Bí quyết để doanh nghiệp niêm yết vượt qua đại dịch và tiến xa

Cập nhật: 10:36 | 09/06/2021 Theo dõi KTCK trên

Đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng, nhiều phải nỗ lực gồng mình khắc phục khó khăn, vừa phòng dịch bệnh và khôi phục sản xuất kinh doanh… Từ thực tiễn câu chuyện kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong bối cảnh COVID-19 cho thấy, những DN đặc biệt là các doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn chứng khoán xây dựng được các mô hình quản trị theo hướng phát triển bền vững đã chứng tỏ được khả năng chống chịu cao hơn so với các DN khác và đạt được thành công.

3240-dnny-vuot-qua-dich-1
Tập đoàn Novaland luôn xây dựng thiết kế theo tôn chỉ là tạo ra một môi trường sống xanh, sạch và gần gũi với thiên nhiên.

Hướng đi “Vì một Việt Nam xanh”

Thực tiễn từ hoạt động của Tập đoàn Novaland (Mã chứng khoán NVL: Hose) cho thấy, hàng chục năm qua, doanh nghiệp này đã liên tục cập nhật các thông lệ, xu thế quốc tế, và hiện đang hướng tới 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc cũng như các chuẩn mực quốc tế khác như Quy tắc QTCT của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế OECD và Thẻ điểm QTCT khu vực ASEAN.

Đại diện Tập đoàn Novaland chia sẻ, trong suốt thời gian qua, tập đoàn luôn đặt mục tiêu tham gia vào các hoạt động bền vững không chỉ ở các hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn mà còn tích cực tham gia vào những hoạt động an sinh xã hội, giáo dục, sức khỏe mang tính bền vững tại nhiều địa phương như: Cùng các tỉnh ĐBSCL chống xâm nhập mặn và hạn hán; chương trình nước sạch học đường; trao tặng giếng nước sạch, xây dựng đường nông thôn...

Cùng với chiến lược phát triển du lịch của quốc gia, đồng thời nằm trong chiến lược phát triển của DN, Novaland đang từng bước mở rộng phát triển các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng tại các thành phố có tiềm năng du lịch lớn như Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Phan Thiết - Bình Thuận, Cam Ranh - Khánh Hòa... nhằm tạo ra các điểm đến hấp dẫn theo chuẩn quốc tế, giúp Việt Nam khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch thế giới.

Đối với các dự án dân cư, nhà ở hay khu nghỉ dưỡng, Tập đoàn Novaland luôn xây dựng thiết kế theo tôn chỉ là tạo ra một môi trường sống xanh, sạch và gần gũi với thiên nhiên. Theo đó, các dự án đều có tỷ lệ cây xanh cao từ 30-40% diện tích.

Là một trong những DN tiên phong trong phong trào hưởng ứng trồng 1 tỷ cây xanh của Chính phủ cũng như nhằm hiện thực hóa tôn chỉ phát triển bền vững của mình, mới đây, Tập đoàn Novaland cũng đã ký kết các Thỏa thuận hợp tác với Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, đồng hành cùng chiến lược phát triển bền vững, trong đó trọng tâm là Chương trình trồng mới 10 triệu cây xanh tại một số địa phương như Bình Thuận, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai.

Ông Bùi Xuân Huy, Tổng Giám đốc Tập đoàn Novaland cho biết, bước đầu, Tập đoàn tập trung vào chương trình trồng cây gây rừng triển khai tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước nhằm hiện thực hóa lời phát động của Thủ tướng Chính phủ “Vì một Việt Nam xanh”. Mới đây, tại lễ Phát động trồng 50 triệu cây xanh của tỉnh Lâm Đồng, Tập đoàn Novaland đã cam kết đồng hành cùng tỉnh Lâm Đồng với tổng ngân sách tài trợ hơn 11 tỷ đồng.

“Muốn đi nhanh thì đi một mình, nhưng muốn đi xa hãy đi cùng nhau” – chương trình phát động như một lời cam kết của các bên sẽ luôn chia sẻ cùng hướng tới mục tiêu chung vì lợi ích và sự phát triển bền vững cho môi trường, cộng đồng và xã hội, đồng thời lan tỏa tới nhiều doanh nghiệp khác trong việc giữ gìn, góp phần làm cho Việt Nam ngày càng tươi đẹp hơn, bầu khí quyển ngày càng trong lành hơn, môi trường sống nhờ đó thêm phần Xanh - Sạch - Đẹp”, ông Bùi Xuân Huy chia sẻ.

Cũng như Novaland, trong chiến lược phát triển, Việt Nam cũng có nhiều DN kiên định với mục tiêu phát triển bền vững, duy trì tăng trưởng trong các hoạt động sản xuất kinh doanh song song với việc tập trung phát triển con người, các hoạt động trách nhiệm xã hội hướng về cộng đồng và bảo vệ môi trường, CTCP Sữa Việt Nam Vinamilk (mã chứng khoán VNM: Hose) là một trong số những DN như vậy.

Theo bà Mai Kiều Liên - Tổng Giám đốc Vinamilk, định hướng kinh tế tuần hoàn là kim chỉ nam trong chiến lược phát triển bền vững của công ty. Cụ thể hóa định hướng này, Vinamilk đã ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn vào hệ thống trang trại và nhà máy từ nhiều năm qua. Bước đầu các sáng kiến này đã mang lại các hiệu quả tích cực.

Tại các trang trại bò sữa, vòng tuần hoàn nông nghiệp xanh của Vinamilk với trọng tâm là công nghệ Biogas và nguyên lý biến chất thải thành tài nguyên, mang đến lợi ích đáng kể về môi trường, tận dụng năng lượng tái tạo và giảm thiểu đáng kể lượng CO2 phát thải. Bên cạnh đó, Vinamilk cũng tích cực đảm bảo giá trị nguồn tài nguyên đất quý giá của nông nghiệp với việc ứng dụng vòng tuần hoàn tái tạo đất theo công nghệ Nhật Bản và hình thức canh tác hữu cơ (organic).

3241-dnny-vuot-qua-dich-2
Các hoạt động của Vinamilk luôn hướng về cộng đồng và bảo vệ môi trường.

Hướng tới các chuẩn mực quốc tế

Việt Nam đang kiên định trên con đường phát triển bền vững, thực hiện các kế hoạch hành động quốc gia như: Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; Kế hoạch phát triển bền vững doanh nghiệp tư nhân đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030... nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững của cộng đồng doanh nghiệp.

Kết quả một cuộc khảo sát độc lập do Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tiến hành, công bố cuối năm 2020 cho thấy mối tương quan chặt chẽ giữa việc thực hiện Bộ chỉ số về phát triển bền vững khi DN thực hiện tốt quản trị bền vững, minh bạch thông tin và có trách nhiệm xã hội, trách nhiệm môi trường với những kết quả đạt được về sản xuất, kinh doanh.

Theo đó, những DN nào áp dụng Bộ chỉ số DN bền vững (Bộ chỉ số CSI) với 127 chỉ số ở 4 lĩnh vực: Chỉ số kết quả phát triển bền vững; chỉ số quản trị; chỉ số môi trường; và chỉ số lao động sẽ đạt kết quả sản xuất, kinh doanh tốt hơn, năng suất lao động đạt cao hơn, đảm bảo quyền lợi cho người lao động tốt hơn. Trong số các DN tham gia khảo sát, có tới 60 % DN cho biết họ đã làm tốt hơn khi thực hiện Bộ chỉ số CSI về phát triển bền vững.

Theo bà Caitlin Wiesen - Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, các DN đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc giải quyết các thách thức từ biến đổi khí hậu và xóa đói giảm nghèo, Việt Nam sẽ không thể đạt được các mục tiêu phát triển bền vững nếu thiếu DN.

Trong bối cảnh COVID-19, UNDP đang tích cực phối hợp với các đối tác, bao gồm các cơ quan của Chính phủ, các tổ chức phi Chính phủ, để giúp các DN hoạt động ‘xanh hơn’, sạch hơn, phục hồi và ứng phó tốt hơn nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững trong thập kỷ hành động đến năm 2030.

Ở góc độ vĩ mô, nói về sự phát triển bền vững, ông Dominic Scriven - Chủ tịch Công ty Dragon Capital cho rằng, sự phát triển của Việt Nam cần đặt các vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu trong mối quan hệ tổng hòa với các lĩnh vực tạo nên sự tăng trưởng GDP, qua đó hướng tới sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng trở thành yếu tố then chốt đối với mỗi nền kinh tế của quốc gia nói chung và của từng tập đoàn nói riêng thì quốc gia nào, DN nào có khả năng trụ vững ở những thách thức, khó khăn, DN đó sẽ phát triển bền vững. Và muốn đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, các DN cần hướng tới các chuẩn mực quốc tế, nhằm nâng tầm thương hiệu.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Nguyên Khang

Tin liên quan