 56,85 triệu đồng/lượng và giá trần bán ra có ngưỡng 57,50 triệu đồng/lượng. Các loại vàng nữ trang khác điều chỉnh tăng trong sáng nay. Cụ thể, giá vàng 24K tăng 50.000 đồng/lượng, vàng tây 18K tăng 40.000 đồng/lượng và vàng 14K tăng 30.000 đồng/lượng cho cả hai chiều giao dịch.

5709-capnhatgiavang279
Ảnh minh họa

Trong phiên giao dịch sáng ngày 27/9, giá vàng giao ngay giảm 0,08% xuống 1.748,7 USD/ounce vào lúc 6h33 (giờ Việt Nam), theo Kitco. Giá vàng giao tháng 12 cũng giảm 0,15% xuống 1.749,1 USD.

Giá vàng giảm trong phiên giao dịch sáng ngày thứ Hai (27/9) vì đồng USD mạnh khiến vàng trở nên kém hấp dẫn đối với người mua bằng ngoại tệ khác. Tại thời điểm khảo sát, chỉ số USD Index tăng 0,26% lên 93,27.

Vàng có thể đối mặt với thử thách thật sự trong tuần này, đó là giữ vững mốc 1.700 USD/ounce. Điều này rất quan trọng đối với kim loại quý, vì giá vàng phần lớn duy trì trên ngưỡng này trong năm nay, theo các chuyên gia.

Ngay cả cuộc khủng hoảng nợ Evergrande của Trung Quốc khiến thị trường lo lắng cũng không giúp giá vàng neo bền vững trên mức 1.750 USD/ounce.

Và với lợi suất trái phiếu tăng và đồng USD mạnh hơn sau thông báo lạc quan của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), kim loại quý có thể có nguy cơ thử mức 1.700 USD, nhà phân tích thị trường cấp cao của OANDA Edward Moya cho biết.

"Mức 1.700 USD được giữ vững trong hầu hết năm nay, ngoại trừ một thời điểm ngắn khi nó giảm xuống còn 1.680 USD một vài lần nhưng đã nhanh chóng phục hồi", ông Moya nói với Kitco News.

Vàng luôn có thể tìm thấy người mua dưới mức này. Nhưng liệu thị trường sẽ chứng kiến điều đó xảy ra một lần nữa không? "Các nhà đầu tư đang chuẩn bị cho việc Fed bắt đầu giảm dần thu mua tài sản vào tháng 11 và hoàn thành vào năm sau," ông Moya cho biết thêm.

Mô hình giao dịch hiện tại cho thấy vàng phục hồi sau một số sự kiện rủi ro mới, nhưng sau đó đánh mất toàn bộ sự gia tăng trước đó khi căng thẳng giảm bớt.

Tuần này, trọng tâm của thị trường sẽ chuyển sang cuộc tranh luận về trần nợ, với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và Chủ tịch Fed Jerome Powell liên tục nhấn mạnh tính cấp thiết của vấn đề. Tiến độ xung quanh gói cơ sở hạ tầng cũng sẽ là tâm điểm.

Ông Moya lưu ý bất kỳ trở ngại nào xoay quanh hai sự kiện này đều có thể hỗ trợ giá vàng trong tuần này.

"Một số thành phần lo ngại rằng quyết định về trần nợ có thể không được hoàn thành kịp thời. Tuy nhiên, cuối cùng vẫn cần phải có một thỏa thuận về mức trần nợ", ông nói và cho biết thêm nếu lợi suất trái phiếu tiếp tục tăng cao, nó sẽ gây áp lực lên giá vàng.

Đồng thời, nếu có một giải pháp dễ dàng về trần nợ, ngăn chặn được việc đóng cửa chính phủ, dự luật cơ sở hạ tầng được thông qua và chứng khoán Mỹ phục hồi trở lại vùng cao kỷ lục, vàng có thể bị bán tháo đáng kể và rớt xuống dưới 1.700 USD, ông Moya nhận định.

Hiện tại, nhiều nhà đầu tư đang lựa chọn phương thức chờ đợi và theo dõi, chứ không tham gia ngay vào thị trường vàng, với một số nhà giao dịch đang theo dõi tác động dài hạn từ sự tắc nghẽn nguồn cung.

Evergrande "không phải là thời điểm Lehman" đối với nền kinh tế Trung Quốc

Trong một cuộc trò chuyện vào đầu tuần trước, Nhà quản lý quỹ đầu tư hàng đầu thế giới Ray Dalio nhận định, tình hình Evergrande "không phải là thời điểm Lehman" đối với nền kinh tế Trung Quốc, điều này đã làm lung lay niềm tin của nhiều nhà đầu tư về những phán đoán "tình hình như cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008."

Dalio khẳng định, "Đây không phải là một khoảnh khắc Lehman. Một khoảnh khắc Lehman tạo ra thiệt hại về cấu trúc lan tỏa thông qua hệ thống tài chính. 300 tỷ USD là số tiền mà Evergrande đang nợ nhưng tất cả điều này có thể quản lý được".

Động thái này báo hiệu rằng, dường như Trung Quốc có thể đã không sẵn sàng cứu trợ nhà phát triển bất động sản mắc nợ nhiều nhất thế giới. Tuy nhiên, có vẻ như Bắc Kinh sẽ không cứu Evergrande nhưng sẽ cố gắng ngăn chặn bất kỳ rủi ro hệ thống nào, điều này sẽ dẫn đến một số dòng chảy trú ẩn an toàn tới cho vàng", ông nói.

Trên thực tế, khủng hoảng nợ của Evergrande có thể không tới mức như “khoảnh khắc Lehman phá sản” nhưng vẫn đủ ám ảnh không ít bên.

Những lo ngại rằng sự sụp đổ của Evergrande có thể châm ngòi bất ổn tài chính và kìm hãm tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đã làm chao đảo các thị trường toàn cầu vào đầu tuần. Lo lắng giảm bớt sau khi nhà phát triển này đồng ý thanh toán một số khoản lãi trái phiếu đến hạn.

Nhưng bất an vẫn còn lâu mới kết thúc khi những người nắm giữ trái phiếu bằng USD nói rằng, "vẫn chưa nhận được tiền". Trong khi đó, các chủ nợ, nhà đầu tư, nhà cung cấp và nhiều công ty khác vẫn đang thấp thỏm với số phận "quả bom nợ" Evergrande.

Sự thiên vị đối với vàng còn giảm, vì tuyên bố của Cục Dự trữ Liên bang về chính sách tiền tệ và nhận xét của Chủ tịch Fed Jerome Powell từ hôm thứ Tư “được thị trường tiêu hóa”, Jeff Wright, giám đốc đầu tư tại Wolfpack Capital, việc Fed giảm bớt việc mua trái phiếu "sẽ bắt đầu vào cuối năm nay và lãi suất [lãi suất] sẽ bắt đầu thắt chặt vào năm 2022."

Fed vào hôm thứ Tư đã báo hiệu ý định của họ sẽ "sớm" giảm bớt việc mua trái phiếu và tăng lãi suất vào cuối năm tới, điều này có thể làm giảm sự thèm muốn đối với vàng nếu các nhà đầu tư chuyển sang các tài sản cung cấp lợi suất. Các dự báo của ngân hàng trung ương về việc tăng lãi suất cũng chỉ ra rằng việc tăng lãi suất sớm nhất là vào năm 2022, điều này cũng có thể làm giảm nhu cầu đối với kim loại quý.

Edward Moya, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao của OANDA, cho rằng với việc lợi suất trái phiếu Mỹ tăng cao hơn và đồng USD mạnh hơn sau thông báo tích cực của Fed, kim loại quý đứng trước nguy cơ giảm về mức 1.700 USD/ounce trong thời gian tới.

Theo vị chuyên gia này, trọng tâm quan sát thị trường tuần tới sẽ là cuộc tranh luận về trần nợ công của Mỹ giữa Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen và Chủ tịch Fed Jerome Powell.

Ông Moya cho rằng, nếu có một giải pháp về trần nợ được đưa ra, dự luật về cơ sở hạ tầng được thông qua và chứng khoán Mỹ phục hồi trở lại vùng đỉnh lịch sử, giá vàng có thể bị bán tháo xuống dưới mức 1.700 USD.

Thanh Hằng