18 lần đấu giá, Khách sạn Cendeluxe Phú Yên của Thuận Thảo (GTT) vẫn ế ẩm

Cập nhật: 09:37 | 27/05/2021 Theo dõi KTCK trên

Ông Đặng Quang Anh, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Phú Yên mới đây cho biết, cơ quan này đã tổ chức bán đấu giá 18 lần khách sạn (KS) Cendeluxe Phú Yên tại TP. Tuy Hòa của CTCP Thuận Thảo (UpCOM: GTT) trong đó Cục THADS Phú Yên đã 17 lần giảm giá đối với tài sản này từ hơn 500 tỷ đồng còn 202 tỷ đồng nhưng vẫn không có người đăng ký tham gia đấu giá.

18 lần đấu giá, Khách sạn Cendeluxe Phú Yên của Thuận Thảo (GTT) vẫn ế ẩm

Khách sạn Cendeluxe Phú Yên được đưa ra bán đấu giá 18 lần, 17 lần giảm giá
nhưng vẫn không có người mua

KS Cendeluxe Phú Yên cao 17 tầng, từng được gắn năm sao, được xem là tài sản lớn nhất của CTCP Thuận Thảo. Đây cũng là khách sạn năm sao đầu tiên ở tỉnh Phú Yên.

Theo Cục THADS Phú Yên, CTCP Thuận Thảo còn phải trả hơn 1.075 tỷ đồng cho Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam do Ngân hàng TMCP Đầu tư Phát triển Việt Nam bán nợ trong các hợp đồng tín dụng trong đó nợ gốc là 625 tỷ đồng; phần còn lại là nợ lãi.

Từ ngày 1/7/2017, Công ty Thuận Thảo không thực hiên nghĩa vụ trả nợ. Do đó, Ngân hàng TMCP Việt Nam yêu cầu cơ quan thi hành án phát mãi các tài sản thế chấp mà chưa được xử lý để thu hồi nợ.

Ngoài ra, theo bản án ngày 27/2/2017 của TAND TP Tuy Hòa, CTCP Thuận Thảo phải trả cho Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam Chi nhánh Phú Yên hơn 13 tỷ đồng.

Khi đã hết thời gian tự nguyện thi hành án CTCP Thuận Thảo vẫn không có điều kiện để nộp đủ số tiền phải thi hành án nên tháng 5/2018 cơ quan THADS đã tiến hành kê biên, thẩm định giá tài sản của công ty này.

Theo thẩm định của đơn vị chức năng, KS Cendeluxe Phú Yên gắn liền với đất và tài sản khác gắn liền với khách sạn cùng khu Trung tâm Hội nghị - Triển lãm - Dịch vụ du lịch Thuận Thảo (phía bắc đường Hải Dương, TP. Tuy Hòa) được định giá 491 tỷ đồng. Khu Thuận Thảo Land được định giá 62 tỷ đồng; Khu Trung tâm Giải trí và Sinh thái Thuận Thảo (phía Nam đường Hải Dương) được định giá hơn 117 tỷ đồng; Khu Resort Thuận Thảo (đường Độc Lập, TP. Tuy Hòa) được định giá 49,5 tỷ đồng.

Đến nay, Cục THADS Phú Yên chỉ mới bán đấu giá được Khu Resort Thuận Thảo với giá 42 tỷ đồng sau 5 lần tổ chức bán đấu giá và bốn lần giảm giá. Khu mở rộng Trung tâm Hội nghị - Triển lãm - Dịch vụ du lịch Thuận Thảo cũng vừa bán được gần 31 tỷ đồng sau 15 lần tổ chức bán đấu giá.

Trong khi đó, khu Trung tâm Giải trí và Sinh thái Thuận Thảo ở phía Nam đường Hải Dương đã giảm giá lần thứ năm, tổ chức bán đấu giá lần thứ sáu với giá 98,8 tỷ đồng nhưng vẫn chưa bán được.

Cục Thuế tỉnh Phú Yên cho biết CTCP Thuận Thảo đang nợ thuế hơn 165,8 tỷ đồng gồm tiền nợ thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp. Cục Thuế Phú Yên xác định số tiền này đã quá hạn nộp, phải thực hiện cưỡng chế nợ thuế.

Theo thống kê, đã 7 năm qua Thuận Thảo chưa từng biết lãi trong hoạt động kinh doanh. Theo đó, từ năm 2014 đến 2019, công ty liên tục ghi nhận các khoản lỗ hàng trăm tỷ đồng (cá biệt là năm 2016 khi doanh nghiệp lỗ lũy kế gần 300 tỷ đồng sau kiểm toán.

Đáng nói hơn, vón chủ sở hữu của Thuận Thảo cũng ghi nhận âm từ năm 2015 đến nay (năm 2019 - gần 1.000 tỷ đồng). Dù chưa có thông tin kiểm toán năm 2020 song nếu nhìn kết quả kinh doanh 3 quý đầu năm của GTT, con số lỗ đã là gần 100 tỷ đồng.

Với kết quả kinh doanh bết bát, cổ phiếu GTT đã vào diện kiểm soát từ 17/3/2016 do lợi nhuận sau thuế các năm 2014, 2015 âm. Kế đó, mã tiếp tục được đưa vào diện hạn chế giao dịch từ 20/6/0216 do VCSH tại báo cáo tài chính kiểm toán năm 2015 không dương.

Hiện GTT đang giao dịch ở ngưỡng 900 đồng/cổ phiếu.

Vì đâu nên nỗi?

CTCP Thuận Thảo của bà Võ Thị Thanh từng có thời kỳ huy hoàng, là doanh nghiệp mũi nhọn của tỉnh Phú Yên. Thế nhưng, từ khi bước chân vào lĩnh vực bất động sản, đầu tư dàn trải vào nhiều dự án, khiến Thuận Thảo nợ nần chồng chất hàng nghìn tỷ đồng.

3536-thna
Bà Võ Thị Thanh

Năm 1997, sau hơn một chục năm làm Tổng đại lý chuyên phân phối hàng hóa cho 20 công ty trong nước và công ty liên doanh với nước ngoài tại tỉnh Phú Yên, doanh nghiệp tư nhân mang tên Vận tải và Thương mại Thuận Thảo đã được thành lập nên bởi 2 vợ chồng ông bà Võ Văn Thuận và Võ Thị Thanh (Thảo).

Công ty phát triển nhanh chóng, trở thành biểu tượng của tỉnh này khi tiên phong tạo nên nhiều cái “đầu tiên”. Siêu thị tư nhân đầu tiên tại Phú Yên, bến xe khách tư nhân đầu tiên của Việt Nam… cũng nhờ đó bà Thanh được ví như “bông hồng vàng” Phú Yên.

Thế nhưng, việc Thuận Thảo lấn sân sang đầu tư, mở rộng mảng bất động sản rơi vào đúng giai đoạn khủng hoảng kinh tế, khiến doanh nghiệp này sa vào khó khăn không lối thoát.

Năm 2008, đánh dấu bước đi chập chững của Thuận Thảo trong lĩnh vực bất động sản bằng thực hiện dự án xây dựng khu Thuận Thảo Land và khách sạn 5 sao CenDeluxe 17 tầng mang đẳng cấp quốc tế, sang trọng, gồm 218 phòng và một nhà hàng trên đỉnh với thiết kế tân kỳ, hiện đại với tổng vốn đầu tư khoảng 500 tỷ đồng.

Tuy nhiên, CenDeluxe Hotel được coi là nguyên nhân chính gây nên tình trạng sử dụng vốn vay quá lớn và kéo tỷ suất lợi nhuận của Thuận Thảo trong giai đoạn xây dựng xuống mức rất thấp.

Cũng trong năm 2008, doanh nghiệp của bà Võ Thị Thanh còn được tỉnh Phú Yên “tin tưởng” giao hơn 9,3 ha để thực hiện dự án khu resort Thuận Thảo (hay còn gọi Resort & Spa Golden Beach) với tổng mức đầu tư 350 tỷ đồng.

Khu đất này nằm ở vị trí đắc địa khi giáp ba mặt đường phố chính của TP. Tuy Hòa là Trần Phú, Lê Duẩn và Độc Lập. Đặc biệt, khu đất này cắt ngang một đoạn đường ven biển. Khu biệt thự cao cấp của dự án được xây dựng trên diện tích 80.000 m2, có 91 căn biệt thự cao cấp và các công trình dịch vụ phục vụ hỗ trợ.

Sau khi hoàn thành giai đoạn 1 bằng việc xây dựng một vài hàng quán trên khu đất sát biển rộng 1,3 ha. Dự án Khu resort Thuận Thảo bỗng nhiên án binh đất động. Đầu năm 2017, tỉnh Phú Yên đã ra quyết định thu hồi 8 ha đất chưa thực hiện ở dự án này.

Không chỉ thực hiện các dự án bất động sản tại quê nhà, “bông hồng vàng” Phú Yên – Võ Thị Thanh còn tham vọng mở rộng ra các thành phố lớn như TP. HCM, Đà Nẵng…

Tại TP. HCM, CTCP Thuận Thảo thành lập Công ty Thuận Thảo Nam Sài Gòn để thực hiện các dự án bất động sản tại huyện Bình Chánh. Sau khi thành lập, công ty được UBND TP.HCM phê duyệt làm chủ đầu tư dự án khu nhà ở xã hội Tây Sài Gòn.

Công ty con của Thuận Thảo có trụ sở tại số 100B Bùi Thị Xuân, phường Bến Thành, quận 1 và là chủ của hai khu đất tại Khu phố 2, Khu phố 4, Thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh có tổng diện tích 22ha.

Thế nhưng, kỳ vọng trở thành tập đoàn của Công ty Thuận Thảo đã nhanh chóng sụp đổ khi ngành du lịch Phú Yên không có sự đột phá, đặc biệt khi thị trường bất động sản bước vào thời kỳ khủng hoảng.

Năm 2018, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) thông báo đấu giá tài sản của CTCP Thuận Thảo Nam Sài Gòn (công ty con của Thuận Thảo) và 95 khách hàng cá nhân có liên quan tại Ngân hàng TMCP Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Phú Tài (Phú Yên).

Cổ phiếu vua và nhóm bất động sản còn sóng tăng ngắn hạn

Lãnh đạo quỹ đầu tư Pyn Elite Fund nhận định, các ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản có khả năng công bố kết ...

Giá nhà ở TP. HCM tăng lên từng ngày

Mới đây, cử tri TP. HCM đã gửi đến Bộ Xây dựng 2 kiến nghị liên quan đến vấn đề thiếu hụt nhà ở xã ...

Gói thầu và chủ đầu tư ngày 24/5/2021: Hà Nam tìm chủ cho khu đô thị gần 2.000 tỷ ở Duy Tiên

Triển khai dự án giao thông gần 5.000 tỷ đồng tại Nam Định; Hà Nam tìm chủ cho khu đô thị gần 2.000 tỷ ở ...

Hữu Dũng T/H

Tin cũ hơn
Xem thêm