Bán cổ phiếu DGW, Giám đốc chi nhánh Digiworld dự thu hơn 7 tỷ đồng

Cập nhật: 16:56 | 28/09/2022 Theo dõi KTCK trên

Bà Tô Tiểu Ngọc, Giám đốc chi nhánh Hà Nội Công ty CP Thế giới số (Digiworld, HOSE – Mã: DGW) đăng ký bán 120.000 cổ phiếu DGW nhằm giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân. Tạm tính với mức giá hiện tại, bà Tiểu Ngọc sẽ thu về khoảng 7,5 tỷ đồng nêu giao dịch hoàn tất.

Giao dịch sẽ được thực hiện theo phương thức khớp lệnh, dự kiến từ ngày 3/10 - 1/11/2022. Qua đó, bà Tiểu Ngọc sẽ giảm sở hữu tại DGW xuống còn 85.645 cổ phiếu, tỷ lệ 0,05%.

Mới đây, từ ngày 12/9 - 26/9, bà Tiểu Ngọc đã đăng ký bán 150.000 cổ phiếu DGW nhưng chỉ bán thành công 30.000 cổ phiếu, do giá biến động không đạt yêu cầu. Sau giao dịch, bà Tiểu Ngọc nắm giữ 205.645 cổ phiếu DGW, tỷ lệ 0,13% như hiện nay.

Hiện bà Tiểu Ngọc là chị gái bà Tô Hồng Trang, Thành viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc DGW. Bà Hồng Trang hiện không nắm giữ cổ phiếu DGW nào.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu DGW tiếp tục ghi nhận phiên giảm điểm thứ 4 liên tiếp, đóng cửa ngày 28/9 tại mức giá 62.300 đồng/cp, giảm 4,89% với khối lượng khớp lệnh trung bình 10 phiên gần nhất đạt 1,36 triệu đơn vị. Nếu tạm tính với mức thị giá này, bà Tiểu Ngọc sẽ thu về khoảng 7,5 tỷ đồng từ việc bán cổ phiếu DGW.

Diễn biến giá cổ phiếu DGW thời gian gần đây. Nguồn: TradingView
Diễn biến giá cổ phiếu DGW thời gian gần đây. Nguồn: TradingView

Lãi 6 tháng đầu năm tăng 56% so với cùng kỳ

Về kết quả kinh doanh, quý 2/2022, DGW ghi nhận doanh thu thuần 4.910 tỷ đồng, tăng 16,4% và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ 137 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, đây là mức doanh thu và lợi nhuận thấp nhất trong 3 quý.

Trong cơ cấu doanh thu của DGW, mảng máy tính xách tay và máy tính bảng đóng góp 1.130 tỷ đồng, giảm 15% do quý 2 là quý thấp điểm của thị trường laptop cùng với sự suy giảm nhu cầu của người tiêu dùng. Nhu cầu thị trường điện thoại di động cũng giảm nhưng doanh thu vẫn tăng 26% đạt 2.703 tỷ đồng nhờ gia tăng thị phần của Xiaomi và đóng góp của dòng iPhone.

Mảng thiết bị văn phòng mang về 984 tỷ đồng doanh thu, tăng 48% nhờ tăng trưởng của các sản phẩm IOT đến từ thương hiệu Xiaomi, Huawei và Apple. Ngoài ra, trong quý 2, DGW bắt đầu phân phối sản phẩm thiết bị gia dụng từ Whirlpool, Tivi Xiaomi và ghi nhận tín hiệu doanh thu tích cực.

Mảng hàng tiêu dùng đóng góp 93 tỷ đồng doanh thu, tăng 18% khi Việt Nam trở lị trạng thái bình thường mới sau dịch bệnh, nhu cầu sử dụng các sản phẩm hàng tiêu dùng nhanh phục vụ đời sống như nước giặt, nước xả, kem đánh răng, nước rửa chén và sản phẩm dược tăng dần.

Lũy kế 6 tháng, doanh thu đạt 11.919 tỷ đồng, tăng trưởng 29%; lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ 348 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ năm trước. So với kế hoạch năm, công ty thực hiện được 45% chỉ tiêu doanh thu và 43% chỉ tiêu lợi nhuận.

Tại thời điểm cuối quý 2, tiền và các khoản tương đương tiền giảm mạnh 1.338 tỷ đồng xuống còn 156 tỷ đồng. Ngược lại, khoản phải thu tăng từ 1.786 tỷ đồng lên 2.138 tỷ đồng, hàng tồn kho tăng từ 2.888 tỷ đồng lên 3.397 tỷ đồng.

Về phần nguồn vốn, DGW giảm đáng kể khoản phải trả người bán ngắn hạn từ 2.944 tỷ đồng đầu năm về 1.739 tỷ đồng, nợ vay ngắn hạn tăng thêm 126 tỷ đồng lên 1.243 tỷ đồng. Công ty không có vay nợ dài hạn.

Dự phóng lãi năm 2022 DGW đạt 849 tỷ đồng

Thế Giới Số là một trong hai công ty phân phối sản phẩm công nghệ thông tin lớn nhất Việt Nam. Hoạt động chính trong lĩnh vực phân phối trong lĩnh vực công nghệ (ICT) khi hợp tác 30 thương hiệu công nghệ nổi tiếng thế giới, với khoảng 16.000 điểm bán hàng toàn quốc. Cuối năm 2021, DGW đã mở rộng phân phối thêm các nhãn hàng nổi tiếng như Whirpool, TCL, Alcatel, …. Đây là những tiền đề duy trì sức tăng trưởng trong những năm tới của DGW.

Bán cổ phiếu DGW, Giám đốc chi nhánh Digiworld dự thu hơn 7 tỷ đồng
KBSV ước tính DGW đạt doanh thu thuần và lãi ròng thuộc cổ đông công ty mẹ đạt 26.431 tỷ đồng và 849 tỷ đồng. Hình minh họa.

Hãng công nghệ Xiaomi tiếp tục chứng minh ảnh hưởng tại Việt Nam khi thị phần tăng từ 12% cuối năm 2020, lên mức 22% vào cuối quý 1/2022 (nguồn: ICT). Đây là mức tăng trưởng mạnh nhất trong top 5 thương hiệu lớn nhất nhờ chiến lược đa dạng hóa nhiều dòng sản phẩm.

Như những công ty đang trong giai đoạn bứt phá về tăng trưởng, DGW đang kỳ vọng mở rộng hoạt động kinh doanh trong 1-2 năm tới bằng chiến lược M&A. Điều này có thể đóng góp tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trong những năm tới.

Năm 2022, Công ty chứng khoán KB Việt Nam ước tính doanh thu thuần và lãi ròng thuộc cổ đông công ty mẹ đạt 26.431 tỷ đồng và 849 tỷ đồng, tăng 26% và 30% cùng kỳ: 1) mảng điện thoại đạt 14.343 tỷ đồng doanh thu, tăng 50%YoY; 2) mảng thiết bị văn phòng tăng trưởng 42%YoY; 3) biên lợi gộp giảm từ 7,2% xuống còn 6,9%, nhưng biên lợi nhuận gộp nửa cuối năm 2022 đã tích cực hơn; 4) chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 6% và 9%YoY.

EPS forward năm 2022 ước đạt 5.204 đồng/cp, tương ứng mức P/E forward năm 2021 ở mức 13,5 lần. KBSV đánh giá TÍCH CỰC dành cho DGW nhờ: 1) kỳ vọng phục hồi tăng trưởng mạnh hơn năm 2023 nhờ điều kiện thị trường cải thiện; 2) hoạt động M&A sẽ đóng góp thêm tăng trưởng doanh thu từ năm 2023.

Ngoài ra, chúng tôi cũng giới thiệu tới độc giả các thông tin mà nhiều người quan tâm trong lĩnh vực Kinh tế - Chứng khoán được liên tục cập nhật như: #Nhận định chứng khoán #Bản tin chứng khoán #chứng khoán phái sinh #Cổ phiếu tâm điểm #đại hội cổ đông #chia cổ tức #phát hành cổ phiếu #bản tin bất động sản #Bản tin tài chính ngân hàng. Kính mời độc giả đón đọc.

Cổ phiếu ngân hàng tìm về đáy cũ, từ "siêu trụ" thành "gánh nặng" thị trường

Nhiều cổ phiếu ngân hàng bỗng quay đầu lao dốc và đang có xu hướng tìm về đáy cũ xác nhận hồi trung tuần tháng ...

Chứng khoán phiên chiều 28/9: Nhóm chứng khoán dù "sáng", VN-Index vẫn "bốc hơi" mạnh

Thị trường chứng khoán phiên chiều lại "đổ dốc" sau phiên ATC, về lại đúng vùng đáy của năm nay. Bối cảnh đó, cổ phiếu ...

Tập đoàn Sao Mai (ASM) sắp trả cổ tức năm 2021, tỷ lệ 15%

Công ty CP Tập đoàn Sao Mai (HOSE - Mã: ASM) vừa thông báo về ngày đăng ký cuối cùng nhận cổ tức năm 2021.

Khánh Vân