Từ vụ 2 anh em bị tan máu nguy kịch khi ăn xôi:

Bài 2: Những thực phẩm phổ biến trong mùa hè dễ bị “ướp màu” hóa chất

Cập nhật: 06:00 | 21/04/2019 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Có rất nhiều thức ăn, đồ uống sử dụng phẩm mầu chế biến trông bắt mắt. Tuy nhiên, khi sử dụng những loại thực phẩm có nhiều phẩm màu, người dùng có thể bị ngộ độc cấp tính...

bai 2 nhung thuc pham pho bien trong mua he de bi uop mau hoa chat Bài 1: Cẩn trọng những món ăn "ướp màu" hóa học

Thị bò khô: Trên thị trường hiện nay, không khó để bắt gặp những quầy hàng bán những túi thịt bò khô đỏ au thu hút giới trẻ. Loại bò khô này chủ yếu là bò dạng sợi, được đựng trong những túi nilon, không có nhãn mác hoặc được đựng trong những khay bán kèm ở các hàng chè, bánh mì và các quán ăn vặt. Tuy nhiên, ít người biết rằng, để làm ra những sợi bò thơm ngon, bắt mắt như thế, nhiều cửa hàng đã lạm dụng các loại màu hóa học và phụ gia công nghiệp trôi nổi trên thị trường.

Thậm chí, để tăng độ dai cho sản phẩm, nhiều cơ sở chế biến còn ngâm hàn the, một chất nằm trong danh mục bị cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm. Thực tế, đã có nhiều hậu quả nhãn tiền về việc sử dụng hóa chất trong chế biến bò khô. Như trường hợp của bé Dư Gia H. (8 tuổi, Hà Nội), sau khi ăn thịt bò khô có nhuộm phẩm màu không rõ nguồn gốc, bé xuất hiện triệu chứng chóng mặt, buồn nôn, sốt, rét run, tiểu đỏ. Khi vào viện, các bác sĩ cho biết, bé bị tan máu do nhiễm độc.

bai 2 nhung thuc pham pho bien trong mua he de bi uop mau hoa chat
Nhiều món ăn "khoái khẩu" của trẻ nhỏ có nguy cơ bị tẩm màu độc hại. Ảnh Internet

Kem nhiều màu: Kem cũng là một loại đồ ăn được trẻ nhỏ yêu thích trong mùa hè nóng nực. Tuy nhiên, thời gian qua, báo đài, các phương tiện thông tin đại chúng đã đề cập nhiều đến việc làm kem “bẩn” bằng hóa chất của nhiều cơ sở sản xuất. Thế nhưng, nhiều bố mẹ sẵn lòng bỏ ra hàng chục nghìn đồng để mua một cây kem màu xanh, đỏ, tím, vàng bắt mắt, đủ các loại hương vị trái cây, socola thơm, ngọt, béo ngậy, hấp dẫn đựng trong những chiếc thùng inox bán quanh các khu trường học, quán kem đường phố... nhưng lại không để ý, những chiếc kem này không hề có nhãn mác, nguồn gốc, thời hạn sử dụng. Việc này rất nguy hại, vì có thể, những đứa trẻ đang phải ăn hóa chất vào người mỗi ngày.

Các loại chè: Hiện nay, trên thị trường bày bán rất nhiều loại chè với nhiều tên gọi khác nhau kèm theo nhiều màu sắc bắt mắt. Tuy nhiên, để làm ra những loại “nhân chè” nhiều màu như vậy, cần rất nhiều thời gian nếu làm từ những nguyên liệu thiên nhiên. Theo đó, không ít chủ cửa hàng đã dùng màu công nghiệp để nấu, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí mà vẫn được những màu bắt mắt. Chẳng hạn, với một cốc chè bảy màu mà cả bảy màu đó đều sử dụng phẩm màu hóa học thì đồng nghĩa với việc chúng ta “rước” cùng lúc bảy chất hóa học vào cơ thể. Đó là chưa kể đến việc sử dụng thêm các chất bảo quản hoặc phụ gia khác (tạo độ sánh, đường hóa học…).

Thạch: Nếu thạch được làm từ các nguyên liệu tự nhiên như rau xanh hoặc nước ép các loại trái cây thì sẽ rất an toàn và bổ dưỡng, giúp cung cấp chất xơ cho đường tiêu hóa. Tuy nhiên, nếu thạch bị trộn lẫn với phẩm màu hóa học, ví dụ Sodium Cyclamate - là hóa chất nằm trong danh mục cấm sử dụng vào sản phẩm thực phẩm, hoặc những chất gây màu, gây mùi không nằm trong danh mục phụ gia thực phẩm thì sẽ gây hại cho người sử dụng.

Trà sữa trân châu: Thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều cơ sở trà sữa không dùng bột trà tự nhiên mà chế từ bột màu để pha nước trà. Bên cạnh đó, có cửa hàng dù dùng trà thật nhưng để gia tăng hương vị cho trà, họ thường tẩm thêm hương liệu (hương nhài, hương sen) vào trà để trà có thêm hương vị hấp dẫn. Theo các chuyên gia, nếu không sử dụng đúng loại trà hoặc hương liệu thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, rất có thể những loại hương liệu này sẽ có chứa các hóa chất độc hại.

Trong sinh hoạt hàng ngày, người dân cần lưu ý:

- Hạn chế sử dụng phẩm màu để chế biến thức ăn.

- Nên dùng chất tạo màu từ thực vật thay cho phẩm màu.

- Không dùng các loại phẩm màu trôi nổi, không có nguồn gốc và không được cấp phép để chế biến thực phẩm tại gia đình.

- Hạn chế sử dụng các loại thực phẩm có nhiều màu sắc không tự nhiên, nhất là đối với trẻ em. Đặc biệt không ăn những thức ăn có phẩm màu lòe loẹt.

- Nên xét nghiệm sàng lọc để phát hiện bệnh thiếu men G6PD để tránh dùng một số loại thuốc, hóa chất, thực phẩm có thể gây tan máu ở những bệnh nhân này.

Nguyễn Thanh

Tin cũ hơn
Xem thêm